100 ngày tại vị đầu tiên của Donald Trump
Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: Reuters)
1. Lệnh cấm nhập cảnh
Lệnh cấm nhập cảnh là thất bại đầu tiên của ông Trump trong những ngày đầu tại vị. Lệnh cấm - nhằm vào các nước Iran, Iraq, Somalia, Sudan, Libya, Syria và Yemen - được thiết kế có hiệu lực, mà dường như Bộ trưởng An ninh nội địa của ông Trump không hay biết và không có bất kỳ thông báo trước nào đối với các hãng hàng không và sân bay. Kết quả là nó đã gây ra sự hỗn loạn khi các hành khách có thị thực hợp lệ hoặc thẻ xanh cũng bị bắt và trục xuất. Các cuộc biểu tình đã bùng phát khắp nước Mỹ trước khi lệnh cấm bị các tòa án chặn lại. Lệnh cấm lần hai, được sửa đổi so với lần 1, cũng vấp phải sự phản đối của các thẩm phán vì cho rằng nó không hợp hiến và có thể dẫn tới sự phân biệt chủng tộc chống lại người Hồi giáo.
2. Cam kết chấn chỉnh Washington
Ông Trump đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử hồi năm ngoái một phần nhờ cam kết làm những điều khác biệt, để thay đổi trật tự hiện thời và chấn chỉnh lại nền chính trị tại Washington, đưa Washington thoát khỏi tầng lớp thượng lưu. Nhưng chính quyền của ông - bao gồm các tỷ phú, tướng lĩnh và giám đốc điều hành - không có gì khác. Một ví dụ là ông Steve Bannon, hiện là một cố vấn cấp cao của ông Trump, cũng từng là thành viên của Goldman Sachs, ngân hàng mà ông Trump từng lên án là điển hình cho mối quan hệ giữa Phố Wall và chính trị.
3. Chăm sóc y tế
Hủy bỏ và thay thế chương trình chăm sóc y tế của chính quyền Obama, còn gọi là Obamacare, đã trở thành một trong những cam kết chính của ông Trump trong chiến dịch tranh cử. Nhưng thực tế thì sao? Do sự phản đối mạnh mẽ của các nghị sĩ, đảng Cộng hòa của ông Trump đã phải rút lại dự luật thay thế Obamacare ngay trước giờ bỏ phiếu hôm 24/3.
Thất bại trên cũng lộ rõ sự thiếu kinh nghiệm của ông trong việc đàm phán tìm kiếm sự ủng hộ. Và điều đó đồng nghĩa với việc ông Trump cán mốc 100 ngày đầu tại vị mà không có được thành tựu pháp lý quan trọng nào, ngoài các dự luật nhằm hủy bỏ một số phần trong di sản của Obama.
4. Vụ từ chức của ông Mike Flynn
Tướng Mike Flynn đã buộc phải từ chức khỏi vị trí cố vấn an ninh quốc gia chỉ sau 24 ngày tại vị, sau khi các thông tin cho biết ông này từng nói dối Phó tổng thống về các liên lạc với đại sứ Nga ở Washington. Với những người từng phản đối việc bổ nhiệm ông Flynn - một cựu quan chức quân đội nóng tính và có quan điểm cứng rắn với người Hồi giáo, sự ra đi của ông là sự xác nhận cho những hoài nghi rằng một số người được bổ nhiệm vào chính quyền Trump đã không được xem xét kỹ càng.
5. Bức tường trên biên giới Mexico
Kế hoạch trong 100 ngày đầu tại vị của ông Trump bao gồm một dự luật về ngân sách xây dựng bức tường trên biên giới với Mexico - tất cả sẽ được chính phủ Mexico hoàn trả. Nhưng một phần của đề xuất đã bị âm thầm hủy bỏ, và mặc dù Bộ An ninh nội địa Mỹ nói việc xây dựng sẽ bắt đầu vào mùa hè này nhưng hiện vẫn chưa rõ kinh phí ở đâu ra.
6. Chương trình cơ sở hạ tầng 1 nghìn tỷ USD
Giống bức tường biên giới, đây cũng là một thất bại bởi ông Trump đã hứa thúc đẩy chương trình này trong khuôn khổ kế hoạch của 100 ngày đầu. Trong bối cảnh chương trình lập pháp của ông bị đóng băng do sự thất bại của kế hoạch cải tổ y tế, giờ đây không có dấu hiệu về một dự luật cần thiết nhằm tìm kiếm nguồn tài chính từ quốc hội để phục vụ việc tái thiết cơ sở hạ tầng đang xuống cấp của nước Mỹ.
7. Mâu thuẫn nội bộ trong Nhà Trắng
Trong nhiều ngày, báo chí Mỹ đã tràn ngập tin tức về những căng thẳng giữa các cố vấn then chốt của ông Trump. Các nhà quan sát cho hay việc thiết lập các trung tâm quyền lực cạnh tranh, trong trường hợp này bao gồm gia đình, các lãnh đạo doanh nghiệp và các thành viên đảng Cộng hòa, là điển hình cho cách thức ông Trump điều hành các công ty. Tuy nhiên, các mâu thuẫn giữa chiến lược gia Steve Bannon và con rể - cố vấn Jared Kushner đã cho thấy hình ảnh về một Nhà Trắng bị chia rẽ bởi những mâu thuẫn nội bộ.
8. Tiếng nói của tổng thống
Trong 100 ngày đầu tại vị, ông Trump đã nhiều lần có những phát ngôn gây tranh cãi, trong đó có những bình luận trên mạng xã hội lúc nửa đêm. Ví dụ như, ông chưa giải thích tại sao ông cáo buộc người tiền nhiệm ra lệnh theo dõi Tháp Trump tại New York.
9. Nhiều vị trí vẫn đang bỏ trống
Dù ông Trump đã tại vị được hơn 3 tháng nhưng hàng trăm vị trí cấp cao trong chính quyền vẫn đang bị bỏ trống, từ các đại sứ cho đến các thứ trưởng cấp bộ. Hồi đầu tháng này, Politico đưa tin rằng trong số 553 quyết định bổ nhiệm cần được Thượng viện thông qua, Nhà Trắng cho tới nay mới đề cử 24 người, với 22 để cử đã được phê chuẩn, một tỷ lệ thấp hơn nhiều so với chính quyền trước. Kết quả là, đã xảy ra sự ách tắc trong các cơ quan liên bang.
Tác giả: An Bình
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn