“Ngày càng nhiều vụ việc có liên quan tới đánh cắp bí mật thương mại được mở ra, và phần nhiều trong số đó có liên quan tới Trung Quốc”, Trợ lý Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Adam Hickey nói với kênh CNBC hôm 23/9.
Kể từ năm 2012, hơn 80% vụ gián điệp kinh tế do Cục An ninh Quốc gia thuộc Bộ Tư pháp Mỹ xử lý đều có liên quan tới Trung Quốc. Theo ông Hickey, tần suất của các vụ việc như vậy tăng lên trong những năm gần đây.
“Có thể do các nạn nhân (của các vụ gián điệp kinh tế) chú ý nhiều hơn tới những gì đã xảy ra, và đây là điều tốt. Có thể họ đã cảm thấy thoải mái hơn trong việc trình báo với cơ quan hành pháp, và đây là tín hiệu tốt. Họ đã chán nản với các vụ việc đó, và đây cũng là điều tốt”, Trợ lý Bộ trưởng Tư pháp Mỹ nói thêm.
Tháng 11/2018, Bộ Tư pháp Mỹ đã thành lập “Sáng kiến Trung Quốc” với mục đích đối phó với các mối đe dọa an ninh quốc gia từ Trung Quốc. Sáng kiến này được thực hiện bằng cách xác định và khởi tố các vụ đánh cắp bí mật thương mại và tài sản trí tuệ, tấn công mạng và gián điệp kinh tế.
“Hành vi trộm cắp được chính quyền ủng hộ”
Bắc Kinh đã cáo buộc Washington tìm cách bảo vệ các công ty Mỹ trước sự cạnh tranh của đối thủ và ngăn chặn sự phát triển công nghệ của Trung Quốc. Đáp lại, ông Hickey bảo vệ quan điểm của Bộ Tư pháp Mỹ.
“Chúng tôi hy vọng các quốc gia khác cũng có thể tự chủ về các công nghệ quan trọng. Đó là những gì chúng tôi kỳ vọng về một chính phủ có trách nhiệm. Vấn đề là Trung Quốc không muốn làm điều đó. Một phần trong chính sách công nghiệp của họ, một phần trong cách họ cố gắng thực hiện điều đó, là hành vi đánh cắp được chính quyền hậu thuẫn hoặc nhắm mắt làm ngơ”, Trợ lý Bộ trưởng Tư pháp Mỹ nói.
Ông Hickey lấy dẫn chứng tiêu biểu về hành vi có liên quan tới kế hoạch chiến lược “Made in China 2025”. Chính phủ Trung Quốc đã công bố kế hoạch này vào năm 2015 với mục tiêu giảm bớt sự phụ thuộc vào công nghệ nhập khẩu trong 10 ngành công nghiệp ưu tiên gồm robot, công nghệ thông tin, hàng không, vận tải đường sắt và công nghệ sinh học.
"Chúng tôi đã truy tố các vụ việc đánh cắp sở hữu trí tuệ đối với 8 trong số 10 lĩnh vực nói trên của Trung Quốc", ông Hickey cho biết.
Sáng kiến của Bộ Tư pháp Mỹ cũng nhấn mạnh về các mối đe dọa an ninh mạng và khả năng dễ bị tổn thương trong hệ thống viễn thông.
Hickey không bình luận về Huawei, tập đoàn công nghệ khổng lồ của Trung Quốc, trong bối cảnh công ty này đang vướng vào hai vụ khởi tố tại Mỹ. Tuy nhiên, Trợ lý Bộ trưởng Tư pháp Mỹ vẫn nhấn mạnh mối đe dọa đối với an ninh quốc gia từ các công ty viễn thông và chuỗi cung ứng ngày càng mở rộng.
"Việc công ty đến từ đâu rất quan trọng, cũng như việc công ty đó có bị buộc phải tuân theo yêu cầu của cơ quan tình báo mà không xem xét tới luật lệ liên quan hay không", ông Hickey cho biết.
Ông Nhậm Chính Phi, nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành của Huawei, từng tuyên bố hồi tháng 4 rằng công ty của ông không bao giờ “cài cửa hậu” trong các thiết bị, ngay cả khi chính quyền Trung Quốc yêu cầu làm như vậy.
“Chúng tôi không được phép cung cấp thông tin của khách hàng cho bất kỳ bên thứ ba nào”, ông Nhậm nói.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng Huawei sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tuân thủ theo yêu cầu cung cấp thông tin của chính quyền Trung Quốc.
Thành Đạt
Theo CNBC
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn