Trong cuộc phỏng vấn với hãng tin AP ngày 8/9, ông Myron Brilliant, phó chủ tịch phụ trách các vấn đề quốc tế của Phòng Thương mại Mỹ và là người từng tham gia vào các cuộc đàm phán Mỹ - Trung, đã đưa ra nhận định về khả năng hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đạt được một thỏa thuận, hoặc Trung Quốc sẽ trì hoãn cho tới sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào năm 2020.
“Tôi nghĩ ông Tập Cận Bình muốn một thỏa thuận. Câu hỏi đặt ra là liệu họ (Trung Quốc) có chờ cho tới sau cuộc bầu cử Mỹ hay không, vì họ nghĩ rằng họ sẽ nhận được một thỏa thuận tốt hơn sau đó. Tôi nghĩ đó là một sai lầm rất lớn. Dù cho Tổng thống Donald Trump thắng hay đảng Dân chủ thắng, họ (Trung Quốc) cũng sẽ phải đối mặt với hàng loạt vấn đề như nhau”, ông Brilliant nói.
“Thâm hụt lòng tin (Mỹ - Trung) đang ở mức cao. Vì vậy, họ cần xây dựng lòng tin. Một cách để xây dựng lòng tin là Trung Quốc đồng ý mua nông sản từ Mỹ như một khoản ứng trước để cuối cùng đạt được một thỏa thuận lớn hơn nhằm bảo vệ tài sản trí tuệ, hạn chế việc chuyển giao công nghệ cưỡng ép và hạn chế việc trợ cấp cho các công ty của nhà nước Trung Quốc. 16 tháng kể từ bây giờ (cho tới bầu cử Mỹ), việc đàm phán sẽ không dễ dàng hơn. Thực tế, nó có thể khó khăn hơn”, quan chức Phòng Thương mại Mỹ nói thêm.
Tuyên bố của ông Brilliant được đưa ra sau khi Tổng thống Trump tuần trước cảnh báo, Trung Quốc không nên “câu giờ”, kéo dài đàm phán thương mại với hy vọng đạt được một thoả thuận có lợi hơn cho Bắc Kinh nếu ông không giành thắng lợi trong cuộc bầu cử vào năm sau.
Tổng thống Trump liên tục tục gây sức ép với Trung Quốc về việc sớm đạt được một thỏa thuận thương mại trong tương lai gần. Ông chủ Nhà Trắng cảnh báo các cuộc đàm phán sẽ trở nên khó khăn hơn nhiều nếu ông tái đắc cử vào năm 2020.
“Chúng tôi có một vị tổng thống đang cố gắng tìm cách giải quyết các hành vi thương mại không công bằng từng được các chính quyền tiền nhiệm phát hiện ra. Tuy nhiên, ông ấy đang theo đuổi cách tiếp cận hoàn toàn khác và sử dụng các chiến thuật khác nhau. Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ mục tiêu xử lý hành vi đánh cắp tài sản trí tuệ, cưỡng ép chuyển giao công nghệ và nỗ lực nhằm cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc, đặc biệt là giảm trợ cấp và ưu đãi thuế. Điều chúng tôi không đồng quan điểm với chính quyền Trump là việc sử dụng thuế quan quá mức. Chúng tôi cho rằng thuế quan đang gây thiệt hại cho chính nền kinh tế của chúng ta”, ông Brilliant nói.
Các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc bị đình trệ từ tháng 5, sau khi chính quyền Trump “tố” Bắc Kinh tự ý thay đổi những điểm quan trọng trong bản dự thảo thỏa thuận dài 150 trang, bất chấp những nỗ lực đàm phán trước đó của phái đoàn hai nước.
“(Phó Thủ tướng Trung Quốc) Lưu Hạc được trao quyền đến gặp và đàm phán (với Mỹ). Tuy nhiên, ông ấy vẫn phải về nước và thuyết phục cấp trên, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Tôi nghĩ khi ông ấy quay trở về, đã có sự dè chừng (từ phía Trung Quốc). Trung Quốc cảm thấy rằng họ bị yêu cầu nhượng bộ trong khi Mỹ vẫn chưa đồng ý giảm bớt thuế quan. Tôi nghĩ ông Tập Cận Bình cho rằng đây là thỏa thuận một chiều và đó là điều không may khi chúng tôi sắp đạt được thỏa thuận”, ông Brilliant chia sẻ về việc Mỹ và Trung Quốc suýt đạt được thỏa thuận thương mại hồi tháng 5.
Một số nguồn tin cho biết Trung Quốc được cho đã có động thái “xuống nước” trong cuộc chiến thương mại căng thẳng với Mỹ khi đề xuất nhập khẩu nông sản của Washington. Trước đó, ông Trump muốn Trung Quốc phải tăng nhập hàng hóa nông nghiệp của Washington như đậu nành và ngô.
Thành Đạt
Tổng hợp
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn