Tên lửa rực sáng bầu trời Syria sau lệnh tấn công của Tổng thống Trump
Vào sáng nay 14/4 (theo giờ địa phương), Tổng thống Mỹ Donald Trump, với sự hỗ trợ của Anh và Pháp, đã phát lệnh tấn công Syria. Đây là lần thứ hai Washington tiến hành cuộc không kích nhằm vào Syria, cũng với cáo buộc chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad, với sự hậu thuẫn của Nga, gây ra vụ tấn công bằng vũ khí hóa học khiến nhiều người thiệt mạng. Trong khi đó, cả Moscow và Damascus đều bác bỏ những cáo buộc này.
Với khoảng 100 quả tên lửa phóng từ tàu và máy bay chiến đấu, liên minh Mỹ, Anh, Pháp đã tấn công 3 mục tiêu tại Syria, gồm một trung tâm nghiên cứu, một cơ sở lưu trữ, một cơ sở chứa trang thiết bị kiêm sở chỉ huy. Cả 3 mục tiêu này đều bị phương Tây nghi ngờ có liên quan tới chương trình phát triển vũ khí hóa học của Syria.
So với cuộc không kích do Mỹ tiến hành nhằm vào căn cứ không quân Shayrat của Syria vào tháng 4/2017, cuộc không kích năm nay có sự tăng lên về quy mô, song không đáng kể. Năm ngoái, Washington bắn 59 tên lửa hành trình Tomahawk từ tàu khu trục trên Địa Trung Hải, không sử dụng máy bay và chỉ nhắm mục tiêu tới một căn cứ không quân. Năm nay, Mỹ và các đồng minh sử dụng số tên lửa gần gấp đôi, phóng từ cả máy bay lẫn tàu, và chọn 3 mục tiêu tấn công.
Theo thông tin từ Lầu Năm Góc, chiến dịch không kích của Mỹ kéo dài khoảng 50 phút và không có phi công nào của Mỹ thiệt mạng, trong khi số lượng thương vong bên phía Syria chưa được xác nhận. Về phần mình, Nga cảnh báo Mỹ về những “hậu quả” sau vụ không kích này.
Cuộc tấn công của Mỹ và các đồng minh nhằm vào Syria sáng nay diễn ra chớp nhoáng với quy mô hạn chế và chỉ nhắm mục tiêu vào các cơ sở bị nghi có liên quan tới vũ khí hóa học. Tòa nhà chính phủ Abu Rummaneh ở thủ đô Damascus và phủ tổng thống Syria đều không bị tấn công.
Theo giới phân tích, đây là cuộc tấn công mang tính chất “dằn mặt” của Mỹ và các đồng minh đối với Syria liên quan tới chương trình vũ khí hóa học. Nó chỉ xảy ra một lần và sẽ không lặp lại, trừ khi chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad tiếp tục bị cáo buộc gây ra vụ một tấn công hóa học khác. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis cũng tuyên bố đây chỉ là "cuộc tấn công một lần", đồng thời khẳng định đã phát đi thông điệp đủ mạnh để ngăn Syria tái sử dụng vũ khí hóa học.
3 dấu gạch chéo là vị trí các mục tiêu tại Syria bị nã tên lửa sáng sớm ngày 14/4 (Đồ họa: cbc.ca)
Như vậy, có thể nhận thấy một xu hướng trong chính sách của Tổng thống Donald Trump. Đó là bất kể khi nào Mỹ phát hiện ra một cuộc tấn công quy mô lớn bằng vũ khí hóa học tại Syria, ông chủ Nhà Trắng sẽ ra lệnh cho quân đội trừng phạt chính quyền Tổng thống Assad.
Trước khi cuộc không kích xảy ra vào sáng nay, nhiều người đã đồn đoán rằng động thái quân sự này của Mỹ và các đồng minh sẽ dẫn tới chiến tranh thế giới 3, đặc biệt sau những tuyên bố cứng rắn của Nga. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng suy đoán này là không có cơ sở.
Tránh đối đầu trực diện với Nga
Hệ thống phòng không của Syria đánh chặn các tên lửa của Mỹ và đồng minh
Mục đích chính của cuộc không kích được cho là nhằm gửi đi một thông điệp với Tổng thống Assad rằng, chính phủ Syria nên dừng các cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học, nếu không muốn tiếp tục hứng chịu hậu quả từ Mỹ. Cuộc không kích lần này của Washington không nhằm mục đích thay đổi chế độ tại Syria. Bằng chứng cho thấy cung điện của Tổng thống Assad, vốn nằm trên một ngọn đồi cao tại Damascus, không nằm trong mục tiêu tấn công của tên lửa Mỹ.
Trong quá trình không kích, Mỹ và các đồng minh cũng chỉ lựa chọn những mục tiêu bị nghi có liên quan tới chương trình vũ khí hóa học của Syria và tránh những mục tiêu tấn công mà họ cho rằng có thể gây thương vong hay tổn thất cho Nga hoặc Iran. Điều này chứng tỏ Washington muốn tránh một cuộc xung đột trực tiếp với Moscow và Tehran tại khu vực này.
Theo một số nguồn tin, để tránh nguy cơ đối đầu trực diện và bùng nổ thành cuộc chiến tranh nóng giữa hai cường quốc hạt nhân, Mỹ được cho là đã cảnh báo trước cho phía Nga về cuộc không kích mà Washington định tiến hành cũng như hành lang hàng không mà nước này sẽ sử dụng.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis cho biết cuộc không kích chỉ đặt mục tiêu vào các kho vũ khí hóa học của Syria và được lên kế hoạch để giảm xuống mức thấp nhất nguy cơ gây thương vong cho binh sĩ Nga. Trong khi đó, Tướng Joseph Dunford, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân của Mỹ, cho biết Washington đã “nhận diện cụ thể” các mục tiêu để giảm bớt nguy cơ đối với các lực lượng Nga tại Syria.
Theo các nhà phân tích, mặc dù đưa ra những tuyên bố cứng rắn cả trước và sau khi vụ tấn công xảy ra, trên thực tế, Nga cũng không muốn bị đẩy vào thế đối đầu với Mỹ và nguy hiểm hơn là xảy ra chiến tranh. Ngoại trừ vũ khí hạt nhân, Nga đều bị đánh giá thấp hơn Mỹ cả về ngân sách quốc phòng lẫn trang thiết bị quân sự. Để so sánh, Mỹ chi khoảng 550 tỷ USD/năm cho quốc phòng, trong khi Nga chỉ có 70 tỷ USD. Nga mới chỉ có một tàu sân bay, trong khi Mỹ có tới 20 chiếc.
Theo đó, nếu Nga muốn đáp trả Mỹ, nước này có thể sẽ lựa chọn một hình thức tấn công khác, có thể là tấn công mạng, thay vì tham gia vào một cuộc xung đột công khai.
Tác giả: Thành Đạt
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn