Video chưa từng công bố về khoảnh khắc tàu chiến Mỹ-Trung suýt va chạm trên Biển Đông
Tàu khu trục USS Decatur của Mỹ. (Ảnh: Hải quân Mỹ)
Từ phía xa, tàu chiến Trung Quốc đã cảnh báo tàu khu trục USS Decatur của Mỹ rằng đây là “hành trình nguy hiểm” trên Biển Đông. Sau đó, tàu Trung Quốc lao về phía tàu Mỹ và tiếp cận một cách nguy hiểm. Trong vài phút căng thẳng, nguy cơ xảy ra va chạm dường như đã cận kề.
Tàu USS Decatur kéo còi, song tàu Trung Quốc không để ý. Thay vào đó, các thủy thủ trên tàu Trung Quốc chuẩn bị những tấm chắn giảm va đập cỡ lớn để bảo vệ tàu.
“Họ cố gắng xua đuổi chúng tôi ra khỏi hành trình”, một trong số các thủy thủ Mỹ nhớ lại.
Chỉ bằng cách bẻ lái mạnh, tàu USS Decatur khi đó mới có thể tránh được thảm họa với tàu Trung Quốc ở một vùng biển vốn yên bình vào buổi sáng sớm hồi tháng 9. Theo một quan chức cấp cao của Mỹ, nếu thảm họa thực sự xảy ra, cả tàu chiến của Mỹ và Trung Quốc đều sẽ bị hư hại nặng, các thủy thủ trên tàu có thể sẽ thiệt mạng và đẩy hai cường quốc hạt nhân vào cuộc khủng hoảng quốc tế.
Hai tàu chiến chỉ cách nhau 41m, đánh dấu lần chạm trán căng thẳng nhất kể từ khi Hải quân Mỹ tiến hành các cuộc tuần tra đảm bảo tự do hàng hải trên Biển Đông nhằm thách thức các hoạt động quân sự hóa trái phép của Trung Quốc. Vụ việc xảy ra ngày 30/9 đã báo hiệu những gì mà các chỉ huy Mỹ vẫn lo sợ lâu nay, đó là một giai đoạn nguy hiểm mới trong cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc trên Biển Đông.
Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa và người đồng cấp Mỹ Jim Mattis. (Ảnh: New York Times)
Game of Chicken (tạm dịch: Ai là gà) là một lý thuyết trò chơi để đo mức độ dũng cảm, xuất phát từ câu chuyện hai tài xế cùng lái xe trên một con đường và có nguy cơ xảy ra va chạm. Nếu một trong hai tài xế không bẻ lái, cả hai có thể sẽ cùng chết. Nhưng nếu một tài xế chuyển hướng trước, họ sẽ bị gọi là “gà”, ngụ ý là kẻ hèn nhát.
“Trò chơi “Ai là gà” đang diễn ra xung quanh các điểm nóng của châu Á. Chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi xảy ra một cuộc xung đột”, Brendan Taylor, một chuyên gia về Biển Đông tại Đại học Quốc gia Australia, nhận định.
Trong cuộc gặp diễn ra tại Washington ngày 9/11, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa và người đồng cấp Mỹ Jim Mattis được cho là sẽ có những nỗ lực để giảm bớt tình hình căng thẳng ngày càng tăng giữa hai nước, đồng thời hạn chế nguy cơ tính toán sai lầm.
Tuy nhiên cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung kết hợp cùng bài phát biểu của Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence hồi tháng trước, trong đó ông Pence tuyên bố Mỹ sẽ có biện pháp cứng rắn hơn với Trung Quốc, khiến hai bộ trưởng Quốc phòng còn rất ít cơ hội để có thể hạ nhiệt căng thẳng trên Biển Đông.
Chính quyền Tổng thống Donald Trump năm ngoái đã chỉ đạo lực lượng hải quân Mỹ tiến hành thêm các chiến dịch nhằm đối phó với yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông. Với tần suất thường xuyên hơn, Washington đã đưa các tàu chiến tới gần các đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp trái phép trên Biển Đông, nơi Bắc Kinh ngang nhiên trang bị các nhà chứa máy bay, đường băng, cảng nước sâu và gần đây nhất là tên lửa tầm ngắn. Ngoài ra, Mỹ cũng đề nghị các đồng minh điều tàu tham gia cùng tàu Mỹ để thực hiện các chiến dịch.
Nguy cơ đối đầu
Sĩ quan Hải quân Mỹ trên tàu tuần dương Chancellorsville tại Biển Đông năm 2016. (Ảnh: New York Times)
Trong vụ chạm trán gần đây, tàu USS Decatur chở 300 thành viên thủy thủ đoàn đã tới gần đá Gaven thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Tàu khu trục Lanzhou của Trung Quốc khi đó cũng chở số thủy thủ tương tự. Vụ chạm trán này đã cho thấy sự nguy hiểm khi các nước “đối thủ” như Mỹ và Trung Quốc đối đầu nhau.
Theo giới phân tích, việc thiếu một thỏa thuận giữa Mỹ và Trung Quốc về những quy tắc trong trò chơi “Ai là gà” trên Biển Đông đã làm gia tăng nguy cơ xảy ra sự cố chết người.
Năm 2001, một vụ va chạm giữa một máy bay chiến đấu của Trung Quốc và một máy bay trinh sát EP-3 của Mỹ trên vùng biển đảo Hải Nam đã khiến một phi công Trung Quốc thiệt mạng và làm xấu đi mối quan hệ giữa hai nước trong suốt nhiều tháng. Mỹ và Trung Quốc sau đó nhất trí thiết lập một đường dây nóng giữa hai lực lượng quân sự để xử lý các sự cố tương tự. Tuy nhiên, kênh này rốt cuộc hoạt động không hiệu quả.
Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, cả Mỹ và Liên Xô đều nhất trí tuân thủ một thỏa thuận về các sự cố trên biển và thỏa thuận này đã phần nào kiểm soát hoạt động của hải quân hai nước. Tuy nhiên, bản chất cuộc cạnh tranh hải quân giữa Mỹ và Trung Quốc không giống như vậy.
Trước đây, Mỹ và Liên Xô đều mong muốn bảo đảm tự do hàng hải tại các vùng biển quan trọng để cho phép hai cường quốc cùng theo đuổi các lợi ích toàn cầu chung. Còn bây giờ, căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc tập trung vào các tuyên bố chủ quyền phi lý của Bắc Kinh với toàn bộ Biển Đông và các nỗ lực của Mỹ nhằm thách thức các yêu sách này. Hai bên đều giữ lập trường kiên định của mình, do vậy bất kỳ sự thỏa hiệp nào nhằm xoa dịu hoặc giảm thiểu căng thẳng đều bất khả thi.
Một tàu hộ vệ của Trung Quốc được quan sát qua ống nhòm trên tàu Chancellorsville của Mỹ năm 2016. (Ảnh: New York Times)
Sứ mệnh của tàu USS Decatur là nhằm thể hiện rằng các vùng biển quốc tế là nơi mở cửa cho tất cả các nước, và khu vực 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo trái phép như tuyên bố của Trung Quốc là không phù hợp với luật pháp quốc tế. Trong khi đó, Bắc Kinh ngang nhiên tuyên bố luật quốc tế, cụ thể là phán quyết của tòa trọng tài tại Hà Lan hồi năm 2016, không được áp dụng trong trường hợp này.
Năm 2014, Mỹ, Trung Quốc cùng một số nước khác đã ký Bộ Quy tắc về Các tình huống va chạm bất ngờ trên biển. Bộ quy tắc này tương tự thỏa thuận giữa Mỹ và Liên Xô trước đây nhằm thiết lập cách ứng xử của các bên trong trường hợp xảy ra va chạm.
Tuy nhiên theo ông Collin Koh, chuyên gia hàng hải tại Trường Nghiên cứu Quốc tế Rajaratnam ở Singapore, bộ quy tắc này thực hiện trên tinh thần tự nguyện và không giải quyết những vấn đề cơ bản như đâu là vùng lãnh hải và ai được phép đi đến đâu.
Mỹ ngày càng lo ngại về nguy cơ đối đầu với Trung Quốc khi Washington nhận ra rằng các tàu và thủy thủ của nước này đang bị đẩy vào thế “phòng vệ” sau 70 năm Mỹ duy trì quyền lực trên Thái Bình Dương mà không bị thách thức.
Hồi tháng 5, chỉ huy Bộ Tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương Mỹ, Đô đốc Philip S. Davidson, đã nói trước Quốc hội rằng Trung Quốc kiểm soát Biển Đông “theo mọi kịch bản và chỉ thiếu chiến tranh”. Nhận thức này đã dẫn tới việc Mỹ phải xem xét lại các ưu tiên về ngân sách cũng như chiến lược của lực lượng hải quân.
Tác giả: Thành Đạt
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn