Bloomberg dẫn số liệu từ Fitch Solutions cho thấy các dự án được Nhật Bản hỗ trợ tại 6 nền kinh tế lớn nhất của khu vực là - Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam - trị giá 367 tỷ USD. Trong khi đó, các dự án của Trung Quốc trị giá 255 tỷ USD.
Các số liệu trên đã cho thấy không chỉ nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng ở Đông Nam Á, mà còn là sự vượt trội của Nhật Bản so với Trung Quốc, bất chấp các nỗ lực của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhằm đẩy mạnh các dự án cảng và đường sắt thông qua sáng kiến Vành đai và Con đường.
Ngân hàng Phát triển châu Á ước tính, các nền kinh tế tại Đông Nam Á cần khoảng 210 tỷ USD mỗi năm cho đầu tư cơ sở hạ tầng từ năm 2016 tới 2030, để duy trì đà phát triển kinh tế.
Các số liệu mới nhất của Fitch Solutions chỉ tính tới các dự án đang ở giai đoạn lên kế hoạch, nghiên cứu khả khi, đấu thầu và hiện đang được thực hiện. Dữ liệu hồi tháng 2/2018 của Fitch Solutions cho thấy đầu tư của Nhật Bản tại Đông Nam Á là 230 tỷ USD và của Trung Quốc là 155 tỷ USD.
Theo Fitch Solutions, Việt Nam là trọng tâm trong đầu tư cơ sở tầng của Nhật Bản, với các dự án trị giá 209 tỷ USD - chiếm hơn một nửa tổng đầu tư của Nhật Bản.
Với Trung Quốc, Indonesia là trọng tâm, chiếm 93 tỷ USD đầu tư cơ sở hạ tầng của Trung Quốc trong khu vực (tương đương 36%). Dự án quan trọng nhất là nhà máy nhiệt điện sông Kayan, trị giá 17,8 tỷ USD.
Xét trên toàn bộ 10 quốc gia tại khu vực Đông Nam Á và số lượng các dự án, Nhật Bản cũng vẫn dẫn trước dù khoảng cách nhỏ hơn: 240 dự án hạ tầng được Nhật Bản hỗ trợ, so với 210 dự án được Trung Quốc hỗ trợ.
An Bình
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn