Liên minh châu Âu và bài toán khó Tây Balkan

Thứ ba - 22/05/2018 00:43
Thay vì đề cập trực tiếp tới triển vọng gia nhập khối của 6 ứng viên Tây Balkan, hội nghị này bàn nhiều tới tăng cường hợp tác giữa hai bên.

Ngày 17/5 vừa qua, Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) và các quốc gia Tây Balkan được tổ chức tại thủ đô Sofia của Bulgaria. Đây là hội nghị thượng đỉnh thứ 2 trong 15 năm qua (lần đầu vào tháng 6/2003 tại Hy Lạp) giữa lãnh đạo EU và lãnh đạo 6 quốc gia đang nỗ lực để được kếp nạp vào EU, gồm Albania, Bosnia - Herzegovina, Kosovo, Macedonia, Montenegro và Serbia.

Liên minh châu Âu và bài toán khó Tây Balkan

Thay vì đề cập trực tiếp tới triển vọng gia nhập khối của 6 ứng viên Tây Balkan, hội nghị thượng đỉnh ngày 17/5 bàn nhiều tới tăng cường hợp tác giữa hai bên. Ảnh: Independent

Với mục tiêu tăng cường kết nối và tái khẳng định cam kết của EU đối với Tây Balkan, Hội nghị thượng đỉnh EU và Tây Balkan vừa qua được các nước này kỳ vọng sẽ tạo bước tiến mới trong quá trình đàm phán ra nhập EU. Tuy vậy, kết quả của hội nghị không như các quốc gia Tây Balkan mong muốn. Thay vì đề cập trực tiếp tới triển vọng gia nhập khối của 6 ứng viên, hội nghị này bàn nhiều tới tăng cường hợp tác giữa hai bên, bên cạnh đó là các vấn đề mà EU đang phải đối mặt, đặc biệt là thách thức nhằm duy trì thỏa thuận hạt nhân với Iran, bảo vệ các doanh nghiệp châu Âu, trong bối cảnh Mỹ đã rút khỏi thỏa thuận và đe dọa trừng phạt các doanh nghiệp châu Âu nếu tiếp tục làm ăn với Iran.

Trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh này, EU đang trong quá trình đàm phán với một số nước Tây Balkan, nhất là Serbia và Montenegro. Bên cạnh đó, trong chuyến thăm tới một số quốc gia trong khu vực này hồi tháng 3/2018, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker đã tuyên bố các quốc gia Tây Balkan có thể ra nhập EU vào khoảng năm 2025.

Các tín hiệu này có vẻ như đang tiếp thêm động lực cho các nước Tây Balkan trên con đường tiến gần với EU, một khu vực phát triển hơn về mọi mặt. Tuy nhiên, những gì đã diễn ra tại hội nghị thượng đỉnh lần 2 tại Bulgaria đã cho thấy rất rõ bản chất trong quan hệ giữa EU và các nước Tây Balkan. Triển vọng ra nhập EU của các nước Tây Balkan sẽ còn rất xa xôi với nhiều nguyên nhân.

Đầu tiên phải kể đến là sự chênh lệch về trình độ phát triển. Thành viên EU phần lớn là các nước rất phát triển, mạnh về kinh tế, mạnh về khoa học kỹ thuật và có phúc lợi xã hội tốt, đời sống người dân ở mức cao. Trong khi các nước Tây Balkan nhìn chung còn rất nghèo khó, ngoại trừ Serbia, một số khu vực thậm chí đang trong tình trạng xung đột, mâu thuẫn tôn giáo.

Tiếp đó là sự phản đối của công dân châu Âu đối với chủ trương kết nạp các nước Tây Balkan vào khối. Trong bối cảnh EU còn nhiều bất ổn về an ninh, chưa thoát khỏi hậu quả của khủng hoảng kinh tế và còn nhiều vấn đề xã hội khác, đặc biệt là người nhập cư, người dân châu Âu không muốn và sẽ khó chấp nhận để EU tham gia giải quyết các vấn đề ngoài biên giới. Đây cũng là lý do mà chưa có bất kỳ chính phủ thành viên nào của EU đưa ra bất kỳ tuyên bố hay quyết định nào về việc gia nhập các nước Tây Balkan. Chính phủ các nước này không thể đi ngược lại với những đòi hỏi của người dân.

Ngoài ra, có thể thấy, EU chưa có một chính sách rõ ràng nào với Tây Balkan, không một quốc gia nào đi đầu trong đàm phán hoặc ủng hộ các nước này gia nhập EU ngoại trừ một số lãnh đạo các thể chế của EU. Tuy nhiên, theo quy định về tổ chức hoạt động, phân cấp thẩm quyền trong EU, các vấn đề về biên giới lãnh thổ không thuộc thẩm quyền của các thể chế EU, mà nằm trong thẩm quyền của các quốc gia thành viên.

Do đó, các tuyên bố của lãnh đạo Ủy ban châu Âu hay Hội đồng châu Âu về việc sớm kết nạp các nước Tây Balkan vào năm 2025 chỉ có ý nghĩa về mặt ngoại giao, không có nhiều ý nghĩa thực tế.

Vì sao EU quan tâm nhiều đến Tây Balkan?

Thứ nhất, EU đang nỗ lực tăng cường ảnh hưởng nhằm “bình ổn” các nước Tây Balkan, giảm thiểu nguy cơ đe dọa tới an ninh của châu Âu. Các quốc gia Tây Balkan tuy không thuộc EU nhưng là vùng lãnh thổ nằm trong lòng EU, được bao quanh bởi các nước Hy Lạp, Bulgaria, Rumania, Hungary và Croatia. Đây là một khu vực luôn bất ổn từ trong quá khứ tới hiện tại.

Trong quá khứ, nơi đây là xuất phát điểm của Chiến tranh thế giới thứ I với vụ ám sát Thái tử Franz Ferdinand của đế quốc Áo – Hung năm 1914, khiến Áo – Hung tuyên chiến với Serbia. Hiện tại, khu vực này vẫn trong tình trạng xung đột. Đó là cuộc chiến giữa các nhóm “dân tộc chủ nghĩa” ở trong lòng mỗi quốc gia, hay giữa các quốc gia trong khu vực như xung đột giữa Serbia và lãnh thổ ly khai Kosovo, giữa Cộng hòa Serbia thuộc Bosnia và Herzegovina với chính quyền trung ương Sarajevo của Bosnia&Herzegovina... Bên cạnh đó, các nước Tây Balkan luôn bất ổn bởi những xung đột tôn giáo, giữa Chính thống giáo, Cơ đốc giáo, Hồi giáo…

Bất ổn tại Tây Balkan không thể làm bùng phát Chiến tranh thế giới như trong lịch sử, cũng không thể dẫn đến chiến tranh ở châu Âu nhưng trong nhận thức của lãnh đạo EU, xung đột ở khu vực này là mối đe doạ thường trực đối với các nước châu Âu, đặc biệt là các quốc gia phát triển ở phía Tây như Pháp, Đức, Anh.

Ngoài ra, EU cũng lo ngại nguy cơ các nhóm khủng bố, Hồi giáo cực đoan tận dụng bất ổn tại Tây Balkan để vùng lên, trong bối cảnh ở nhiều khu vực thuộc Tây Balkan, tư tưởng Hồi giáo cực đoan vẫn tồn tại và chiếm một vị trí quan trọng.

Có thể thấy, EU muốn giữ ổn định khu vực Tây Balkan bằng mọi giá để giữ ổn định cho chính EU. Tuy nhiên, EU không thể ổn định một khu vực đang bất ổn như Tây Balkan theo cách tương tự mà các cường quốc như Nga hay Mỹ làm ở Syria, Iraq hay Libya, tức là dùng khả năng quân sự để răn đe. Bởi lẽ, bản thân EU không phải là một tổ chức có tiềm lực quân sự. Trong các nước thành viên EU, chỉ có Anh và Pháp có quân đội đủ mạnh để can thiệp vào các khu vực nằm ngoài biên giới quốc gia (cuộc không kích vào Syria vừa qua là một ví dụ điển hình), trong khi phần lớn các thành viên còn lại hoặc không có quân đội, hoặc có lực lượng rất nhỏ, chỉ đủ để đảm bảo an ninh biên giới và nội địa.

Trong tổ chức của EU, lĩnh vực quân sự, quốc phòng thuộc thẩm quyền của mỗi quốc gia mà không thuộc thẩm quyền của liên minh châu Âu. Vì vậy, nếu muốn ổn định khu vực này bằng quân sự thì Anh, Pháp, hoặc có thể là Đức, sẽ phải đơn phương tiến hành can thiệp quân sự vào Tây Balkan. Điều này không thể xảy ra trong bối cảnh hiện nay.

Vì vậy, EU đang tìm cách bình ổn khu vực Tây Balkan bằng cách vừa kéo dài quá trình đàm phán, đưa ra nhiều hứa hẹn để các nước này chủ động cải thiện tình hình chính trị, an ninh, kinh tế, xã hội, đồng thời vừa đầu tư rất nhiều tiền để phát triển cơ sở hạ tầng (xây đường giao thông, xây các thành phố mới, cải tạo các khu phố cổ…), cải thiện an sinh xã hội với hy vọng khu vực này trở nên ổn định hơn.

Thứ hai, EU muốn giữ các nước Tây Balkan gần EU để kiềm chế sự ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, các quốc gia mà EU cáo buộc đang can thiệp, gây ảnh hưởng vào Tây Balkan, làm khu vực này bất ổn.

Đối với Nga, nước này có mối quan hệ lịch sử rất gần gũi với các nước Tây Balkan. Trong lịch sử Nga từng hỗ trợ Serbia trong cuộc chiến với Áo-Hung, dẫn đến nổ ra Chiến tranh thế giới thứ I. Gần đây, Nga đang tích cực giành lại ảnh hưởng đối với khu vực này thông qua lĩnh vực tư tưởng, tôn giáo mà trực tiếp là Chính thống giáo. Nga xây dựng các nhà thờ trong lòng châu Âu và đầu tư xây dựng rất nhiều cơ sở hạ tầng tại các nước Tây Balkan. Trong bối cảnh quan hệ châu Âu và Nga có dấu hiệu vượt quá giới hạn sau vụ đầu độc cựu điệp viên Nga tại Anh, việc Nga tăng cường ảnh hưởng lên khu vực Tây Balkan, sát vách với EU càng khiến EU lo ngại. EU cũng cáo buộc Nga tác động vào Tây Balkan, khiến châu Âu chia rẽ quan điểm với khu vực này.

Đối với Thổ Nhĩ Kỳ: Quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các nước Tây Balkan cũng mang nhiều ý nghĩa lịch sử. Thổ Nhĩ Kỳ từng xảy ra chiến tranh với các nước Tây Balkan trước khi bị các nước như Nga, Pháp hay Anh cùng Serbia đẩy ra khỏi khu vực này. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn giữ được những ảnh hưởng đáng kể tại đây, chẳng hạn tại Bosnia&Herzegovina hay khu vực phía Nam của Serbia, nơi có thành phố Novi Pazar , một khu vực của người Hồi giáo hiện được các nước như Saudi Arabia, Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ tài trợ.

Thổ Nhĩ Kỳ đang mong muốn giành lại ảnh hưởng mạnh mẽ với phần “lãnh thổ cũ” của nước này tại Tây Balkan. Chẳng hạn ở Bosnia-Herzegovina, hiện có rất nhiều nhà thờ Hồi giáo lớn được xây dựng từ nguồn kinh phí của Thổ Nhĩ Kỳ, và một phần nhỏ của Qatar. Đây là điều tương tự với những gì Thổ Nhĩ Kỳ đang làm ở Syria, một quốc gia trong quá khứ từng là lãnh thổ của Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ không tìm cách mở rộng lãnh thổ về phía Tây Balkan như đang toan tính ở Syria.

Thứ ba, EU muốn tăng ảnh hưởng lên các nước Tây Balkan để kiểm soát các vấn đề thời sự khác như dòng người nhập cư từ Trung Đông – châu Phi vượt qua Hy Lạp, tiến qua các nước Tây Balkan vào lãnh thổ của EU. Tháng 9/2015, Hungary đã từng đóng của biên giới với Serbia vì lý do người nhập cư. Bên cạnh đó, EU cũng muốn kiểm soát những đối tượng cực đoan hóa từ châu Âu sang Syria chiến đấu cho khủng bố, sau đó trở về lãnh thổ EU thông qua khu vực Tây Balkan.

Tác giả: Theo Phạm Huỳnh Điệp

Nguồn tin: http://dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây