Hồi đầu tháng 2, Michael Rohana, 24 tuổi, đã bị buộc tội làm gãy và đánh cắp ngón tay cái của bức tượng đất nung 2.000 năm tuổi được trưng bày tại bảo tàng Viện Franklin tại Philadelphia, bang Pennsylvania hôm 21/12/2017. Đây là một trong số 10 bức tượng binh mã được Trung tâm Di sản Văn hóa Thiểm Tây của Trung Quốc cho bảo tàng Mỹ mượn trước đó.
Viện Franklin đã gửi lời xin lỗi tới phía Trung Quốc sau vụ việc trên. Tuy nhiên, Trung tâm Di sản Văn hóa Thiểm Tây vẫn lên án hành động này và đề nghị Mỹ phạt nặng Michael Rohana. Trung tâm cho biết họ đã cho mượn các bức tượng hơn 260 lần tại 60 quốc gia trong suốt 40 năm qua song chưa bao giờ xảy ra một sự cố như vậy. Phía Trung Quốc yêu cầu số tiền đền bù cho thiệt hại này là 4,5 triệu USD.
“Các binh sĩ đất nung là tài sản quốc gia của đất nước chúng tôi. Giá trị nghệ thuật và lịch sử của những bức tượng này là vô giá. Chúng tôi bày tỏ sự tức giận và lên án hành vi trộm cắp và phá hoại di sản của chúng tôi”, một quan chức Trung Quốc cho biết.
Theo Beijing Youth Daily, Rohana, một công dân sống ở bang Delaware của Mỹ, đã tham dự một bữa tiệc nhân dịp Giáng sinh tại bảo tàng Viện Franklin và tìm cách đi vào phòng trưng bày “Đội quân đất nung và vị hoàng đế đầu tiên”. Khi đó cửa phòng không được khóa và Rohana đi cùng hai vị khách khác.
Hình ảnh từ camera an ninh cho thấy sau khi hai vị khách rời khỏi phòng trưng bày, Rohana đã đặt tay lên vai của một bức tượng và tự chụp ảnh. Sau đó, người đàn ông này đã bẻ một ngón tay cái của bức tượng, cho vào túi và rời đi.
Sau khi phát hiện ra vụ việc hôm 8/1, bảo tàng đã nhờ tới nhóm phụ trách tội phạm nghệ thuật của Cục Điều tra liên bang (FBI) để truy tìm thủ phạm. FBI sau đó đã lần ra dấu vết nơi ở của Rohana và bắt người đàn ông này hôm 13/1. Rohana bị buộc tội đánh cắp và che giấu tác phẩm nghệ thuật.
10 bức tượng được trưng bày tại bảo tàng ở Mỹ là một phần trong đội quân đất nung gồm khoảng 8.000 tượng binh sĩ, ngựa và xe ngựa từng được khai quật ở thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây. Được tìm thấy bên trong lăng mộ của hoàng đế Tần Thủy Hoàng, các bức tượng này có niên đại từ năm 210-209 trước Công nguyên và được định giá khoảng 4,5 triệu USD/tượng.
Tác giả: Thành Đạt
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn