Mỹ tăng cường vũ khí trang bị cho người Kurd
Theo giới truyền thông, thời gian qua, Washington đã quyết định tăng cường trang bị vũ khí cho các nhóm vũ trang của Lực lượng dân chủ Syria (SDF), để họ thành công hơn khi tấn công lực lượng của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) đang chiếm giữ thành phố Raqqa ở Syria.
Theo đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh về việc cung cấp vũ khí hạng nặng cho Lực lượng Dân chủ Syria, trọng tâm là các Đơn vị Bảo vệ Nhân dân người Kurd (YPG), bất chấp những “phản ứng dữ dội” của chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ.
Đại diện giấu tên của YPG đã liệt kê chi tiết về những loại vũ khí mà Mỹ có ý định cung cấp cho các nhóm vũ trang người Kurd là các loại vũ khí có khả năng tấn công hỏa lực rất mạnh như: Súng cối, tên lửa nhiệt áp, súng máy hạng nặng, xe bọc thép, xe tăng.
Bình luận về quyết định của Trump về lô vũ khí cung cấp cho các đội quân người Kurd, đại diện của YPG đã hào hứng nhấn mạnh, quyết định này sẽ góp phần quan trọng trong cuộc chiến chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo và các nhóm khủng bố khác.
"… Chúng tôi thực sự rất cần những loại vũ khí này. Chúng tôi cần xe bọc thép và xe tăng để tiến hành chiến dịch ở trung tâm thành phố Raqqa. Bên cạnh đó, chúng tôi cần đến tên lửa nhiệt áp để tiêu diệt những xe gài chất nổ của IS trước khi chúng tấn công chúng tôi” - đại diện của YPG nói.
Đại diện của các đơn vị tự vệ người Kurd cũng khẳng định rằng nhờ có sự giúp đỡ hỗ trợ theo hình thức cung cấp vũ khí, lực lượng vũ trang của họ sẽ có sự yểm trợ hỏa lực rất quan trọng và khẳng định rằng, “thủ đô” Raqqa của IS sẽ được giải phóng trong tương lại gần.
Phản ứng trước việc Mỹ trang bị thêm vũ khí hạng nặng cho người Kurd, chính phủ quyền Ankara đã cực lực phản đối việc Mỹ tăng cường thực lực quân sự cho YPG, bởi chính quyền Erdogan luôn cho rằng, họ là lực lượng liên kết với tổ chức khủng bố PKK (đảng Công nhân người Kurd, hoạt động chủ yếu ở miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ).
Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng, đây là hành động phá hoại quan hệ hợp tác chiến lược giữa các đồng minh NATO, phớt lờ những yêu cầu chính đáng của nước này về việc bảo đảm an ninh quốc gia.
Trước hành động của Washington và phản ứng quyết liệt của Ankara, các nhà phân tích Syria và Thổ Nhĩ Kỳ đã có những ý kiến bình luận về ảnh hưởng của quyết định này đối với cục diện trong khu vực và mục đích của nó là nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ hay Syria?
Mỹ đang mượn Thổ Nhĩ Kỳ để tạo đối trọng với Syria
Theo đó, giới chuyên gia nhận định rằng, vũ khí mà Mỹ cung cấp cho Đơn vị Bảo vệ Nhân dân người Kurd (YPG, nòng cốt của SDF) là nhằm mục đích tạo lập đối trọng có đủ thực lực đối với chính quyền Syria.
Nhà lãnh đạo của Đảng BAAS là ông Halaf al Miftah cho rằng, các lực lượng của liên minh quốc tế do Mỹ dẫn đầu phát động "Chiến dịch giải phóng" Raqqa khỏi tay tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo không phải để giúp Syria mà thực chất là Mỹ đang "xâm chiếm" Syria.
Nếu trước đây Mỹ thực thi chính sách trong khu vực thông qua các đại diện và các đồng minh của mình, thì bây giờ chính sách của Washington bước sang giai đoạn mới là tham gia trực tiếp vào cuộc xung đột, mà biểu hiện rõ ràng là sự gia tăng hiện diện quân sự tại Syria.
Theo tờ The Washington Post, vào đầu tháng 3, Mỹ đã điều tới khu vực Raqqa một số đơn vị bổ sung cho 500 lính đặc nhiệm đang hiện diện ở đó. Theo giới phân tích, số lượng quân Mỹ tham chiến ở Syria có thể được tăng lên đến con số 10.000 người.
Lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ thuộc đơn vị viễn chinh số 11 đến Raqqa với lựu pháo M777 155mm, dự kiến sẽ hỗ trợ hỏa lực trong cuộc tấn công. Ngoài ra, cả các xe tăng M1 Abram cũng sẽ được tăng cường đến khu vực này để nâng cao sức mạnh xuyên phá.
Rõ ràng là Hoa Kỳ sử dụng chiến dịch Raqqa như một công cụ để thực hiện kế hoạch về phân chia Syria, mục đích của họ là tiêu diệt quốc gia thống nhất Syria để xuất hiện nhiều vùng đối lập trong thành phần một nước liên bang, thay đổi đường biên giới ở khu vực Trung Đông.
Thông qua chiến dịch Raqqa, Mỹ hiện đã công khai thực hiện chính sách "xâm lược". Vì vậy, họ muốn tạo ra một lực lượng tuyệt đối trung thành với Mỹ và một “an toàn khu” ở Syria để đối chọi với chính phủ của ông Assad.
Theo ông, Mỹ sẽ xây dựng các căn cứ quân sự lớn ở khu vực người Kurd mà ảnh hưởng của nó phải tương tự như căn cứ của Nga tại Hmeymim/Latakia. Một căn cứ không quân lớn nhất sẽ được thành lập ở phía nam Raqqa, trong khu vực Tabka, nơi tập trung các mỏ dầu lớn ở vùng đông bắc.
Giới phân tích khẳng định rằng, đừng tưởng là Thổ Nhĩ Kỳ có thể "táo gan" giỡn mặt Mỹ để tiêu diệt người Kurd, Washington có thừa uy lực để bắt Ankara phải hóa giải mâu thuẫn với người Kurd và buộc YPG phải cam kết không được ủng hộ PKK.
Theo đó, giữa Washington và Ankara đã có thỏa thuận về việc thành lập một Nhà nước Liên bang của người Kurd ở phía Đông Bắc Syria, còn Thổ Nhĩ Kỳ sẽ "nhắm mắt" trước hành động này, đổi lại, Ankara sẽ được chia phần lãnh thổ Syria ở phía bắc tỉnh Idlib và Bắc Aleppo.
Do đó, Thổ Nhĩ Kỳ và người Kurd đang là 2 diễn viên chính trong vở kịch “phân rã Syria” của đạo diễn Hoa Kỳ, họ người tung kẻ hứng đối phó lẫn nhau, để một bên mang quân vào chiếm đóng phía Bắc Aleppo, một bên kiểm soát cả tỉnh al-Hasakah và Raqqa và có thể tương lai là cả Deir Ezzor.
Washington đặt tay YPG vào tay Ankara, giúp người Kurd lập được “vương quốc riêng” ở Bắc Syria, còn Thổ Nhĩ Kỳ trong tương lai sẽ được thêm một “tỉnh thứ 82”. Chỉ khổ cho đất nước và nhân dân Syria trở thành miếng mồi xâu xé của các cường quốc.
Tác giả: Theo Thiên Nam
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn