Ông Mikhail Ulyanov, lãnh đạo bộ phận an ninh và giải trừ quân bị của Bộ Ngoại giao Nga chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn tại thủ đô Moscow rằng: “Trừ khi chúng ta tìm được giải pháp chính trị” nếu không trong khoảng thời gian 2-3 năm tới, Triều Tiên hoàn toàn có thể sản xuất tên lửa liên lục địa".
“Chúng ta cần ngăn chặn chương trình đó và các lệnh trừng phạt chỉ hiệu quả trong vòng 4-5 năm tới”, ông Ulyanov chia sẻ đồng thời khẳng định Nga sẽ không bao giờ công nhận Triều Tiên là quốc gia hạt nhân.
Trung Quốc và Nga trước đó đã lên tiếng vận động Washington và Bình Nhưỡng “đóng băng kép” để tránh khủng hoảng lan rộng ở bán đảo Triều Tiên. Theo đó, Bình Nhưỡng sẽ tạm dừng các hoạt động thử tên lửa và vũ khí hạt nhân trong vòng vài tháng, còn Washington và Seoul sẽ tạm dừng tập trận chung nhằm tái khởi động đàm phán.
Mỹ bác bỏ ý kiến đó và cho rằng Mỹ và Hàn Quốc đang thực hiện những cuộc tập trận hợp pháp đáp trả những vụ thử nghiệm bất hợp pháp của Triều Tiên. Mỹ không giấu giếm mong muốn gia tăng áp lực lên Triều Tiên nhằm buộc Bình Nhưỡng phải nhượng bộ.
Strait Times trích phát ngôn của điện Kremlin cho biết vấn đề này có thể sẽ chiếm phần lớn chương trình nghị sự giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương 2017 tổ chức tại Đà Nẵng, Việt Nam.
Trong chuyến công du Hàn Quốc hôm 7/11, Tổng thống Trump đã bất ngờ dịu giọng và cho rằng Bình Nhưỡng nên chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán. Trong khi đó, Triều Tiên tuyên bố buộc phải phát triển chương trình vũ khí hạt nhân vì lo ngại mối đe từ Mỹ và đồng minh. Mặc dù vậy, theo ông Ulyanov, Triều Tiên cho biết sẽ cân nhắc đồng ý hay phủ nhận phương án “đóng băng kép” của Nga và Trung Quốc.
Căng thẳng Mỹ Triều Tiên leo thang sau khi Bình Nhưỡng thực hiện lần thử hạt nhân thứ 6 hôm 3/9 và cũng là lần thử mạnh nhất trong lịch sử. Mỹ và Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã liên tiếp gia tăng lệnh trừng phạt nhằm buộc Triều Tiên phải ngồi vào bàn đàm phán. Tuy nhiên, Triều Tiên tuyên bố quyết không từ bỏ chương trình vũ khi hạt nhân.
Tác giả: Đức Hoàng
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn