Moscow chính thức thành trung tâm hòa giải chính trị cho Libya
Truyền thông quốc tế đưa tin, phát biểu sau cuộc gặp với Chủ tịch Hội đồng Tổng thống của chính phủ đoàn kết dân tộc Libya Fayez El-Serraj ngày 25/4 tại thủ đô Tripoli, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhael Bogdanov, cho biết mối quan tâm lớn nhất của Nga trong việc giải quyết khủng hoảng tại Libya là thông qua đối thoại chính trị giữa các phe phái.
Theo ông Bogdanov, cũng đồng thời là đặc phái viên của Tổng thống Nga, chuyến thăm Libya của ông diễn ra sau chuyến thăm Nga của ông El-Serraj, là nhằm thực hiện những cơ chế của thỏa thuận đã đạt được giữa hai bên.
Nhà ngoại giao Nga cũng khẳng định mong muốn của Moscow là tái lập quan hệ hợp tác giữa Libya và Nga.
Về phần mình, ông El-Serraj đề nghị phía Nga tận dụng các mối quan hệ của nước này với các bên đối nghịch tại Libya nhằm can thiệp để chấm dứt sự leo thang quân sự ở miền Nam Libya.
Nhà chính trị Libya mong muốn Moscow sử dụng ảnh hưởng của mình trên trường quốc tế, can thiệp để dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí áp đặt với Libya và cho biết vũ khí sẽ được sử dụng để chống lại khủng bố, nạn buôn lậu và tội phạm có tổ chức.
Ông El-Serraj khẳng định chính phủ đoàn kết dân tộc Libya muốn khôi phục các thỏa thuận hợp tác giữa Nga và Libya, trong đó có các thỏa thuận liên quan đến năng lượng, vận tải đường sắt và các dự án hạ tầng.
Chủ tịch Hội đồng Tổng thống của chính phủ đoàn kết dân tộc Libya cũng bày tỏ mong muốn tận dụng được những kinh nghiệp của Nga trong các lĩnh vực quân sự và an ninh.
Tại cuộc gặp mang tính bản lề này, Tripoli và Moscow cũng đã bàn bạc các biện pháp nhằm thực hiện các chương trình hợp tác kinh tế và tạo thuận lợi để các doanh nghiệp Nga quay trở lại đầu tư tại Libya càng sớm càng tốt.
Như vậy là lực lượng chính trị nền tảng của chính phủ Libya tại Tripoli được LHQ hậu thuẫn đã gửi gắm Moscow tất cả những kỳ vọng liên quan đến cả chính trị, kinh tế, quân sự và ngoại giao quốc tế cho một nhà nước Libya thống nhất, thời hậu Gaddafi.
Đặc biệt, động thái từ Hội đồng Tổng thống của chính phủ đoàn kết dân tộc Libya diễn ra trong bối cảnh chính phủ này vừa bị Tòa án tối cao Libya từ chối công nhận tính hợp pháp.
“Với GNA, về mặt lý thuyết là thực thể nắm giữ quyền lực ở phía tây Libya, nhưng trong hơn một năm qua đã không thể giành được sự ủng hộ của Quốc hội Libya (HR), một điều kiện tiên quyết cho việc Tòa án tối cao Libya ra quyết định công nhận tính hợp pháp đối với GNA, mà từ đó thực thể này mới có thể ký kết các điều ước quốc tế nhân danh Libya”, The Guardian tường thuật.
Trong khi đó, Quân đội Quốc gia Libya (LNA) của Tổng tư lệnh Khalid Haftar, lực lượng chiếm ưu thế ở miền đông Libya, lại đang được hậu thuẫn bởi Hạ viện Libya tại thành phố cảng Tobruk - định chế chính trị căn bản được quốc tế công nhận và hợp hiến tại Libya, theo VOA.
The Guardian cho biết, LNA được sự hỗ trợ của Nga, đã kiểm soát những mỏ dầu – huyết mạch kinh tế của Libya - vào tháng 9/2016 và đảm bảo được an ninh cho việc khai thác dầu, giúp lượng sản xuất dần thô tăng từ 200.000 thùng/ngày lên gần 700.000 thùng/ngày.
Giới phân tích cho rằng, LNA đã thành công trong việc khai thác tình trạng vô chính phủ của Libya thời hậu Gaddafi để củng cố lực lượng và tạo vị thế cho mình trên bàn cờ chính trị Libya. Điều đó khiến cho dấu ấn của Moscow với ván cờ Libya thời hậu Gaddafi ngày càng đậm nét.
Sau khi GNA bị Tòa án Tối cao Libya từ chối công nhận tính hợp pháp, còn phương Tây thì bất lực với LNA, Moscow nghiễm nhiên trở thành trung tâm hòa giải duy nhất cho các lực lượng chính trị đối nghịch nhau tại một đất nước Libya hỗn loạn, sau khi NATO lật đổ Gaddafi.
Lựa chọn khôn ngoan của Moscow
Khi Tòa án Tối cao Libya không công nhận tính hợp pháp của chính phủ Libya tại Tripoli được LHQ hậu thuẫn, điều đó như giáng một đòn nặng nề vào tham vọng của Mỹ và phương Tây trong việc sắp đặt lại bàn cờ chính trị Libya thời hậu Gaddafi.
The Guardian thì nhìn nhận quyết định của Tòa án Tối cao Libya đối với tính hợp pháp của GNA là một cú đấm nặng nề với phương Tây.
Thực tế đó đã giúp cho lực lượng thân Nga tại Libya có được thế thượng phong cả trên chiến trường lẫn chính trường. Có thể xem đây là bước tạo đà tốt nhất cho Moscow xuất hiện chính thức tại ván cờ Libya.
Mocow có thể nhân cơ hội này làm giảm vai trò của lực lượng chính trị thân phương Tây tại Libya, từ đó tạo ưu thế cho mình trước Washington và các đồng minh trong bàn cờ chính trị tương lai tại quốc gia Bắc Phi này.
Song Putin lại đi một "nước cờ độc": tìm cách nâng vị thế cho lực lượng chính trị thân phương Tây tại Libya và đặc phái viên của Tổng thống Nga Bogdanov xuất hiện tại Tripoli đã chính thức hiện thực hóa "nước cờ độc" đó.
Tại sao Kremlin lại bỏ lỡ cơ hội ngàn vàng như vậy?
Có thể thấy rằng, dù Hạ viện Libya tại Tobruk là định chế chính trị căn bản được quốc tế công nhận vì được cử tri Libya bầu ra trong một cuộc tổng tuyển cử, song cho đến nay định chế căn bản hợp hiến này vẫn không thể cho ra đời một chính phủ hợp pháp tại Libya. Thực tế đó chứng tỏ cái thế của lực lượng chính trị này chưa thật sự vững chắc.
Lực lượng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) của Tổng tư lệnh Khalid Haftar dù chiếm ưu thế trên chiến trường, song vị thế của tướng Khalid Haftar lại đang là rào cản chính cho vấn đề hòa giải giữa hai thế lực chính trị kiểm soát miền Đông và miền Tây Libya.
Khi một cá nhân đã trở thành rào cản cho một tiến trình chính trị của một quốc gia, thì dù cá nhân đó có quan trọng như thế nào cũng sẽ tới lúc bị vô hiệu hóa vai trò. Điều này rất mạo hiểm với Moscow, nếu chỉ tập trung nắm giữ Khalid Haftar.
Ngược lại, chính phủ đoàn kết dân tộc tại Tripoli không được Tòa án Tối cao Libya công nhận tính hợp pháp chỉ vì chưa được Hạ viện tại Tobruk chấp nhận, mà nguyên nhân là chưa thống nhất được vị thế của tướng Khalid Haftar trong một chính phủ đoàn kết dân tộc, theo VOA.
Điều đó cho thấy thế và lực của chính phủ tại Tripoli là khá vững vàng, đặc biệt là được LHQ hậu thuẫn. Nếu không nắm được lực lượng chính trị này, Moscow sẽ khó có thể có được vị thế tốt nhất trong ván cờ chính trị tại Libya.
Khi Tripoli và Tobruk thỏa thuận được vị thế cho tướng Khalid Haftar thì lúc đó tầm ảnh hưởng của Moscow tại Libya sẽ bị thu hẹp rất nhiều.
Khi Washington và các đồng minh còn đang choáng váng sau cú đấm của Tòa án Tối cao Libya không công nhận tính hợp pháp của GNA, còn GNA thì bơ vơ như đứng giữa hai dòng nước, đây chính là thời cơ tốt nhất cho Moscow xuất hiện tại Libya.
Lúc này, Moscow đã được lực lượng chính trị kiểm soát miền Tây Libya gửi gắm kỳ vọng từ chính trị, kinh tế, quân sự đến ngoại giao quốc tế, còn lực lượng chính trị kiểm soát miền Đông Libya cũng ngày càng gia tăng tầm ảnh hưởng với Kremlin, nhằm củng cố vị thế tốt nhất cho mình, khi tiến trình chính trị cho một nhà nước Libya thống nhất được thúc đẩy.
Phải chăng thời - thế đang đưa Moscow trở thành vai trò đạo diễn cho ván cờ Libya và nước cờ độc của Putin là chính thức chuẩn bị cho việc thể hiện vai trò ấy?
Tác giả: Theo Ngọc Việt
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn