Theo Reuters, các nhân viên y tế làm việc cho Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát bệnh tật Mỹ CDC trong tuần qua được cho đã yêu cầu thay đổi quy chuẩn kiểm tra sức khỏe hành khách tới các sân bay Mỹ. Ngoài ra, họ cũng yêu cầu được cung cấp khẩu trang hiệu quả hơn để giảm thiểu tối đa rủi ro bị nhiễm virus corona mới (SARS-CoV-2).
Trước đó, tối ngày 6/3, 2 nhân viên y tế làm việc tại sân bay quốc tế Los Angeles, California đã dương tính với virus corona mới.
“Thông tin này đáng buồn”, một quan chức cấp cao thuộc ở bộ phận cách ly tại CDC viết thư điện tử gửi cho các đồng nghiệp.
Tuy nhiên, tin tức này dường như không làm một số nhân viên làm nhiệm vụ kiểm tra sức khỏe ở sân bay thuộc CDC bất ngờ.
“Đó là điều sẽ xảy ra. Họ bảo đảm với chúng tôi rằng chúng tôi sẽ an toàn. Nếu chúng tôi an toàn, thì các nhân viên này đã không mắc bệnh”, một quan chức y tế giấu tên của CDC nói với Reuters.
Theo Reuters, những thông tin dường như phản ánh sự khó khăn và rủi ro mà các nhân viên y tế CDC đang phải đối diện trong cuộc chiến ngăn chặn Covid-19 lây lan tại Mỹ. Điều này cũng đặt ra một thách thức cho chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump về các nỗ lực chống dịch trong bối cảnh nhiều ý kiến cho rằng ông Trump có thể đang quá “lạc quan” về diễn biến của dịch.
Ông Trump hồi cuối tháng trước mô tả rủi ro từ dịch Covid-19 là “rất thấp”. Tuy nhiên, trên thực tế, virus corona mới cho tới nay đã xuất hiện trên hơn 30 bang của Mỹ với 565 ca nhiễm SARS-CoV-2 và 22 ca tử vong.
Các bác sĩ, y tá, nhân viên cấp cứu, nhân viên y tế chính phủ Mỹ cho rằng họ không được bảo vệ và trang bị đầy đủ trong cuộc chiến chống Covid-19. Theo Reuters, nhiều người phàn nàn rằng công tác đào tạo và trao đổi thông tin ở nơi làm việc chưa hiệu quả cũng như tình trạng nhân lực và trang thiết bị chưa đầy đủ.
Phát ngôn viên CDC Kristen Nordlund cho biết các nhân viên y tế sân bay của cơ quan này đã nhận được đủ thiết bị bảo hộ mà họ cần, tùy thuộc vào vị trí làm việc.
CDC cho biết những nhân viên “cấp độ 2”, những người sẽ kiểm tra hành khách từ một số quốc gia cụ thể như Trung Quốc, sẽ đeo khẩu trang y tế, găng tay và đồ bảo vệ mắt. Họ cũng được khuyến cáo đứng cách xa hành khách họ kiểm tra khoảng 1,8 mét và không đeo khẩu trang N95 khi tiếp xúc hành khách không có triệu chứng.
Theo Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ FDA, khẩu trang N95 có tác dụng bảo vệ người đeo khỏi những chủng virus kích thước nhỏ như SARS-Cov-2. Khẩu trang y tế không được thiết kế để bảo vệ người đeo khỏi những giọt bắn kích thước nhỏ thoát ra khi người đối diện ho và hắt xì hơi và không thể bảo vệ hoàn toàn người đeo khỏi mối đe dọa nhiễm virus corona.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng có nhiều trường hợp người nhiễm virus corona không biểu hiện triệu chứng rõ ràng.
“Khẩu trang y tế không bảo vệ chúng tôi khỏi bị nhiễm virus mà chỉ ngăn chúng tôi không lây cho người khác. Chúng tôi muốn biết vì sao chúng tôi không được đeo khẩu trang N-95”, một nhân viên y tế CDC đặt ra câu hỏi.
Trong khi đó, hàng chục nhân viên y tế của CDC ở sân bay Los Angeles được cho đã tiếp xúc với 2 ca mắc Covid-19.
Ngày 8/3, CDC ban hành hướng dẫn mới cho biết các nhân viên y tế “cấp độ 2” có thể “tùy chọn” khi đeo khẩu trang N95.
Tổ chức y tế Thế giới WHO ngày 3/3 cảnh báo rằng tình trạng thiếu thiết bị y tế, bao gồm khẩu trang N95, đang đe dọa tới sức khỏe của các nhân viên y tế.
Rủi ro ở tuyến đầu ngăn dịch
Ngoài ra, các nhân viên chịu trách nhiệm phản ứng khẩn cấp như nhân viên cấp cứu, cảnh sát, lính cứu hỏa đang bày tỏ mối lo ngại về những rủi ro nghề nghiệp họ có thể gặp phải trong khi đối phó dịch Covid-19.
Một chuyên gia y tế nói với Reuters rằng các nhân viên ở tuyến đầu chống dịch cần có sự chuyên nghiệp và nên được đào tạo chuyên sâu các kiến thức về Covid-19. Tuy nhiên, trên thực tế, Mỹ được cho chưa đạt được điều này.
Ngày 5/3, Liên minh Y tá Quốc gia Mỹ (NNU) công bố kết quả cuộc khảo sát cấp toàn quốc cho thấy ít hơn 50% các y tá tham gia trả lời cho biết cấp trên của họ có thông báo cho họ về cách nhận biết và phản ứng cần thiết với những người nghi nhiễm virus corona. Ít hơn 20% những người được hỏi nói cấp trên của họ có chính sách phản ứng với nhân viên nghi nhiễm hoặc xác nhận nhiễm. Khoảng 30% cho biết họ có đủ thiết bị bảo hộ tại nơi làm việc trong kịch bản số ca nhiễm tăng nhanh chóng.
Theo ông James Thomason của NNU, những hạng mục trên đã được liệt kê trên kế hoạch nhưng phần lớn các y tá ở thực địa lại nói rằng các biện pháp nào này chưa được thực hiện. Ông Thomason cho rằng nhiều cơ sở y tế ở Mỹ dường như chưa sẵn sàng để đối phó với Covid-19.
NNU sau đó đã yêu cầu Cơ quan Quản lý An toàn và Sức khoẻ Nghề nghiệp Mỹ (OSHA) ban hành tiêu chuẩn khẩn cấp tạm thời có hạng mục yêu cầu bảo vệ sức khỏe cho các nhân viên y tế làm việc chống dịch bệnh truyền nhiễm.
Đức Hoàng
Theo Reuters
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn