Ảnh: Skypixel
Sau vài tuần đấu khẩu, Trung Quốc rốt cuộc đã có động thái mạnh tay đối với Mỹ. Bộ Thương mại nước này ngày 4/4 công bố kế hoạch áp gói thuế quan trị giá khoảng 50 tỉ USD nhắm vào nhiều sản phẩm và ngành công nghiệp quan trọng của Mỹ, vốn đang được Tổng thống Donald Trump ra sức bảo vệ.
Cụ thể, Bắc Kinh tuyên bố sẽ tăng thuế nhập khẩu lên tới 25% đối với 106 mặt hàng Mỹ, bao gồm cả đậu tương, thịt bò, rượu, máy bay, xe hơi và các hóa chất. Đây được coi là đòn giáng trả trực tiếp của Bắc Kinh đối với Washington, chỉ vài tiếng đồng hồ sau khi chính quyền ông Trump công bố danh sách gần 1.300 mặt hàng Trung Quốc có thể bị tăng thuế nhập khẩu vào Mỹ lên 25%.
Những động thái leo thang căng thẳng khiến nhiều người lo ngại Mỹ - Trung đang lún sâu vào một cuộc chiến tranh thương mại thực sự, với hậu quả khó lường cho nền kinh tế và người dân cả hai nước. Hiệp hội Nông dân và các gia đình Mỹ cảnh báo: "Các ngành công nghiệp thực phẩm và nông nghiệp của Mỹ sẽ hứng chịu tổn thất trực tiếp. Người nông dân và các hộ gia đình của chúng ta sẽ phải trả giá".
Chỉ tính riêng mặt hàng đậu tương, nông dân Mỹ đang dựa chủ yếu vào thị trường Trung Quốc. Hiệp hội Xuất khẩu đậu tương Mỹ thống kê, năm ngoái, họ bán tới 61% sản lượng đậu tương thu hoạch được cho thị trường đông dân nhất thế giới.
Bất chấp trấn an của Tổng thống Trump trên Twitter rằng Mỹ hiện không ở trong một cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, các thị trường tài chính nước này đều lao dốc. Sắc đỏ nhuộm kín các sàn chứng khoán cuối ngày 4/4.
Tuy nhiên, các quan chức Nhà Trắng quả quyết, họ không thấy lí do gì phải hoảng sợ. Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross phát biểu trên kênh CNBC rằng, ông "hơi ngạc nhiên" khi Phố Wall tỏ ra kinh ngạc trước phản ứng của Bắc Kinh. Theo quan chức này, gói thuế quan mới công bố của Trung Quốc chỉ bằng 3/10 của 1% GDP của Mỹ. Hơn thế nữa, nó cũng chỉ tương đương việc Washington dự định đánh vào khoảng 50 tỉ USD mặt hàng Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ.
Ông Ross cho rằng, Mỹ rốt cuộc có thể ngồi vào đàm phán với người Trung Quốc. Trưởng cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow cũng có cùng quan điểm. Phát biểu trước các phóng viên bên ngoài Nhà Trắng, ông Kudlow nói, những đe dọa về tăng thuế nhập khẩu hiện chỉ là công cụ để đàm phán và rằng "bạn có thể sẽ không thấy bất kỳ hành động dứt khoát nào trong vài tuần tới".
Theo Financial Times, có vẻ như chính quyền ông Trump đang áp dụng chiến lược hù dọa khiến đối phương phải nhượng bộ, như Washington từng dễ dàng đạt được với Hàn Quốc. (Ông Trump từng đe dọa đình chỉ việc thực hiện Hiệp định Thương mại tự do Mỹ - Hàn để buộc Seoul không nhượng bộ Bình Nhưỡng trong đàm phán phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên).
Ông Trump cũng cáo buộc những người tiền nhiệm "hoặc ngu xuẩn hoặc bất tài" đã khiến Mỹ nhập siêu tới hơn 500 tỉ USD từ Trung Quốc mỗi năm và bị ăn cắp quyền sở hữu trí tuệ thêm 300 tỉ USD nữa. Ông coi đây là cái cớ để mình phải chơi rắn, mạnh tay "dạy cho Trung Quốc một bài học".
Song, Trung Quốc không phải là đối thủ dễ bị đè bẹp. Ông Thôi Thiên Khải, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ mới đây từng tuyên bố, nước này không muốn, nhưng cũng không sợ chiến tranh thương mại. Bắc Kinh sẵn sàng "đáp trả tương xứng và xem ai sẽ trụ được lâu hơn".
Ban đầu, để trả đũa việc Mỹ tăng thuế nhập khẩu nhôm và thép, làm ngành công nghiệp Trung Quốc tổn thất ước tính khoảng 9 tỉ USD, Bắc Kinh quyết định tăng 15 - 25% thuế đánh vào 128 mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ, nhưng không thuộc các lĩnh vực thế mạnh của đối phương. Một số nhà quan sát coi đòn phản công này khá nhẹ và chỉ mang tính thăm dò, vì nó chỉ tấn công vào 3 tỷ USD, tương đương 2% tổng kim ngạch xuất khẩu của Mỹ sang thị trường Trung Quốc.
Tuy nhiên, động thái cũng chứng tỏ Trung Quốc sẽ không chịu lép vế hoặc để mặc Mỹ "tác oai, tác quái". Phản ứng nhanh chóng của Bắc Kinh hôm 4/4 là minh chứng rõ ràng nhất cho việc Trung Quốc đã nhất quyết "ăn miếng, trả miếng".
Gói thuế quan trị giá 50 tỉ USD, mới công bố của Bắc Kinh có thể nhằm buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán, rồi đi đến một thỏa thuận hóa giải xung đột. "Mục đích thực sự không phải là làm leo thang căng thẳng thành một cuộc chiến thương mại, mà nhằm cho thấy họ (Trung Quốc) không yếu thế", Aidan Yao, chuyên gia kinh tế thuộc Công ty quản lý quỹ Axa Investment Managers bình luận.
Tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh ngày 4/4, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trung Quốc Zhu Guangyao cũng tiết lộ, khoảng thời gian trước khi biểu thuế suất nhập khẩu mới có hiệu lực là "thời gian để đàm phán và hợp tác".
Rõ ràng, giới chức Mỹ và Trung Quốc đều đang cân nhắc lợi, hại trước khi có thể lao vào một cuộc chiến thương mại thực sự. Cả Bắc Kinh và Washington dường như đều hiểu rõ đó là tình huống cả hai bên cùng tổn thất, nhưng không bên nào muốn xuống thang trước.
Hiện vẫn chưa rõ khi nào Mỹ và Trung Quốc sẽ triển khai các kế hoạch tăng thuế hàng hóa nhập khẩu từ nước kia hay liệu rốt cuộc chúng có được thực thi hay không. Tất cả đang phụ thuộc vào những toan tính bên trong những "cái đầu lạnh" ở cả Washington và Bắc Kinh.
Tác giả: Theo Tuấn Anh
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn