Tháng 4/2017, sau khi cáo buộc lực lượng chính phủ Syria gây ra vụ tấn công bằng vũ khí hóa học tại thị trấn Khan Sheikhoun, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phát lệnh tiến hành một cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình nhằm vào căn cứ không quân Shayrat - nơi các máy bay của Syria xuất kích. 59 tên lửa hành trình Tomahawk được phóng từ các tàu chiến của Mỹ trên Địa Trung Hải đã phá hủy các đường băng và nhà chứa máy bay tại căn cứ Shayrat. Tuy nhiên các tổn thất này đã nhanh chóng được phục hồi và vụ tấn công của Mỹ được đánh giá là chủ yếu mang tính “dằn mặt”.
Một năm sau đó, Tổng thống Trump tiếp tục cảnh báo sẽ tấn công Syria sau khi cáo buộc lực lượng chính phủ Syria đứng sau vụ tấn công hóa học khiến ít nhất 70 người thiệt mạng tại thị trấn Douma hôm 7/4. Ngoài Mỹ, Anh và Pháp cũng tuyên bố sẵn sàng hành động nếu cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học tại Syria được chứng minh là đúng.
Mục tiêu tấn công tại Syria
Theo Guardian, nếu nhà lãnh đạo Mỹ phát động một cuộc tấn công lần thứ hai nhằm vào Syria, quy mô của cuộc tấn công này có thể sẽ mở rộng hơn. Các mục tiêu mà Mỹ nhắm tới nếu tấn công Syria lần này có thể là các căn cứ không quân khác của Syria hoặc các thành phần còn lại trong lực lượng không quân Syria.
Với số lượng ít và thường xuyên bị tấn công, phi đội máy bay của Syria phụ thuộc lớn vào sự hậu thuẫn các máy bay chiến đấu của Nga. Trong khi đó, hệ thống phòng không của Syria cũng bị phá hủy nặng nề trong các cuộc tấn công của Israel.
Theo David Martin, nhà báo chuyên về an ninh quốc gia của đài CBS, cuộc tấn công của Mỹ diễn ra cách đây một năm chỉ giới hạn trong phạm vi một căn cứ không quân của Syria - nơi Mỹ cho là Syria đã sử dụng để xuất kích máy bay thả vũ khí hóa học xuống thị trấn Khan Sheikhoun. Mục đích của việc tấn công là nhằm cảnh báo Syria không bao giờ được phép tái sử dụng loại vũ khí này. Vào thời điểm đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis từng tuyên bố nếu Syria tiến hành một vụ tấn công hóa học nữa, nước này sẽ phải “trả giá rất đắt”.
“Lần này, tôi nghĩ Mỹ có thể nhắm tới một số mục tiêu cao hơn trong các cấp bậc chỉ huy của quân đội Syria, bao gồm các sở chỉ huy, các tòa nhà tình báo, hoặc các cơ sở tương tự như vậy”, ông Martin nói.
“Do cả Tổng thống và Bộ trưởng Quốc phòng (Mỹ) đều cáo buộc Nga và Iran là những nhân tố chính “bật đèn xanh” cho Syria tiến hành vụ tấn công hóa học khả nghi, nên tôi nghĩ không loại trừ khả năng Mỹ cũng nhắm mục tiêu tới các cơ sở của Iran tại Syria. Tôi không cho rằng Mỹ sẽ tấn công trực diện căn cứ của Nga (tại Syria) vì điều đó sẽ dẫn tới một cuộc khủng hoảng hạt nhân”, ông Martin nhận định.
Năng lực của Mỹ và phương Tây
Nhà Trắng cho biết Tổng thống Donald Trump hôm qua 10/4 đã có cuộc trò chuyện với Thủ tướng Anh Theresa May, trong đó hai nhà lãnh đạo cùng chỉ trích những hành vi bị cho là vô nhân đạo của chính quyền Syria và nhất trí “sẽ không cho phép việc sử dụng vũ khí hóa học được tiếp tục”. Ngoài ra, Tổng thống Trump cũng trao đổi với người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron về vấn đề Syria. Nhà lãnh đạo Pháp nói rằng nước này sẽ sớm đưa ra quyết định trong vài ngày tới về việc phối hợp với Mỹ và Anh để đáp trả cuộc tấn công hóa học của Syria. Tổng thống Macron cho biết ông muốn một “cuộc đáp trả chung mạnh mẽ” nhằm vào Syria.
Mỹ hiện triển khai một nhóm tác chiến hải quân ở đông Địa Trung Hải được trang bị các tên lửa có tầm bắn xa. Ngoài ra, quân đội Mỹ cũng duy trì một số lượng lớn máy bay chiến đấu ở Qatar và trên các tàu sân bay ở vùng Vịnh, vốn được triển khai để đánh bom tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Tuy nhiên ý tưởng đưa máy bay chiến đấu vượt qua không phận Iraq và Ả rập Xê út để ném bom Syria được cho là tiềm ẩn nhiều rủi ro. Trong khi đó, Mỹ có thể tính đến phương án khả thi hơn là sử dụng tên lửa.
Ngoài các lực lượng quân sự của Mỹ, các máy bay của Pháp cũng có thể tham gia cuộc tấn công nhằm vào các mục tiêu tại Syria sau khi cất cánh từ các sân bay không quân của Pháp. Trong khi đó, nếu Anh gia nhập lực lượng chống Syria, nước này có thể sử dụng căn cứ ở Cyprus - khu vực rất gần Syria.
Không quân Anh hiện duy trì lực lượng hùng hậu tại Trung Đông để đối phó IS, do vậy các máy bay và thiết bị bay không người lái của Anh có thể dễ dàng được triển khai để tấn công các mục tiêu tại Syria. Các máy bay Torpedo được Anh triển khai tại Trung Đông nổi tiếng với khả năng bay tầm thấp và ném bom chính xác, trong khi máy bay chiến đấu Typhoon cũng được trang bị bom dẫn đường Paveway IV hiện đại. Anh cũng có các máy bay không người lái Reaper được trang bị tên lửa Hellfire.
Nga và Syria sẽ phản ứng ra sao?
Mặc dù hệ thống phòng không của Syria bị phá hủy nặng nề trong các cuộc tấn công do Israel tiến hành hồi tháng 3, song đây vẫn là một mối đe dọa tiềm tàng đối với Mỹ và các đồng minh. Các tên lửa cũ của Syria thậm chí vẫn có thể bay nhanh hơn các máy bay hiện đại. Trước đây, một tên lửa SA-5 với tuổi đời 45 năm của Syria từng bắn hạ một máy bay F-16 của Israel.
Trong khi các tổ hợp phòng không của Syria không được đánh giá cao trong việc đánh chặn các máy bay, một câu hỏi được đặt ra là liệu Nga có sẵn sàng kích hoạt hệ thống phòng không uy lực S-400 được nước này triển khai tại Syria từ hơn một năm nay hay không. S-400 được xem là mối đe dọa nguy hiểm ngay cả với những máy bay hiện đại nhất thế giới. Trong các cuộc tấn công trước đây, Nga từng thỉnh thoảng kích hoạt hệ thống này, song chúng vẫn chưa sử dụng thực sự.
Tác giả: Thành Đạt
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn