Theo quan niệm của phương Đông, những người sinh năm Hợi thường có tính cách hòa nhã, yêu hòa bình, nhưng đôi khi cũng đột phá và táo bạo, khác hẳn với hình ảnh chú heo thích hưởng thụ và không thông minh. Tuy nhiên, đôi khi những người tuổi Hợi lại được cho là có tính cách nhu nhược, phần nào giống với hình ảnh chú heo hiền lành.
Dưới đây là những chính trị gia nổi tiếng trên thế giới sinh năm Hợi:
Hillary Clinton (1947 – Đinh Hợi)
Cái tên này hẳn đã quen thuộc với rất nhiều người. Chính trị gia người Mỹ sinh ngày 26/10/1947 này là vợ của cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton. Bà là Đệ nhất phu nhân nước Mỹ từ năm 1993-2001, nhưng sau đó, tên tuổi của bà bắt đầu nổi tiếng trên chính trường Mỹ cũng như thế giới. Bà trở thành Ngoại trưởng Mỹ dưới thời Tổng thống Barack Obama. Bà cũng nổi tiếng là nữ ứng cử viên Tổng thống đầu tiên của một đảng lớn trong lịch sử Mỹ trong cuộc bầu cử năm 2016.
Mike Pence (1959 – Kỷ Hợi)
Michael Richard “Mike” Pence (sinh ngày 7/6/1959) là đương kim Phó Tổng thống Mỹ. Ông từng là luật sư và là Thống đốc thứ 50 của bang Indiana từ năm 2013-2017. Trước đó, ông là nghị sĩ đại diện khu vực 2 và khu vực 6 của bang Indiana trong Hạ viện Mỹ từ năm 2001-2013. Mike Pence là chính trị gia theo đường lối bảo thủ. Sau khi được ông Trump chính thức lựa chọn là người đồng hành trong chiến dịch tranh cử năm 2016, ông Pence nói rằng, ông ủng hộ chính sách ngăn chặn người nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ cũng như đề nghị xây dựng một bức tường biên giới giữa Mỹ và Mexico của ông Trump.
Justin Trudeau (1971 – Tân Hợi)
Justin Trudeau (sinh ngày 25/12/1971) là Thủ tướng đương nhiệm của Canada. Ông nhậm chức từ ngày 4/11/2015 trở thành Thủ tướng thứ 23 của Canada. Khi nhậm chức, Justin Trudeau là người trẻ thứ 2 đảm nhận chức vụ Thủ tướng Canada (người trẻ nhất là Joe Clark) và là con trai đầu tiên của một cựu Thủ tướng đảm nhận cương vị này. Justtin Trudeau là con trai trưởng của cố Thủ tướng Pierre Trudeau.
Mahmoud Abbas (1935 – Ất Hợi)
Trước khi trở thành Tổng thống Palestine, vị chính khách này từng đảm nhận nhiều vị trí trong chính quyền Palestine. Ông Mahmoud Abbas được bầu làm Thủ tướng đầu tiên của Chính quyền dân tộc Palestine vào tháng 4/2003. Tên tuổi của ông Mahmoud Abbas gắn liền với cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc Palestine. Cho tới nay, nhà lãnh đạo 83 tuổi của Palestine vẫn chưa bao giờ ngừng nghỉ trên con đường thực hiện mục tiêu này.
Việc ông Abbas trình hồ sơ xin gia nhập thành viên Liên Hợp Quốc vào năm 2011 là bước đi táo bạo tiến tới đơn phương thành lập Nhà nước Palestine. Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã chính thức trao cho Palestine quy chế thành viên không đầy đủ, với tư cách là quan sát viên từ năm 2012.
Gloria Macapagal Arroyo (1947 – Đinh Hợi)
Sinh ngày 5/4/1947, Gloria Macapagal Arroyo cũng là một trong những nhân vật nổi tiếng sinh năm Hợi. Bà là nữ Tổng thống thứ hai của Philippines, nắm quyền tại quốc gia Đông Nam Á này trong 9 năm (2001-2010). Cựu Tổng thống Arroyo là Chủ tịch thứ 25 của Hạ viện Philippines, bà cũng là người phụ nữ đầu tiên nắm giữ chức vụ này.
Tuy nhiên, ấn tượng của người ta về đất nước Philippines kể từ khi bà Arroyo cầm quyền lại là tình trạng mất ổn định. Bà từng tuyên bố không ra tranh cử lần 2, nhưng rồi lại “hoãn kế hoạch nghỉ hưu” và sau đó thắng cử một cách đầy tranh cãi.
Shimon Perez (1923 - Quý Hợi)
Shimon Peres (1923-2016) là Tổng thống thứ 9 của Nhà nước Israel. Ông từng 2 lần giữ chức Thủ tướng Israel, một lần là Quyền Thủ tướng, và từng là thành viên của 12 nội các trong sự nghiệp chính trị kéo dài hơn 66 năm.
Chính trị gia gạo cội của Israel này khiến người ta nghĩ tới một nhân vật có tư tưởng ôn hòa, từng được trao giải Nobel Hòa bình. Tuy nhiên, trong cả quãng đời hoạt động chính trị của mình, ông chỉ nổi bật trong “hậu trường” của người khác, trong đó phải kể đến cố Thủ tướng Rabin - người bạn thân, cũng là người cạnh tranh lớn nhất của Perez trong Công đảng.
Lý Quang Diệu (1923 - Quý Hợi)
Lý Quang Diệu (1923-2015) là một trong những chính trị gia nổi tiếng của Đông Nam Á. Ông là người đứng đầu chính phủ Singapore trong 31 năm (1959 – 1990).
Cố Thủ tướng Singpore được đánh giá là người đã xây dựng thành công một đất nước đoàn kết, phát triển dù Singapore là một quốc gia đa sắc tộc, không có bản sắc văn hóa chung, ít tài nguyên và lãnh thổ nhỏ hẹp. Một trong những thành công lớn của việc gắn kết văn hóa là việc chọn tiếng Anh làm ngôn ngữ chính thức của Singapore.
Dưới thời Thủ tướng Lý Quang Diệu, Singapore là một trong những nước thành công về mặt kinh tế. Singapore cũng là nước tiên phong trong việc mở cửa thị trường, thu hút đầu tư, tăng cường tỷ trọng công nghiệp – dịch vụ trong nền kinh tế; một mô hình mà hàng thập kỷ sau, nhiều nước đang phát triển khác mới bắt đầu thực hiện.
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn