"Chúng tôi vẫn may mắn hơn những người tử vong"
Hàng sáng, khi đi qua chốt kiểm soát tại khu dân cư của bà ở Bắc Kinh, Wang Yimeng thường đặt một câu hỏi giống nhau với những người làm nhiệm vụ tại đó: “Khi nào các chốt kiểm soát sẽ được dỡ bỏ? Khi nào tôi có thể bán đồ ăn sáng trở lại?”.
Giống hàng nghìn người khác tại thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc, bà Wang, 64 tuổi, sống với nghề bán hàng trên phố. Bà bán món bánh trứng nóng với giá khoảng 10 nhân dân tệ (1.4 USD) một chiếc cho những người trên đường đi làm. Đó chuyện trước kia, trước khi đại dịch Covid-19 làm đảo lộn cuộc sống của mọi người và tước mất kế sinh nhai của bà Wang.
Kể từ đầu tháng trước, tất cả các cổng ra vào khu dân cư của bà đã bị đóng. Các chốt kiểm soát do các cán bộ cộng đồng và tình nguyện viên, vốn đo thân nhiệt của những người ra vào, canh gác. Bà Wang được thông báo rằng bà không thể bán hàng tại cổng khu dân cư.
“Họ nói rằng tôi không thể cản trở công việc kiểm soát dịch bệnh của chính phủ. Các cán bộ đảng yêu cầu tôi phải hợp tác, nếu không có thể bị phạt. Đó là một lời cảnh báo”, bà Wang kể lại.
Trước khi các biện pháp hạn chế được thực thi, bà Wang có thu nhập khoảng 2.000 nhân dân tệ mỗi tháng, đủ để mua thức ăn và mua thuốc cho người chồng hiện phải ngồi xe lăn.
“Tôi không phàn nàn, vì chúng tôi vẫn may mắn hơn những người tử vong vì bệnh này”, bà nói. “Tôi chỉ mong sao cuộc sống sớm trở lại bình thường”.
Dịch Covid-19 khởi phát hồi cuối năm ngoái tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, miền trung Trung Quốc. Kể từ đó tới nay, dịch đã lây lan ra khắp thế giới, khiến hơn 230.000 mắc bệnh và gần 10.000 người tử vong.
Giống nhiều thành phố khác trên khắp Trung Quốc, Bắc Kinh đã đưa ra các biện pháp nghiêm ngặt nhằm cố gắng kiểm soát dịch bệnh, trong đó có việc đóng cửa các trường học và doanh nghiệp và hạn chế đi lại. Ảnh hưởng kinh tế do cuộc khủng hoảng này gây ra rất lớn, nhưng thành phố đang dần dở lại cuộc sống bình thường.
Vấn đề lúc này là, mặc dù số ca nhiễm tại Trung Quốc giảm mạnh trong những ngày gần đây - không có các ca nhiễm mới ở trong nước, người dân dần trở về sau thời gian bị cách ly - nhưng nhiều người ở nước ngoàivề nước mang theo mầm bệnh.
Đối với những người tự kinh doanh và có thu nhập thấp, khó khăn đó giống một "viên thuốc" rất khó nuốt, nhưng mọi người quyết tâm chiến đấu.
Hồi đầu tuần này, anh Li Zhi đã được thông báo rằng anh có thể quay trở lại làm việc với tư cách là một nhà tạo mẫu tóc tại một salon ở Bắc Kinh, vốn bị đóng cửa suốt 2 tháng qua do dịch Covid-19.
Sau khi các quan chức từ 7 cơ quan khác nhau tới kiểm tra, người chủ của Li được cho biết rằng ông có thể mở lại salon, với điều kiện không được quá 5 người, bao gồm cả các nhân viên, trong cửa hàng rộng 60m2, tất cả các khách hàng phải được kiểm tra nhiệt độ và ngồi cách xa nhau.
“Việc kinh doanh tương đối chậm. Tôi đoán nhiều khách hàng vẫn thận trọng vì cắt tóc là phải liên quan tới nhiều sự tiếp xúc gần”, Li nói.
Dù ít khách - thậm chí vào thời điểm sau khi mọi người tan sở, mà trước đây là giờ cao điểm - Li cho biết việc đi làm ở lại vẫn tốt hơn vì anh có thể ra khỏi nhà và có thời gian bên các đồng nghiệp.
“Tôi và vợ đã bị kẹt trong căn hộ chung cư chật chột suốt 2 tháng qua, không có gì ăn ngoài mì tôm”, anh nói. “Chúng tôi không có tiền tiết kiệm. Giờ đây, ít nhất chúng tôi có cảm ác an toàn hơn chút, và hi vọng chúng tôi sẽ có lương vào cuối tháng”.
Ở độ tuổi 20, Li sinh ra khi đất nước Trung Quốc đã phát triển và chưa từng trải qua khó khăn tài chính nào như bố mẹ và ông bà anh từng nếm trải.
“Trước đây, không khó để kiếm tiền trong nghề này, và tiêu tiều thì càng dễ. Với tôi, tiền giống như là nước chảy, vào tay trái và ra tay phải”, anh nói.
Người nghèo bị ảnh hưởng nặng nề nhất
Nhưng sự bùng phát của Covid-19 đã gây tác động mạnh tới nền kinh tế Trung Quốc. Chỉ trong 2 tháng đầu năm nay, phần lớn do sự đóng cửa trên cả nước và hạn chế kinh doanh, doanh số bán lẻ tại Trung Quốc đã sụt giảm hơn 20% so với cùng kỳ năm 2019, trong khi đầu tư sụt giảm 24,5% và sản lượng công nghiệm giảm 13,5%.
Trong khi đó, tỷ lệ thất nhập, một yếu tố then chốt mà các nhà hoạch định chính sách Bắc Kinh sử dụng để đo “sức khỏe” của nền kinh tế Trung Quốc, đã tăng lên mức 6,2,% trong tháng 1 và 2/2020, so với mức 5,2% của vào tháng 12/2019. Đây là mức cao nhất kể từ khi số liệu này được thống kê kể từ năm 2016.
“Tôi vẫn may mắn vì có việc làm”, Li nói. “Nhiều đồng nghiệp của tôi phải trở về quê và mắc kẹt ở đó do lệnh hạn chế đi lại”. “Một số người nhanh chóng hết tiền và hiện gặp khó khăn khi phải cố gắng vay mượn từ bạn bè thông qua mạng xã hội để có thể mua vé tàu trở lại Bắc Kinh”.
Hu Xingdou, một nhà kinh tế chính trị độc lập, cho hay mặc dù các rủi ro về sức khỏe của dịch Covid-19 đối với mọi người giống nhau, nhưng người nghèo là đối tượng bị tác động nhiều nhất về kinh tế.
“Ảnh hưởng đối với các lao động tạm thời, các gia đình thu nhập thấp và người lao động chân tay lớn hơn nhiều so với người giàu. Khả năng chịu đựng rủi ro của họ cũng rất yếu. Nếu các biện pháp hạn chế không được dỡ bỏ kịp thời, cuộc sống của họ sẽ thành thảm họa”.
Theo một báo cáo gần đây của công ty nghiên cứu Gavekal Dragonomics, các hạn chế đi lại sau kỳ nghỉ lễ Năm mới đã cản trở các lao động nhập cư Trung Quốc trở lại nơi làm việc, có thể khiến họ thiệt hại 800 tỷ nhân dân tệ tiền lương chỉ trong tháng 2 và 3. Nếu cộng với thiệt hại của những người tự kinh doanh, con số này có thể lên tới 1.500 tỷ nhân dân tệ.
Vừa ăn bữa tối đơn giản là chiếc bánh bao, Li cố gắng giữ sự lạc quan. “Hi vọng tôi sẽ nhận được mức lương cơ bản 1.000 nhân dân tệ trong tháng này. Khi đó, ít nhất tôi có thể mua ít thịt cho vợ”, Li nói.
Tính tới ngày 20/3, Trung Quốc ghi nhận 81.008 người mắc Covid-19 và 3.255 người tử vong. Nước này đã thực hiện các biện pháp quyết liệt để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh và chiến dịch này đã đạt được những thành công, khi liên tục 3 ngày qua Trung Quốc không ghi nhận các trường hợp nhiễm mới ở trong nước mà chỉ có các ca nhập ngoại.
An Bình
Theo SCMP
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn