Nga bắt cựu quan chức bán thanh lý 4 tiêm kích MiG-31 với giá 8 USD

Thứ bảy - 04/07/2020 13:55
(Dân trí) - Nga đã bắt một cựu quan chức đứng sau vụ biển thủ công quỹ sau khi ông này bán thanh lý 4 tiêm kích MiG-31 với giá chỉ 2 USD rồi bán lại để kiếm hàng triệu USD. >> >>
Nga bắt cựu quan chức bán thanh lý 4 tiêm kích MiG-31 với giá 8 USD

Máy bay MiG-31 (Ảnh: Sputnik)

RT đưa tin, Nga hồi cuối tháng 5 đã bắt cựu nhân viên Cơ quan dự trữ Liên bang (Rosrezerv) Andrei Silyakov tại nhà riêng ở ngoại ô thành phố Nizhny Novgorod.

Hơn một tháng sau vụ bắt giữ, Nga đã công bố thông tin ông Silyakov "sa lưới". Cựu quan chức này đã thực hiện âm mưu biển thủ nói trên vào cuối những năm 2000 khi âm thầm bán thanh lý 4 chiếc máy bay chiến đấu MiG-31 với giá chỉ tương đương 2 USD/chiếc. Sau đó, ông bán lại các tiêm kích này để thu lại hàng triệu USD.

Sau khi vụ việc bị bại lộ, Silyakov bị kết án vắng mặt 11 năm tù gần 1 thập kỷ trước nhưng đã lẩn trốn. Nga thậm chí đã đăng lệnh truy nã quốc tế với cựu quan chức này.

Năm nay, người đàn ông này quyết định trở lại Nga từ nước ngoài, có thể do nhớ nhà hoặc nghĩ rằng lực lượng hành pháp đã lãng quên vụ việc ông này gây ra, và bị bắt.

Miêu tả chi tiết về vụ việc, RT cho biết, vào năm 2007, Rosrezerv quyết định bán đấu giá một số bộ phận rời của MiG-31 mà cơ quan này lưu trữ, bao gồm những bộ phận kim loại và sắt vụn.

Ngay sau vụ đấu thầu, Rosrezerv bất ngờ đăng tải thông tin sẽ bán tiếp một số món khác. Chúng được mô tả là “Bộ công cụ 306-002”, “Bộ công cụ 306-003”… để tránh vấp phải sự chú ý không cần thiết, theo truyền thông Nga.

Một công tố viên thụ lý vụ án cho hay chỉ một mình ông Silyakov là người biết những “bộ công cụ” bí ẩn này không phải là sắt vụn, mà là những chiếc MiG-31. Những tiêm kích này khi đó được lưu trữ tại nhà máy hàng không Sokol ở Nizhny Novgorod.

Những chiếc MiG-31 trên chỉ thiếu động cơ, và được bán cho một công ty địa phương do bạn của ông Silyakov làm chủ với giá 153 rúp Nga (2,14 USD) cho mỗi chiếc.

Sau đó, những chiếc tiêm kích trên đã được bán lại cho chính nhà máy Sokol với giá thị trường trị giá hàng triệu rúp. Từ đầu tới cuối, những chiếc tiêm kích MiG-31 trên không bị chuyển ra khỏi cơ sở của Sokol. Vụ việc đơn thuần làm một vụ lừa đảo chuyển quyền sở hữu máy bay để biển thủ tiền.

Các nhà điều tra tin rằng chính phủ Nga đã thiệt hại 1 tỷ rúp (14 triệu USD) trong âm mưu trên.

Ngoài ra, theo RT, 2 năm sau đó, ông Silyakov tiếp tục vướng vào âm mưu biển thủ khác, nhưng lần này là 35.000 tấn dầu thuộc sở hữu của Rosrezerv. Silyakov nói rằng số dầu này kém chất lượng và ông đã mua lại chúng với giá rẻ, rồi lại bán lại bằng với giá thị trường để thu lợi.

Đức Hoàng

Theo RT

Nguồn tin: http://dantri.com.vn

 Từ khóa: quan chức, biển thủ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây