Bước vào Nhà Trắng với cam kết thay đổi bộ mặt chính trị Mỹ, chuyển giao lại quyền lực cho người dân và theo đuổi học thuyết “Nước Mỹ trên hết”, sau một năm, Tổng thống Donald Trump không chỉ đang thay đổi nước Mỹ mà còn thay đổi toàn thế giới với nhiều quyết định và chính sách bất ngờ và thậm chí gây tranh cãi mang đậm dấu ấn cá nhân.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: pastemagazine.
Ông chủ Nhà Trắng “khác biệt hay lập dị”?
Tác động của học thuyết “Nước Mỹ trên hết” khiến xứ cờ hoa tốt lên hay xấu đi hiện vẫn đang là chủ đề tranh cãi gay gắt trong dư luận người dân cũng như truyền thông Mỹ. Tuy nhiên, điều có thể dễ nhận thấy nhất là Nhà Trắng có một ông chủ thực sự khác biệt, không chỉ so với người tiền nhiệm của đảng Dân chủ mà còn không giống bất cứ ai trong số các Tổng thống Cộng hòa trước đó.
Một điểm nổi bật của ông Trump là đã biến trang mạng xã hội Twitter thành một phương tiện thay văn phòng Tổng thống đưa ra các thông báo bổ nhiệm, cách chức các quan chức nội các cấp cao hay các chính sách mới chỉ trong 280 ký tự.
Không chỉ vậy, Tổng thống Donald Trump còn liên tục đăng tải các tuyên bố gây tranh cãi, thậm chí đi ngược lại với các tuyên bố của giới chức cấp cao của chính nước Mỹ vừa đưa ra trước đó.
Ông Trump cũng không tỏ ra ngại ngần khi sẵn sàng đấu khẩu với giới truyền thông, gọi hàng loạt các hãng tin lớn tại Mỹ là “tin giả”. Vươn xa hơn, Tổng thống Trump cũng không ngại ngần gọi lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un là “người tên lửa”, đe dọa trút “bão lửa và thịnh nộ” xuống Bình Nhưỡng. Chính vì thế, mọi sự chú ý của các nước trên thế giới dường như tập trung vào tài khoản Twitter cá nhân của ông Trump hơn là các tuyên bố của giới chức cấp cao nước này.
Không chỉ vậy, chính cá nhân Tổng thống Trump và hàng loạt các quan chức khác cũng đang phải đối mặt với những cáo buộc có thể khiến họ phải từ chức hay bị đưa ra luận tội.
Công tố viên đặc biệt Robert Mueller, người phụ trách điều tra cáo buộc Nga can thiệp vào bầu cử Tổng thống Mỹ hồi năm ngoái đang tích cực thu thập bằng chứng. Cuộc điều tra đang được mở rộng đến một số trợ lý thân cận trong chiến dịch tranh cử của ông Trump.
Ngoài ra, các cáo buộc về hành vi cản trở thực thi công lý trong việc cách chức Giám đốc FBI hồi tháng 5 vừa qua nếu được xác định có thể khiến ông Trump bị đưa ra luận tội và mất đi sự ủng hộ quan trọng của các cử tri độc lập cũng như đảng Cộng hòa.
Tuy nhiên, xét về góc độ một ngôi sao truyền hình, việc liên tục thu hút được sự chú ý của truyền thông và dư luận bằng các tuyên bố gây sốc, các quyết định bất giờ thậm chí là cả bê bối thì rõ ràng Tổng thống Trump đang thực sự thành công.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã để lại dấu ấn cá nhân khá đậm nét sau một năm cầm quyền. Ảnh: Getty.
Kinh tế, việc làm khởi sắc nhưng nội bộ chia rẽ, tâm lý thù địch gia tăng
Với học thuyết “Nước Mỹ trên hết” cụ thể như chú trọng đầu tư trong nước, cắt giảm thâm hụt thương mại, giảm thiểu nhiều quy định kinh doanh, thậm chí là bỏ qua các quy định, quy tắc thương mại quốc tế… môi trường kinh doanh tại Mỹ phần nào được giải phóng.
Năm 2017 chứng kiến thị trường chứng khoán của Mỹ tăng trưởng kỷ lục, tăng trưởng GDP ước đạt 3-4%, mức tăng cao nhất trong vòng 3 năm qua, tỷ lệ thất nghiệp cũng giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2000.
Trong thắng lợi lập pháp quan trọng đầu tiên, ngày 22/12, Tổng thống Trump đã ký ban hành Luật cải cách thuế mà theo ông là cuộc cải cách và cắt giảm thuế lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ kể từ thời Tổng thống Ronald Reagan. Mục tiêu của Đạo luật này là nhằm cắt giảm thuế cho các gia đình Mỹ cũng như khuyến khích các công ty đa quốc gia của Mỹ thay vì đầu tư ra nước ngoài sẽ đầu tư trong nước, tạo thêm việc làm cho người dân nước này.
Tuy nhiên, chính đạo luật này và nhiều quy định khác của Tổng thống Trump cũng đang đẩy nước Mỹ lún sâu hơn vào chia rẽ. Mặc dù đạo luật mới cắt giảm thuế cho hộ gia đình và doanh nghiệp nhưng đồng thời cũng hủy bỏ một phần Đạo luật Chăm sóc y tế giá rẻ (Obamacare). Theo các quan điểm chỉ trích, đạo luật này sẽ khiến bất công xã hội gia tăng khi chỉ làm lợi cho những người giàu và siêu giàu, còn những người nghèo và trung lưu thì càng nghèo đi.
Ngoài ra, với việc đảo ngược hàng trăm văn bản dưới thời kỳ Obama về môi trường, năng lượng, các chính sách mới của ông Trump được cho là phục vụ những ông chủ doanh nghiệp giàu có, đặt lợi nhuận lên trên yếu tố môi trường, an toàn cũng như như sức khỏe của người dân.
Không chỉ là thu nhập giàu nghèo, văn hóa, ý thức hệ, nước Mỹ còn đang chứng kiến sự chia rẽ về tôn giáo, sắc tộc, giới tính khi tâm lý thù địch, chủ nghĩa da trắng thượng đẳng, phân biệt chủng tộc… có xu hướng gia tăng nhiều nơi. Các chính sách này đi ngược với chủ nghĩa dân túy, một trong những vũ khí quan trọng giúp ông giành thắng lợi trong cuộc bầu cử cuối năm ngoái. Điều này đang khiến không ít người từng bỏ phiếu cho ông Trump bắt đầu cảm thấy thất vọng.
Chính sách đối ngoại đầy mâu thuẫn, khó đoán định
Trong khi giới chức Mỹ thường khẳng định “Nước Mỹ trên hết” không có nghĩa là nước Mỹ đi một mình. Tuy nhiên, thực tế cho thấy với khuynh hướng theo chủ nghĩa biệt lập, nước Mỹ của Tổng thống Trump có vẻ như chỉ tính toán đến các lợi ích của mình. Mặc dù tuyên bố siết chặt các liên minh nhưng cho đến thời điểm này tất cả các nước đồng minh của Mỹ đều nhìn Tổng thống Trump với con mắt hoài nghi.
Có lẽ, chỉ Israel là nước duy nhất cảm thấy hài lòng khi ông Trump thay đổi quan điểm của các chính quyền trước đây, chính thức công nhận Jerusalem là thủ đô của Nhà nước Do Thái. Quyết định này đã vấp phải sự phản đối của đông đảo dư luận thế giới cũng như đẩy khu vực vào nguy cơ đối đầu bạo lực.
Chính quyền Tổng thống Trump cũng đặt ưu tiên giải quyết vấn đề hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên thông qua gia tăng sức ép về mọi mặt với chiến lược “bên miệng hố chiến tranh”. Đến thời điểm hiện nay chiến lược này mặc dù có một số kết quả nhưng giải pháp hòa bình cho bán đảo Triều Tiên vẫn còn quá xa vời.
Muốn tận dụng vai trò của Trung Quốc và Nga để buộc Triều Tiên phải nhượng bộ, nhưng trong Chiến lược an ninh quốc gia vừa công bố đầu tháng 12, chính quyền Trump lại khẳng định hai quốc gia này là địch thủ, đe dọa lợi ích cả về chính trị lẫn kinh tế đối với Mỹ. Chính vì thế, khả năng các cường quốc cùng hợp tác, chung tay giải quyết không chỉ các điểm nóng trên thế giới mà cả các thách thức an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng, lương thực hay chống khủng bố… vẫn là câu hỏi để ngỏ.
Ngay từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Trump liên tục điều chỉnh chính sách của Mỹ, giảm bớt cam kết đa phương, thúc đẩy quan hệ song phương không chỉ về kinh tế, thương mại mà còn hàng loạt các vấn đề khác như biến đổi khí hậu, di cư hay năng lượng. Không chỉ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, Tổ chức Văn hóa, Giáo dục và Khoa học Liên Hợp Quốc (UNESCO)… chính quyền Tổng thống Trump còn cắt giảm đóng góp tài chính cho Liên Hợp Quốc cũng như đe dọa rút khỏi nhiều tổ chức quốc tế khác.
Tuyên bố tiếp tục duy trì vai trò lãnh đạo toàn cầu nhưng nhiều chuyên gia Mỹ lại cho rằng vị thế của nước Mỹ ngày càng giảm sút. Tại châu Á, Trung Quốc ngày một lớn mạnh, mở rộng quỹ đạo ảnh hưởng, tại Trung Đông, người Nga và Iran đang chiếm ưu thế trong khi tại châu Âu, mối liên kết giữa Mỹ với NATO cũng như các đồng minh chủ chốt đang trong tình trạng lỏng lẻo nhất nhiều thập kỷ qua. Chính vì thế, điều thế giới hiện nay quan ngại nhất không hẳn là các cuộc khủng hoảng ngày càng leo thang mà là các tuyên bố và quyết định bất thường cũng như thất thường từ chính ông chủ Nhà Trắng.
2018 - năm bản lề cho nước Mỹ
Cuộc điều tra về cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ giúp ông Trump đắc cử Tổng thống, nguy cơ chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên, mầm mống chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, bóng ma khủng bố và hàng loạt các vấn đề nóng khác vẫn chưa có dấu hiệu đi đến hồi kết cho thấy năm 2018 sẽ là một năm đầy thách thức cho chính quyền Trump và học thuyết “Nước Mỹ trên hết”.
Về nội bộ, nước Mỹ sẽ tiếp tục bị chia rẽ sâu sắc. Tranh chấp đảng phải, tranh cãi chính trị, xung đột, biểu tình… đang có xu hướng tăng lên. Tỷ lệ ủng hộ đối với cá nhân Tổng thống Trump ngày càng giảm sút trong khi phe Dân chủ giành được những thắng lợi quan trọng tại các kỳ bầu cử bổ sung nghị sỹ Quốc hội. Năm 2018, nước Mỹ sẽ tổ chức bầu cử giữa nhiệm kỳ. Nếu đảng Cộng hòa thất bại thì các chính sách mà Tổng thốngTrump đang thực hiện hoặc vận động sẽ gặp không ít khó khăn.
Được coi là một năm thành công về mặt kinh tế nhưng thách thức và khó khăn, đặc biệt về đối ngoại vẫn đang chờ đợi nước Mỹ. Các quyết định nới lỏng điều kiện kinh doanh và luật cải cách thuế đang giúp cho kinh tế Mỹ tăng trưởng trong ngắn hạn.
Tuy nhiên, trong bối cảnh xu thế khu vực hóa, toàn cầu hóa tiếp tục gia tăng, nền kinh tế Mỹ đã hội nhập chặt chẽ với kinh tế toàn cầu thì việc sử dụng các biện pháp đơn phương, thậm chí bỏ qua các quy định thương mại quốc tế rất có thể sẽ mang đến các hậu quả tiêu cực khó lường trước.
Đối với các điểm nóng, chính sách bên miệng hố chiến tranh của Tổng thống Trump khiến không ít chuyên gia dự báo về nguy cơ xung đột nghiêm trọng, thậm chí là chiến tranh có thể xảy ra trên bán đảo Triều Tiên hay khu vực Trung Đông. Nước Mỹ với chủ nghĩa “thực dụng có nguyên tắc” của Tổng thống Trump đang thay đổi mạnh mẽ. Chính vì thế, 2018 có thể được coi là năm bản lề đưa nước này vào một thời kỳ mới nhưng chưa rõ sẽ tốt lên hay xấu đi.
Tác giả: Theo Phạm Huân, Vũ Hợp
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn