Những dấu ấn trong 20 năm ông Putin chèo lái nước Nga
Chủ nhật - 29/12/2019 09:20
(Dân trí) - Cách đây gần 20 năm, ông Vladimir Putin đã trở thành quyền tổng thống Nga sau khi người tiền nhiệm Boris Yeltsin từ chức. Kể từ đó đến nay, ông đã thể hiện vai trò trong việc lãnh đạo nước Nga cũng như có sức ảnh hưởng tới các vấn đề trên thế giới. >> >> >>
Năm 1999, khi Nga đang trong khủng hoảng kinh tế, Tổng thống Nga khi đó là Boris Yeltsin đã đề bạt một nhân vật chính trị chưa mấy tiếng tăm - giám đốc Tổng cục An ninh Liên bang Nga Vladimir Putin - trở thành thủ tướng thứ 5 trong nhiệm kỳ của ông Yeltsin. Ông Yeltsin cho biết ông kỳ vọng ông Putin sẽ thay thế mình để chèo lái nước Nga. Vài tuần sau, ông Putin đã được nhiều người biết đến sau các động thái cứng rắn với lực lượng phiến quân Chechnya, sau khi những đối tượng này bị cáo buộc thực hiện các vụ đánh bom trên nước Nga làm 300 người chết.
Ngày 31/12/1999, ông Yeltsin tuyên bố từ chức và ông Putin trở thành quyền tổng thống Nga.
Ngày 26/3/2000, ông Putin chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống.
Ngày 12/8/2000, vài tháng sau khi nhậm chức, ông Putin đã đối diện với thử thách đầu tiên - vụ chìm tàu ngầm năng lượng hạt nhân Kursk trên biển Barents. 118 thủy thủ đã thiệt mạng.
Năm 2002, phiến quân ở Chechnya đã gây ra vụ tấn công khủng bố, bắt giữ hơn 800 người ở một nhà hát Moscow làm con tin. Đặc nhiệm Nga đã tiến hành đột kích và tiêu diệt toàn bộ lực lượng phiến quân nhưng 130 con tin cũng đã thiệt mạng.
Tháng 3/2004, ông Putin thắng nhiệm kỳ tổng thống thứ 2 với hơn 70% phiếu bầu trong bối cảnh giá dầu thế giới tăng mạnh khiến mức sống của người Nga cao hơn.
Tháng 9/2004 đã xảy ra sự kiện mà ông Putin coi là thách thức lớn nhất với ông trong hàng chục năm cầm quyền. Các phần tử khủng bố đã bắt giữ 1.000 con tin trong một trường học ở Beslan, Bắc Ossetia thuộc Nga. Thảm kịch kết thúc hơn 2 ngày sau đó khi lực lượng đặc biệt Nga tấn công giải cứu những người vô tội. Con số thiệt mạng lên tới 334 người, bao gồm 186 trẻ em. Ông Putin thừa nhận rằng đây là nỗi đau vô cùng lớn với ông và ông sẽ không bao giờ có thể quên vụ việc này.
Năm 2005, ông Putin mô tả sự sụp đổ của Liên Xô năm 1991 là “thảm họa địa chính trị lớn nhất” của thế kỷ 20. Trong ảnh: Cựu Lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev.
Năm 2007, trong một bài phát biểu ở Munich, Đức, ông Putin cáo buộc Mỹ “sử dụng vũ lực trong các quan hệ quốc tế”.
Năm 2008, do Hiến pháp Nga không cho phép một cá nhân được làm tổng thống quá 2 nhiệm kỳ liên tiếp, ông Putin đã đắc cử Thủ tướng Nga trong khi ông Dmitry Medvedev đắc cử Tổng thống.
Năm 2008, Nga giành chiến thắng trong cuộc chiến 5 ngày với Gruzia.
Năm 2012, ông Putin thắng cử tổng thống nhiệm kỳ thứ 3.
Tháng 2/2014, Nga là chủ nhà Thế vận hội mùa Đông tổ chức ở Sochi.
Tháng 3/2014, bán đảo Crimea sáp nhập về Nga sau một cuộc trưng cầu ý dân. Mỹ và Phương Tây đã trừng phạt Moscow vì động thái này. Trong ảnh: Cây cầu lịch sử nối lên đất liền Nga và Crimea.
Tháng 4/2014, xung đột nổ ra tại miền Đông Ukraine giữa lực lượng chính phủ và lực lượng đòi độc lập. Cuộc chiến kéo dài 5 năm đã khiến 13.000 người chết. Kiev và Phương Tây cáo buộc Moscow can thiệp nội bộ Ukraine trong vụ việc này, cáo buộc mà Nga mạnh mẽ bác bỏ.
Tháng 9/2015, sau khi được Tổng thống Syria Bashar al-Assad đề nghị hỗ trợ, Nga đã đưa quân tới Syria thực hiện chiến dịch chống khủng bố.
Năm 2016, ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ. Tuy nhiên, chính quyền Mỹ cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử này nhằm mang lại lợi thế cho ông Trump. Nga cũng bác bỏ tuyên bố này.
Tháng 3/2018, ông Putin đắc cử nhiệm kỳ tổng thống thứ 4, dự kiến kết thúc vào năm 2024.
Tháng 6/2018, Nga trở thành chủ nhà giải vô địch bóng đá thế giới World Cup.
Tháng 12/2019, ông Putin tuyên bố Nga dẫn đầu thế giới về vũ khí siêu thanh và các nước khác đang cố bắt kịp Moscow trong lĩnh vực này.
Đức Hoàng
Ảnh: Reuters
Nguồn tin: http://dantri.com.vn