Theo MSN News, HTV-2 là máy bay có tốc độ nhanh nhất tính tới hiện tại, với tốc độ là Mach 20 (24.500km/n). Falcon Hypersonic Test Vehicle 2 (HTV-2) là máy bay không người lái siêu thanh của Mỹ có khả năng bay tới bất cứ mục tiêu nào trên khắp thế giới trong chỉ 1 giờ đồng hồ. Mỹ bắt đầu đưa máy bay vào thử nghiệm từ năm 2011 và HTV-2 đã đạt được tốc độ đến Mach 20, nhưng mất tín hiệu sau 9 phút cất cánh và rơi xuống Thái Bình Dương. (Ảnh: Darpa)
X-43A là máy bay không người lái thuộc chương trình Hyper-X được NASA chế tạo nhằm mục đích nghiên cứu. Điểm đặc biệt là X-43 không thể cất cánh, nó sẽ được một máy bay khác thả xuống trước khi tự bay. Các mẫu thử nghiệm của máy bay này đạt tới tốc độ Mach 9,6 (hơn 10.600 km/h). X-43 cất cánh lần đầu tháng 6/2001 nhưng chuyến bay thất bại do lỗi động cơ. (Ảnh: NASA)
Tính đến giữa năm 2017, X-15 vẫn được coi là máy bay có người lái nhanh nhất thế giới với tốc độ Mach 6,72 (gần 7.300 km/h). Và kỷ lục trên đã được thiết lập vào năm 1967. Đây là máy bay được vận hành chung bởi NASA và không quân Mỹ. Giống như X-43A, X-15 là máy bay không thể cất cánh, nó sẽ được một máy bay khác thả xuống và tăng tốc khi trong không trung. (Ảnh: NASA)
X-51A Waverider là máy bay siêu thanh được thiết kế để thay thế X-43, nhưng vận tốc của máy bay này chỉ đạt được mức Mach 5.1, tương đương 6.297 km/h. (Ảnh: NASA)
Lockheed YF-12 máy bay chiến đấu đánh chặn của Mỹ, có vận tốc tối đa Mach 3,35 (4.136 km/h). Thời gian bay vòng quanh thế giới của máy bay này ước đạt 10,9 giờ. (Ảnh: Không quân Mỹ)
“Chim đen” SR-71 là một trong những chiếc máy bay nổi tiếng nhất của Lockheed Martin và quân đội Mỹ. Hiện tại SR-71 đã về hưu nhưng đây vẫn là một trong những chiếc máy bay nhanh nhất thế giới với vận tốc Mach 3.3 (4.075 km/h). Với tốc độ này, SR-71 bay nhanh hơn cả tên lửa không đối đất. SR-71 từng đạt độ cao 25.000m, gần tới rìa không gian. Đây cũng chính là độ cao kỷ lục trên thế giới. (Ảnh: Getty)
XB-70 từng là máy bay ném bom lớn nhất và nhanh nhất thế giới do Mỹ chế tạo. Vào thời điểm ra mắt vào năm 1964, nó sở hữu động cơ cho phép đạt tới tốc độ bay siêu thanh Mach 3 (3.704 km/h) và độ cao tối đa là 21.336 m. XB-70 bắt đầu được phát triển vào những năm 1950 vì Mỹ muốn các máy bay ném bom có thể vượt qua hệ thống tên lửa đánh chặn và các tổ hợp phòng không của đối phương. Tuy nhiên, sự ra đời của các tên lửa đất đối không, tiêu biểu là SAM của Liên Xô hay các tên lửa liên lục địa, đã trở thành "khắc tinh" của các máy bay ném bom thời điểm đó. Vì vậy, Mỹ đã dừng phát triển dự án này nhưng XB-70 sau đó được chuyển sang phục vụ cho mục đích nghiên cứu, và một trong những thành tựu lớn nhất có sự đóng góp của máy bay này là sự ra đời của máy bay ném bom B-1. (Ảnh: NASA)
MiG-31 được mệnh danh là “sát thủ đánh chặn” của không quân Nga với tốc độ ấn tượng Mach 2,83 (khoảng 3.500 km/giờ). Đây là máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4 và được ca ngợi là một trong những dòng chiến đấu cơ bay nhanh nhất thế giới. Nó có thể tác chiến được trong mọi điều kiện thời tiết. Với khả năng bay ở độ cao 20 km và được trang bị hệ thống radar mạnh mẽ, MiG-31 được mô tả là “thợ săn” các mục tiêu trong thời gian nhanh nhất. (Ảnh: Sputnik)
Mikoyan-Gurevich MiG-25 Foxbat là máy bay chiến đấu đánh chặn, trinh sát và ném bom siêu thanh của Liên Xô. Foxbat đạt tốc độ tối đa Mach 2,83 (3.500 km/h), thời gian đi vòng quanh thế giới là 11,35 giờ. (Ảnh: Sputnik)
F-111 Aardvark là máy bay tấn công chiến thuật của hãng General Dynamics, Mỹ. Máy bay có vận tốc tối đa Mach 2,5 (3.087 km/h), thời gian bay vòng quanh thế giới: 15,06 giờ. (Ảnh: Không quân Mỹ)
Ngoài ra, trong danh sách còn có những cái tên nổi tiếng như F-15 (tốc độ Mach 2,5), Su-27 (Mach 2,35), F-106 Delta Dart (Mach 2,3), F-22 Raptor (Mach 2,25), T-50 (PAK FA) (Mach 2), F-35 Lightning II (Mach 1,6), B-2 Spirit (Mach 0,95). (Ảnh: Getty)