Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 12/10 cho biết Washington sẽ chính thức rút khỏi UNESCO từ ngày 31/12/2018 và sẽ chỉ duy trì vai trò của một quan sát viên với lý do tổ chức này đang thiên vị những hành động chống lại Israel.
Vài giờ sau đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố nước này cũng sẽ rút khỏi UNESCO. Ông Netanyahu hoan nghênh quyết định rút khỏi UNESCO của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump.
UNESCO là tổ chức quốc tế vì hoạt động gìn giữ bảo tồn cũng như công nhận những di sản văn hoá và thiên nhiên nổi tiếng trên thế giới. Tuy nhiên, Mỹ và Israel từng nhiều lần chỉ trích UNESCO vì hàng loạt quyết định mà 2 nước cho rằng không thích hợp, trong đó có việc UNESCO công nhận thành phố Hebron đang tranh chấp giữa Israel và Palestine là di sản thế giới thuộc về Jerusalem.
Tổng giám đốc của UNESCO, bà Irina Bokova, lấy làm tiếc về quyết định của Mỹ. "Đây không chỉ là vấn đề về di sản thế giới", bà nói, đồng thời miêu tả việc rút ra khỏi UNESCO là "một sự mất mát cho cả tổ chức và Mỹ".
Quyết định của Mỹ sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 31/12/2018. Kể từ đó Mỹ sẽ chỉ duy trì vai trò của một quan sát viên và dừng viện trợ cho UNESCO.
Quyết định của Mỹ đã khiến nhiều thành viên của UNESCO cảm thấy “tiếc nuối”. Đại sứ Pháp tại LHQ Francois Delattre nhận định rằng: "Chúng ta cần một nước Mỹ luôn cam kết với các vấn đề thế giới". Trong khi đó, bà Tatiana Dovgalenko, Phó đại diện thường trực của Nga tại tổ chức này, trả lời AP rằng sự rút lui khỏi UNESCO của "một trong những nước thành lập nên hệ thống LHQ" là "một cú sốc và đáng tiếc."
Tác giả: Đức Hoàng
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn