Ông Putin bỏ phiều bầu tổng thống Nga
Tỷ lệ ủng hộ cao
Kết quả kiểm phiếu sơ bộ ngày 19/3 cho thấy, đương kim Tổng thống Vladimir Putin - ứng cử viên tổng thống độc lập - đã nhận được 76% số phiếu ủng hộ từ các cử tri Nga, bỏ xa 7 ứng viên còn lại trong cuộc đua vào Điện Kremlin. Mặc dù kết quả chính thức cuối cùng chưa được công bố, song ông Putin nhiều khả năng sẽ tiếp tục đắc cử tổng thống Nga nhiệm kỳ thứ 4.
Trước đó, ông Valeriy Fyodorov, Giám đốc cơ quan thăm dò dư luận quốc gia Nga VTsIOM, nói tại một cuộc họp báo ngày 12/3 rằng: “Có nhiều lý do dẫn tới việc ông Putin có tỷ lệ ủng hộ cao. Chắc chắn đó là do những phẩm chất cá nhân của ông ấy. Ông ấy là ứng cử viên được tín nhiệm nhất”.
Theo kết quả thăm dò của VTsIOM, ứng cử viên Pavel Grudinin, một triệu phú, được dự báo sẽ về nhì trong cuộc bầu cử lần này, với tỷ lệ phiếu 7-8%. Ứng cử viên Vladimir Zhirinovsky, một người thuộc phái dân tộc chủ nghĩa, được dự báo về thứ ba với khoảng 5% số phiếu. Trong khi cựu ngôi sao truyền hình thực tế Ksenia Sobchak có thể sẽ nhận được 1-2% số phiếu. Ba ứng cử viên còn lại được dự báo sẽ đạt chưa đầy 1% số phiếu.
Theo giới phân tích, sau khi tái đắc cử, về đối nội ông Putin phải đối mặt với mối đe dọa “chia rẽ trong xã hội” và sự gia tăng căng thẳng giữa các tầng lớp nhân dân, giữa các nhóm sắc tộc, thậm chí giữa các cộng đồng văn hóa. Sự không hài lòng của họ với Tổng thống Putin sẽ trở thành cái cớ cho các lực lượng đối lập Nga chống đối ông.
Tờ Global Times, ấn phẩm phụ của Nhân Dân Nhật Báo - cơ quan ngôn luận đảng Cộng sản Trung Quốc, nhận định: “Phe đối lập sẽ không thể ngăn cản ông Putin tái đắc cử nhưng lực lượng này có thể sẽ tổ chức các cuộc biểu tình các cấp độ khác nhau trước và sau khi bầu cử để gây áp lực lên Điện Kremlin”.
Căng thẳng với Phương Tây
Trong Thông điệp liên bang hồi đầu tháng này, Tổng thống Putin cam kết giảm tỷ lệ nghèo ở Nga xuống còn một nửa trong vòng 6 năm; hứa hẹn về khoản ngân sách trị giá hàng trăm tỷ USD cho các dự án cơ sở hạ tầng mới; đặt mục tiêu đưa Nga vượt Đức và trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới; kéo dài tuổi thọ trung bình của người dân lên 80 tuổi, vượt Mỹ. Những cam kết này được đưa ra trong bối cảnh Nga phải đối mặt với cuộc khủng hoảng ngoại giao mới với Anh, sự cấm vận của Mỹ và phương Tây cùng vấn đề phức tạp trong tiến trình hòa bình ở Trung Đông. Những chính sách này đòi hỏi nỗ lực lớn của ông Putin và chính phủ Nga để có thể thực hiện thành công.
Về đối ngoại, mối quan hệ vốn không “xuôi chèo mát mái” giữa Nga và Anh trong nhiều năm qua, nay lại tiếp tục chìm sâu vào khủng hoảng sau khi Thủ tướng Anh Theresa May ngày 14/3 ra lệnh trục xuất 23 nhà ngoại giao Nga tại Anh. London cho rằng họ là những mật vụ Nga hoạt động không chính thức ở Anh và đình chỉ các cuộc tiếp xúc ngoại giao cấp cao với Nga liên quan đến vụ cựu điệp viên hai mang người Nga Sergei Skripal và con gái nghi bị đầu độc ở thành phố Salisbury, Anh.
Chính phủ Anh cũng đã chính thức huỷ lời mời Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đến thăm Anh trong thời gian tới; tuyên bố không có bất cứ thành viên Hoàng gia hay quan chức nào của Anh tham dự giải bóng đá World Cup 2018 tại Nga, đồng thời đưa ra khuyến cáo công dân Anh thận trọng khi đến Nga trong dịp diễn ra giải đấu. Ngoài ra, Anh có thể sẽ tìm kiếm sự ủng hộ từ Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đã lên tiếng phản bác tuyên bố của Thủ tướng Anh Theresa May về vụ cựu điệp viên Nga và con gái bị đầu độc. Chính quyền Nga cũng quyết định trục xuất 23 nhà ngoại giao Anh tại Moscow, đóng cửa lãnh sự quán Anh tại thành phố lớn thứ hai của Nga là St. Petersburg và dừng các hoạt động của Hội đồng Anh - một tổ chức tăng cường giao lưu văn hóa của Anh ở nước ngoài.
Cuộc khẩu chiến giữa Anh và Nga vẫn không dừng lại khi hai bên còn dọa “cấm cửa” báo đài của nhau sau vụ cựu điệp viên Nga bị ám sát. Nga cảnh báo sẽ cấm truyền thông Anh hoạt động trên lãnh thổ Nga nếu kênh Russia Today của Nga không được hoạt động tại Anh.
Các diễn biến hiện nay cho thấy cuộc khủng hoảng ngoại giao Nga và Anh có thể sẽ diễn biến phức tạp trong thời gian tới. Ngay trong đêm 14/3, theo yêu cầu của Anh, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã nhóm họp để xem xét vụ việc. Việc giải quyết khủng hoảng ngoại giao không chỉ trong phạm vi Nga với Anh, mà có thể còn liên quan đến các đồng minh của Anh như Mỹ và các nước thuộc khối NATO.
Theo nhận định của giới quan sát, với những cáo buộc mạnh mẽ từ phía Anh cùng phản ứng đáp trả khá gay gắt của Nga từ vụ việc gây căng thẳng vừa qua, quan hệ giữa hai nước khó tránh khỏi những rạn nứt. Thời điểm này cả Anh và Nga cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi hành động nếu không muốn tiếp tục lún sâu vào những cuộc tranh cãi nảy lửa, đặt hai nước đứng trước cuộc khủng hoảng ngoại giao tồi tệ mà biết trước hậu quả sẽ gây tổn hại cho cả hai bên.
Ông Putin còn phải tiếp tục đối mặt với hàng loạt các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ và chiến lược “Đông tiến” của NATO liên quan đến việc ông quyết định sáp nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ Nga.
Mới đây, Mỹ tiếp tục mở rộng các biện pháp trừng phạt đối với Nga, khi bổ sung một Thứ trưởng Năng lượng Nga và một số công ty điện, năng lượng của nước này vào danh sách trừng phạt vì liên quan đến tình hình ở Ukraine.
Theo tuyên bố của Bộ Tài chính Mỹ, với các biện pháp trừng phạt đưa ra, chính phủ Mỹ cam kết duy trì chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Ukraine, nhằm vào những người đang cố gắng hủy hoại thỏa thuận hòa bình Minsk. Dự kiến chính quyền Mỹ sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp trừng phạt bổ sung trong thời gian tới liên
Bài toán Syria
Tổng thống Putin còn phải tiếp tục gặp phải những vấn đề phức tạp không dễ giải quyết ở Syria thời cận hậu chiến như chiến dịch pháo kích của phiến quân ở Đông Ghouta, ngoại ô thủ đô Damascus vào đại sứ quán Nga ở Syria; cáo buộc Nga vi phạm lệnh ngừng bắn và vi phạm các cam kết bảo đảm việc tiêu hủy kho vũ khí hóa học của Syria, cũng như nguy cơ hình thành “những khu vực hợp tác giữa Damascus và phe đối lập” chống lại Nga và chính phủ Syria.
Chèo lái nước Nga trong nhiều năm, Tổng thống Putin là nhà lãnh đạo có rất nhiều kinh nghiệm chính trị. Ông đã đưa nước Nga từ chỗ là “con nợ” quốc tế đến chỗ vực dậy nền kinh tế cũng như khẳng định sức mạnh quân sự Nga, nhưng trước mắt ông là chặng đường dài, khó khăn để có thể đạt được sự ủng hộ của cử tri và thực hiện được các lời hứa của mình.
Theo giới phân tích, Tổng thống Putin cũng cần phải có được sự mềm mỏng cần thiết trong chính sách đối ngoại của mình. Mặc dù Nga “không e ngại” xung đột với Mỹ và phương Tây nhưng quan hệ không tốt đẹp sẽ gây ra những hậu quả tiêu cực cho chính nước Nga và thế giới.
Tác giả: Nguyễn Nhâm
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn