Phát biểu trước các phóng viên ngày 5/6, Tổng thống Jair Bolsonaro cho biết Brazil sẽ cân nhắc rút khỏi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nếu cơ quan này không chấm dứt việc trở thành một “tổ chức phe phái chính trị”.
Tháng trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump, một đồng minh chính trị của Tổng thống Bolsonaro, cũng tuyên bố sẽ chấm dứt mối quan hệ với WHO, sau khi cáo buộc tổ chức này là “con rối” của Trung Quốc.
Tuyên bố của tổng thống Brazil được đưa ra sau khi WHO cảnh báo chính phủ các nước, đặc biệt tại khu vực Mỹ Latinh, về những rủi ro có thể xảy ra nếu dỡ bỏ phong tỏa trước khi kiểm soát được tốc độ lây lan của virus corona.
Khi được hỏi về những nỗ lực nới lỏng giãn cách xã hội tại Brazil, bất chấp số ca tử vong và chẩn đoán nhiễm bệnh vẫn tăng lên từng ngày, người phát ngôn WHO Margaret Harris cho biết một tiêu chuẩn quan trọng để một nước quyết định có nên dỡ bỏ phong tỏa hay không là phải làm chậm quá trình lây nhiễm virus.
“Dịch bệnh, sự bùng phát của dịch bệnh, tại Mỹ Latinh đáng quan ngại sâu sắc”, bà Harris phát biểu tại cuộc họp báo ở Geneva, Thụy Sĩ.
Theo bà Harris, trong số 6 tiêu chuẩn quan trọng để nới lỏng giãn cách xã hội, “một trong số đó là giảm lây nhiễm”.
Tuy nhiên, Tổng thống Brazil vẫn chọn cách đi ngược lại các biện pháp phòng dịch vì cho rằng các biện pháp đó không đáng để hy sinh các lợi ích kinh tế. Ông Bolsonaro tiếp tục khuyến khích các bang dỡ bỏ phong tỏa, mở cửa kinh tế trở lại, trong khi Brazil hiện vẫn là ổ dịch lớn thứ 2 thế giới.
Brazil mới đây đã vượt qua Italia và hiện chỉ đứng sau Mỹ và Anh về số ca tử vong do Covid-19. Nước này cũng đứng thứ 2 thế giới về số ca nhiễm bệnh.
Theo thống kê của Worldometers, Brazil hiện ghi nhận 35.047 người chết vì virus corona, trong khi số ca nhiễm đã lên tới 646.006 người.
Bài viết đăng trên trang nhất của Folha de S.Paulo đưa tin, đã 100 ngày trôi qua kể từ khi Tổng thống Bolsonaro mô tả Covid-19, loại virus mà nhật báo Brazil mô tả “cứ mỗi phút giết chết một người Brazil”, là bệnh “cúm nhẹ”.
“Trong khi các bạn đang đọc bài viết này, lại có thêm một người Brazil chết vì Covid-19”, bài viết nêu rõ.
Bộ Y tế Brazil vào cuối ngày 4/6 xác nhận 1.437 người đã chết trong vòng 24 giờ và đây là số ca tử vong mới cao kỷ lục trong ngày thứ 3 liên tiếp. Vào tối 5/6, Brazil tiếp tục ghi nhận thêm 1.005 ca tử vong vì Covid-19.
Nỗ lực chống dịch của Brazil không nhận được sự đồng thuận từ chính quyền Tổng thống Bolsonaro cho tới các địa phương. Trong khi ông Bolsonaro phản đối các biện pháp giãn cách xã hội vì lo kinh tế sụp đổ, các thống đốc và thị trưởng ban hành lệnh hạn chế đi lại.
Giới phân tích nhận định tâm dịch Covid-19 của thế giới đang dịch chuyển về Mỹ Latinh. Những nước đông dân nhất trong khu vực, như Brazil và Mexico, đang chứng kiến tỷ lệ lây nhiễm mới ở mức cao nhất. Dịch bệnh cũng lan ra nhanh chóng tại các nước như Peru, Colombia, Chile và Bolivia.
Tính đến nay, hơn 1,1 triệu người Mỹ Latinh đã bị nhiễm virus corona mới. Trong khi hầu hết các nhà lãnh đạo đều coi đại dịch Covid-19 nghiêm trọng, một số chính trị gia từng ủng hộ phong tỏa nghiêm ngặt hồi tháng 3 và tháng 4 nay hối thúc mở cửa nền kinh tế do lo ngại tình trạng đói nghèo.
Thành Đạt
Theo Reuters
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn