Mỹ-Ukraine vạch kế hoạch 3 bước để giành lại Donbass
Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Pavel Klimkin tuyên bố trên đài phát thanh “Novoye Vremya” hôm 22/9 rằng, dự thảo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về việc giải quyết vấn đề Donbass đã hoàn tất từ lâu.
Theo lời nhà ngoại giao này, tài liệu do các nước phương Tây soạn thảo cùng với Ukraine gồm ba mục.
Mục thứ nhất nói về tầm quan trọng của sự hiện diện của lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế ở Donbass
Vị Bộ trưởng Ukraine lưu ý rằng, cơ số binh sĩ không phải là yếu tố quan trọng nhất, mà vấn đề tối quan trọng là chiến dịch cần phải nhất quán với quan điểm “phải kiểm soát được xung đột”, tức là, các binh sĩ gìn giữ hòa bình nên có mặt trong khu vực xung đột, chứ “không thể ngồi yên ở vùng giáp ranh giữa hai chiến tuyến".
Mục thứ hai của "kế hoạch bí mật" là triển khai lực lượng cảnh sát ở khu vực xung đột Donbass
Theo Bộ trưởng Pavel Klimkin, cần đảm bảo sự "giải giáp thực sự" các nhóm vũ trang bất hợp pháp ở khu vực xung đột và triển khai lực lượng chịu trách nhiệm về an ninh. Do đó, mục thứ hai sẽ chú trọng đến việc triển khai lực lượng cảnh sát ở Donbass.
Mục thứ ba của "kế hoạch bí mật" là thiết lập ban quản lý hành chính quốc tế ở Donbass.
Theo lời Klimkin, sau khi hòa bình và trật tự, trị an đã được lập lại ở phía Đông Ukraine, Liên Hiệp Quốc sẽ đứng ra thành lập một ban quản lý hành chính quốc tế ở Donbass để thay thế cấu trúc quyền lực hiện tại đang được thiết lập trong khu vực xung đột này.
Về thực chất, kế hoạch của Mỹ và Ukraine là sử dụng lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc để giành lại quyền kiểm soát 2 tỉnh ly khai Donbass là Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng (DPR) và Cộng hòa Nhân dân Lugansk tự xưng (LPR), ở phía Đông Ukraine.
Ukraine chưa bao giờ từ bỏ ý định thu hồi lại Donbass
Mặc dù Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine gọi hai mục cuối cùng của "kế hoạch bí mật" là "những vấn đề nguyên tắc siêu lớn" nhưng theo giới phân tích, mục đầu tiên mới là yếu tố mang tính chất quyết định thành bại của bản kế hoạch.
Ba mục quan trọng nhất của bản kế hoạch này cũng đồng nghĩa với 3 bước đi lần lượt để thu hồi vùng lãnh thổ ly khai này. Nếu thực hiện thành công bước đi đầu tiên thì mới triển khai được bước đi thứ hai, rồi mới hoàn tất bước đi thứ ba để giành lại Donbass.
Điều kiện tiên quyết là Mỹ và Ukraine phải triển khai được lực lượng gìn giữ hòa bình trong vùng Donbass thì họ mới có hy vọng giải giáp được lực lượng dân quân Donetsk và Lugansk; rồi sau đó mới có thể thành lập lực lượng cảnh sát để giữ gìn an ninh, trật tự.
Nếu làm được 2 bước đi dầu tiên thì việc thành lập một cơ cấu quản lý hành chính quốc tế là điều hết sức dễ dàng.
Giới chuyên gia nhận định, mặc dù kế hoạch của Mỹ và Ukraine thoạt nghe có vẻ “hoàn hảo” là thế nhưng việc thực hiện nó gần như là “vô vọng”, bởi không chỉ DPR và LPR sẽ không chấp thuận điều này, mà trở ngại lớn nhất mà họ không bao giờ vượt qua được chính là Nga.
Nga ngăn chặn kế hoạch Mỹ-Ukraine từ bước đầu tiên
Trước đây, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết ông cũng ủng hộ ý tưởng gửi sứ mệnh gìn giữ hòa bình tới Ukraine, nhưng Moscow cũng có những nguyên tắc riêng cho việc triển khai này.
Mỹ và Ukraine cho rằng, quy mô nhiệm vụ và phạm vi quyền hạn của lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc phải được trao rộng rãi hơn, “được thực hiện tất cả mọi hành động”, trong tất cả các khu vực trên lãnh thổ Ukraine cho đến biên giới nước Nga.
Mỹ và Ukraine muốn lực lượng mũ nồi xanh Liên Hiệp Quốc được triển khai ở trong vùng Donbass, đảm nhận chức năng chính là “giám sát toàn bộ tình hình miền Đông Ukraine, đảm bảo hòa bình và an ninh trên khắp vùng lãnh thổ ‘bị chiếm đóng’, cho đến tận biên giới với Nga”.
Với chức năng trên, lực lượng này sẽ thay thế hoặc ít nhất cũng có quyền hạn tương đương với OSCE trong việc giám sát ngừng bắn, thậm chí có quyền tung ra các hành động quân sự, nếu tình hình Donbass không “đi đúng lộ trình của Liên Hiệp Quốc”.
Chiếm lại Donbass bằng sức mạnh quân sự là điều không thể
Như vậy, về thực chất, lực lượng Liên Hiệp Quốc sẽ đảm nhận nhiệm vụ ngăn chặn hành động, rồi sau đó là tước vũ khí của lực lượng dân quân các nước Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng (DPR) và Lugansk (LPR) ở Donbass, còn nghiễm nhiên là thả lỏng Quân đội Ukraine.
Mỹ và Ukraine muốn lực lượng mũ nồi xanh “nắm quyền giám sát xung đột”, tức là nhân cơ hội này can thiệp trực tiếp vào miền Đông Ukraine, thay đổi cơ chế và thể chế giám sát xung đột được quy định trong Thỏa thuận Minsk 2, thay đổi cách tiếp cận theo hướng có lợi cho họ.
Tuy nhiên, Nga đã bác bỏ điều này và cho rằng, dường như Kiev định gán cho các chiến sĩ "mũ sắt xanh" của Liên Hợp Quốc một vai trò hoàn toàn khác là đảm nhận vai trò "lực lượng chiếm đóng" để "lập lại trật tự phương Tây” ở miền đông-nam Ukraine, thiết lập sự bảo hộ quốc tế tại đó.
Theo Nga, nhiệm vụ của phái bộ Liên Hiệp Quốc chỉ nên hướng đến việc bảo đảm sự sự an toàn của Sứ mệnh giám sát ngừng bắn ở Ukraine (SMM) thuộc Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) đang làm nhiệm vụ giám sát trong khu vực chiến sự.
Nga và Donbass yêu cầu các thành viên trong lực lượng Liên Hợp Quốc “phải đóng quân trên làn ranh phân giới giữa hai chiến tuyến”, chứ không được đứng chân bên bất kỳ phía nào.
Như vậy, Nga đã giới hạn lực lượng gìn giữ hòa bình đơn thuần chỉ có chức năng an ninh chứ bản thân lực lượng này không có chức năng giám sát ngừng bắn và không được phép can thiệp vào cuộc xung đột ở Ukraine.
Đề xuất của ông Putin thực chất là không thay đổi bản chất cách tiếp cận giải pháp mang lại hòa bình ở Donbass theo tinh thần của Hiệp định Minsk 2, đó là giữ nguyên vai trò của OSCE trong việc giám sát ngừng bắn đối với cả hai bên, ngăn chặn Mỹ thò tay vào Đông Ukraine.
Nga và lực lượng ly khai sẽ không bao giờ chấp thuận cho một phái đoàn giám sát bị Mỹ chi phối được phép can thiệp sâu vào nội tình Donbass, trong khi, lực lượng Ukraine lại được hoàn toàn hành động để thực hiện âm mưu loại bỏ chính quyền thân Nga ở DPR và LPR.
Còn ngược lại, Washington và Kiev muốn lợi dụng Liên Hiệp Quốc để dưa quân vàoDonbass khống chế lực lượng ly khai; đồng thời cũng không cho phép Moscow tham gia phái đoàn của Liên Hiệp Quốc để ngăn chặn khả năng phiêu lưu quân sự của họ.
Rõ ràng là với những mâu thuẫn mang tính cơ bản trong quan điểm của các bên về nội chiến miền Đông Ukraine, mục 1 và cũng là bước đi đầu tiên trong kế hoạch mượn tay Liên Hiệp Quốc để chiếm lại Donbass sẽ không thể thực hiện được, đừng nói là triển khai tiếp mục thứ 2 và thứ 3.
Kế hoạch của Ukraine chỉ thực sự có tính khả thi trong tình huống Nga và lực lượng ly khai Donbass đang ở trong thế yếu, buộc phải chấp nhận các yêu sách của đối thủ. Tuy nhiên, thực tế cuộc chiến ở miền Đông Ukraine chưa bao giờ cho thấy điều này.
Tác giả: Theo Thiên Nam
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn