Thông tin này được trang flightglobal.com ngày 25/8 dẫn tuyên bố của Cơ quan Phòng thủ tên lửa Mỹ (MDA) cho biết, nhiệm vụ tích hợp vũ khí laser lên RQ-4 Global Hawk đã được giao cho Tập đoàn Northrop Grumman thực hiện.
Theo yêu cầu của MDA: Để tích hợp vũ khí laser, UAV phải đạt độ cao đến 19 km, mang trọng tải hữu ích từ 2,3 đến 5,7 tấn và có thể hoạt động liên tiếp trên không trong vòng 36 tiếng.
Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ tin rằng, nếu UAV tầm xa được trang bị vũ khí laser có công suất cao đủ mạnh để tiêu diệt các tên lửa ICBM giai đoạn tăng tốc.
UAV RQ-4 Global Hawk.
"Những tiêu chuẩn do MDA đặt ra đã vượt xa khả năng Global Hawk theo thiết kế ban đầu. Chúng tôi sẵn sàng nâng cấp nhanh UAV này theo yêu cầu tối thiểu của cơ quan phòng thủ tên lửa đạn đạo.
Rút kinh nghiệm từ phiên bản nâng cấp này, tập đoàn sẽ nghiên cứu thiết kế phiên bản nâng cấp toàn bộ phương tiện bay, đáp ứng đầy đủ yêu cầu của MDA", ông Mike Lyons, giám đốc chương trình Global Hawk thuộc tập đoàn Northrop Grumman cho biết.
Theo kế hoạch được MDA công bố, chương trình vũ khí đầy tham vọng này của Mỹ sẽ được hoàn thành vào năm 2023. Đến khi trang bị chính thức, chương trình này sẽ thay thế vũ khí laser công suất thấp (LPLD) Mỹ đang trang bị.
Trước chương trình vũ khí năng lượng cao đầy tham vọng của Mỹ, Subrata Ghoshroy - chuyên gia nghiên cứu chương trình khoa học, công nghệ và xã hội của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) cho rằng, để bắn hạ được tên lửa ICBM, chắc chắn vũ khí laser cần cường độ tối thiểu 1Mw.
Trong khi đó, hệ thống vũ khí laser chiến thuật Mỹ sắp thử nghiệm trên máy bay chỉ có công suất rất khiêm tốn là 150kw. Với công suất vũ khí laser này, Mỹ chỉ có thể bắn hạ máy bay không người lái hoặc tàu thuyền cỡ nhỏ.
Vị chuyên gia này cho biết thêm, điều khó nhất cho ứng dụng vũ khí laser trong tác chiến là có được thiết bị năng lượng laser cần thiết trong giới hạn về kính thước, trọng lượng và cường độ (Lầu Năm Góc gọi vấn đề này là SWAP) của các phương tiện tàu chiến, máy bay,…
Ngoài ra, khi các hạt photon trong tia laser đi xuyên qua trở ngại khí quyển (khói bụi, sương mù...) chúng vẫn phải duy trì đúng hướng và cường độ đủ mạnh để tiêu diệt mục tiêu. Đồng thời, người bắn laser cũng phải tính đến yếu tố liên quan chuyển động của mục tiêu, chuyển động của vũ khí trong điều kiện kể trên.
Khó khăn tiếp tiếp theo Mỹ vẫn chưa thể khắc phục theo Subrata Ghoshroy nhận định đó là để đưa laser cực mạnh ra ứng dụng trên chiến trường cần phải có kích cỡ đủ nhỏ gọn để vận hành trong môi trường chiến đấu, mà vẫn phải đủ mạnh để tiêu diệt mục tiêu.
Chùm laser khí gas đủ mạnh để tấn công nhưng lại cần dòng điện quá lớn nên quá cồng kềnh. Laser hóa học có lợi thế nhưng cũng như laser nền tảng khí gas, thiết bị quá cồng kềnh. Laser trên nền tảng vật chất thể rắn nhỏ gọn nhưng dòng cường độ thấp nên không bắn được xa.
Trước thực tế này, chuyên gia Subrata Ghoshroy khẳng định rằng kế hoạch dùng vũ khí laser trên UAV để bắn hạ tên lửa ICBM không mang tính thực tế và gần như là điều không thể.
Tác giả: Theo Tuấn Vũ
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn