“Chúng tôi muốn ông Trump tái đắc cử, chúng tôi rất vui khi thấy điều đó xảy ra”, ông Long Yongtu, cựu Thứ trưởng Ngoại thương Trung Quốc và là người tham gia quá trình đàm phán kéo dài suốt 15 năm để Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), phát biểu tại hội thảo đầu tư ở Trung Quốc hôm 10/11.
Theo ông Long, các bài viết của Tổng thống Donald Trump trên mạng xã hội Twitter hàng ngày đã “phơi bày” sự tức giận, vui vẻ hay bốc đồng của ông chủ Nhà Trắng trước 67 triệu người theo dõi (follower) trên toàn thế giới. Chính điều này khiến ông Trump trở thành người “dễ đọc vị” và một “đối phương” như vậy là “lựa chọn tốt nhất” trong các cuộc đàm phán.
Cựu Thứ trưởng Trung Quốc cho rằng, mặc dù Tổng thống Trump là người không kiên định, song ông chủ Nhà Trắng vẫn là một nhà đàm phán minh bạch và thực tế, người chỉ quan tâm tới những lợi ích vật chất như buộc Trung Quốc phải nhập khẩu thêm nông sản Mỹ và Bắc Kinh hoàn toàn có thể thỏa hiệp được vấn đề này.
Theo ông Long, hiện là lãnh đạo Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa tại Bắc Kinh, không giống người tiền nhiệm, Tổng thống Trump không chọn đối đầu với Trung Quốc trong các vấn đề “nóng” về địa chính trị như Đài Loan hay Hong Kong. Đây cũng là những vấn đề mà Bắc Kinh không sẵn sàng nhượng bộ.
“Ông Trump nói về các lợi ích vật chất, chứ không phải chính trị. Một đối phương như vậy là lựa chọn tốt nhất trong các cuộc thương lượng”, ông Long nhận định.
“Ông ấy làm cho quá trình ra quyết định của Mỹ trở nên hiệu quả và minh bạch, vì về cơ bản ông ấy có sao nói vậy. Thuận lợi (của việc ông Trump tái đắc cử) nhiều hơn bất lợi. Chúng ta không cần dành quá nhiều thời gian để tính toán xem người Mỹ muốn gì, hay tìm hiểu suy nghĩ thực sự của đối phương trong bóng tối như cách chúng ta từng làm trước đây”, ông Long nói về Tổng thống Trump.
Ngược lại với nhiều chính trị gia và lãnh đạo doanh nghiệp, cựu Thứ trưởng Long không tin chính quyền Trump sẽ thay đổi cách tiếp cận của Mỹ với Trung Quốc theo cách căn bản.
“Xung đột thương mại với Trung Quốc chỉ là một phần trong chiến lược bảo hộ toàn cầu của ông Trump”, ông Long nói.
Ông Long cũng chỉ ra các biểu hiện trong chiến lược “bảo hộ toàn cầu” của Tổng thống Trump gồm rút Mỹ khỏi các thỏa thuận toàn cầu như Hiệp định thương mại Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), áp thuế lên các đối tác thương mại, từ Liên minh châu Âu (EU) cho tới Canada và Mexico.
Theo ông Long, Trung Quốc nhiều lần nói rằng nước này không có ý định thách thức vị thế lãnh đạo của Mỹ, và Mỹ cũng có lý do để tôn trọng Trung Quốc như cường quốc đứng thứ hai với nền kinh tế khổng lồ.
Ông Long lạc quan rằng Mỹ và Trung Quốc sẽ sớm đạt được một giải pháp về thương mại. Theo cựu Thứ trưởng Ngoại thương Trung Quốc, nước này có lợi ích trong việc tăng cường nhập khẩu để trở thành cường quốc thương mại, đồng thời nâng cao việc bảo vệ tài sản trí tuệ.
Ông Long nhận định, “cuộc tấn công” của Mỹ nhằm vào tập đoàn viễn thông Huawei khổng lồ của Trung Quốc cũng như các công ty công nghệ khác sẽ không có kết quả, vì cả hai nước đều gắn bó chặt chẽ và phụ thuộc lẫn nhau trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Thành Đạt
Theo SCMP
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn