Trong tuần qua, mạng xã hội Weibo của Trung Quốc lan truyền thông tin rằng phần cài đặt ngôn ngữ mặc định trên điện thoại của Huawei sản xuất có hiển thị Đài Bắc (Đài Loan) cho người chọn ngôn ngữ là tiếng Trung phồn thể. Trong khi đó, những người chọn tiếng Trung giản thể, thì phần cài đặt hiển thị là Đài Bắc (Trung Quốc).
Dư luận cho rằng hành động của Huawei dường như ám chỉ rằng Đài Loan độc lập với Trung Quốc trong khi Bắc Kinh từ trước tới nay luôn coi hòn đảo là một tỉnh.
Sự việc đã được đẩy lên cao trào vào giữa tuần khi Weibo xuất hiện phong trào đòi tẩy chay Huawei. Các bài viết với hashtag #HuaweiGetoutofChina (Huawei, hãy đi khỏi Trung Quốc đi) bắt đầu trở thành xu hướng.
Trước lời kêu gọi tẩy chay các sản phẩm của Huawei từ cộng đồng mạng, hãng viễn thông âm thầm cập nhật lại phần mềm và sử dụng Đài Bắc (Trung Quốc) cho mọi ngôn ngữ cài đặt.
Tuy nhiên, Huawei lại chọn cách im lặng trước sự chỉ trích của dư luận. Rất nhiều người Trung Quốc đang kêu gọi hãng viễn thông phải đưa ra lời xin lỗi chính thức. Huawei từ chối đưa ra bình luận về sự việc.
Nhờ sức mua “khủng”, người tiêu dùng Trung Quốc rất có tiếng nói với các thương hiệu lớn không chỉ của Trung Quốc mà còn các thương hiệu sang trọng của nước ngoài vì nếu họ tẩy chay, điều này đồng nghĩa với việc doanh thu sẽ sụt giảm nghiêm trọng.
Nhiều các nhãn thời trang lớn như Versace hay Coach đã phải công khai xin lỗi vì những hành động làm phật lòng người tiêu dùng Trung Quốc trong thời gian qua.
Quan hệ Trung Quốc và Đài Loan đang ở trong giai đoạn khá căng thẳng. Chính phủ Washington vừa thông qua và chuyển đề xuất về thương vụ bán 66 máy bay F-16 cho Đài Loan lên Quốc hội Mỹ xem xét.
Trung Quốc sau đó đã gửi công hàm ngoại giao phản đối Mỹ, cho rằng Washington đang không tôn trọng chính sách "Một Trung Quốc", cố tính can thiệp vào nội bộ Bắc Kinh khi có quan hệ quân sự với Đài Loan. Trung Quốc cảnh báo sẽ đáp trả mạnh mẽ và Mỹ sẽ chịu mọi hậu quả.
Đức Hoàng
Theo Nikkei
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn