Lịch sử sẽ không lặp lại với ông Trump

Thứ sáu - 20/12/2019 18:17
Dù bị Hạ viện bỏ phiếu luận tội, Tổng thống Donald Trump hiện tại sở hữu rất nhiều lợi thế về mặt chính trị để không bị kết tội ở Thượng viện. >> >> >>

Ngày 18-12 (giờ địa phương), Hạ viện Mỹ đã tiến hành phiên họp toàn thể để bỏ phiếu thông qua hai điều khoản luận tội Tổng thống Donald Trump mà Ủy ban Tư pháp đã đệ trình.

Bất chấp những nỗ lực của phe Dân chủ, các nghị sĩ đảng Cộng hòa đang “siết chặt hàng ngũ” tạo nên một hàng phòng thủ đảm bảo an toàn cho ông chủ Nhà Trắng.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cáo buộc các nghị sĩ đảng Dân chủ ở nước này đã “cố tình vô hiệu hóa” chiến thắng của ông trong cuộc bầu cử.

“Họ chỉ muốn nhằm vào tổng thống. Họ không hề có ý định mở một cuộc điều tra đúng cách. Họ không thể tìm thấy bất kỳ tội danh nào khác nên đã đưa ra điều khoản vô nghĩa là lạm dụng quyền lực và cản trở quốc hội - điều mà mọi chính quyền ngay từ lúc bắt đầu nhiệm kỳ đều làm” - ông Trump khẳng định.

Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cũng chỉ trích tiến trình luận tội: “Những gì diễn ra tại Washington là một điều hổ thẹn”, đồng thời nhấn mạnh đảng Dân chủ đang tìm cách luận tội Tổng thống Trump bởi họ biết họ không thể đánh bại ông Trump.

Hai phe ở Thượng viện đã sẵn sàng

Ngay từ trước khi Hạ viện Mỹ tổ chức phiên tranh luận bổ sung và tiến hành bỏ phiếu thông qua hai điều khoản luận tội mà Ủy ban Tư pháp đã đệ trình, nhiều chuyên gia đã khẳng định rằng việc ông Donald Trump bị luận tội là không thể đảo ngược khi đảng Dân chủ nắm giữ tới 325 ghế trong tổng số 435 ghế của Hạ viện, theo hãng tin CNN.

Theo Cơ quan nghiên cứu Quốc hội Mỹ, giống như việc Hạ viện thông qua một nghị quyết phác thảo các thủ tục điều tra luận tội, Thượng viện sẽ phải bỏ phiếu về cách tiếp cận họ muốn thực hiện trước khi phiên tòa bắt đầu. Quy trình này sẽ được lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mitch McConnell và lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện Chuck Schumer đàm phán. Dự đoán đây sẽ là cuộc xung đột lớn đầu tiên giữa hai đảng phái trước phiên tòa diễn ra, bởi hai nghị sĩ này đã thể hiện những quan điểm khác nhau về vấn đề này.

Lịch sử sẽ không lặp lại với ông Trump

Ông Trump và đồng minh đã sẵn sàng cho một năm 2020 đầy khó khăn. Ảnh: THE WASHINGTON POST

Đảng Dân chủ đã rất cố gắng khi triệu tập được nhiều nhân chứng để cung cấp những lời khai bất lợi cho ông Donald Trump. Nhưng trong một nền chính trị bị chi phối mạnh mẽ bởi ý thức đảng phái và khuynh hướng chính trị của nước Mỹ, việc thắng thua sẽ không phụ thuộc vào việc các chứng cứ luận tội có thuyết phục hay không mà phụ thuộc vào khả năng tập hợp phiếu của các lực lượng.

Nếu phe Dân chủ muốn “hạ bệ” tổng thống, họ phải tìm cách có được 67 phiếu tại Thượng viện - một điều gần như là không tưởng khi hiện nay phe Cộng hòa nắm giữ tới 53 ghế trong tổng số 100 ghế.

Bởi thế Tổng thống Donald Trump chẳng có gì phải lo lắng khi Thượng viện vẫn nằm trong quyền kiểm soát của phe Cộng hòa. Việc ông Donald Trump gửi bức thư cho Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi ngay trước thềm cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện, trong đó chứa đựng những ngôn từ gay gắt chỉ trích cuộc điều tra luận tội của đảng Dân chủ, gọi đây là “cuộc thập tự chinh đảng phái” nhằm “lật đổ nước Mỹ dân chủ” cũng chỉ được nhìn nhận là động thái tăng thêm tính gay cấn cho “cuộc chơi chính trị” mà đảng Dân chủ đã kích hoạt mà thôi.

Sự tín nhiệm của cử tri với Tổng thống Donald Trump được xây dựng trên nền tảng vững chắc là mức tăng trưởng kinh tế khá cao và tỉ lệ thất nghiệp của Mỹ hiện đang ở mức 3,5% - mức thấp kỷ lục trong vòng nửa thế kỷ qua.

JOSEPH FYNEthạc sĩ quản lý công thuộc ĐH Stanford (Mỹ) 

 

Lịch sử sẽ không lặp lại

Giống như ông Donald Trump, cựu tổng thống Richard Nixon cũng bị cáo buộc tìm kiếm lợi thế chính trị so với đối thủ đảng Dân chủ một cách bất hợp pháp và cuộc đột nhập vào trụ sở Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ ở Watergate đã trở thành một vụ bê bối lớn nhất trong lịch sử chính trị Mỹ.

Không chỉ giống nhau về tội danh bị cáo buộc, hai vị tổng thống đều gặp phải rắc rối ngay trong nhiệm kỳ đầu tiên, trong thời điểm quan trọng là họ đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử nhiệm kỳ hai và đều đối mặt với quy trình điều tra, luận tội do đảng Dân chủ khởi xướng, theo tờ USA Today.

Nhưng bên cạnh rất nhiều điểm giống nhau đó, chỉ cần một điểm khác biệt trong trường hợp của Tổng thống Donald Trump so với cựu tổng thống Richard Nixon đã đủ làm thay đổi lịch sử: Ông Richard Nixon buộc phải từ chức, còn ông Donald Trump thì không.

Thứ mà ông Richard Nixon không thể có nhưng ông Donald Trump lại có, đó chính là “bức tường” được thiết lập bởi các nghị sĩ Cộng hòa. Thời điểm vụ bê bối Watergate làm rúng động chính trường Mỹ, rất nhiều nghị sĩ đảng Cộng hòa đã quay lưng với tổng thống và ông Richard Nixon đã phải quyết định từ chức để tránh bị phế truất sau cuộc bỏ phiếu tại Thượng viện.

Nhưng hiện nay không có một nghị sĩ Cộng hòa nào bày tỏ ý định ủng hộ bỏ phiếu kết tội ông Donald Trump. Trong khi đảng Dân chủ phải cay đắng nhìn một số thành viên rời sang phe đối thủ sau các cuộc tranh luận nảy lửa tại Hạ viện thì phe Cộng hòa đang có sự đoàn kết tuyệt đối. Họ công khai ủng hộ ông Donald Trump, công khai gọi cuộc điều tra luận tội của phe Dân chủ là “vớ vẩn”. lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell còn khẳng định rằng Tổng thống Donald Trump “sẽ không bao giờ bị phế truất”.

Những vụ luận tội đình đám trong lịch sử Mỹ

Với việc Hạ viện Mỹ chính thức thông qua hai điều khoản luận tội, Tổng thống Donald Trump đối mặt với nguy cơ gia nhập hàng ngũ những tổng thống Mỹ từng bị Thượng viện xét xử. Trong lịch sử, việc luận tội tổng thống Mỹ mới chính thức diễn ra hai lần trong lịch sử với Tổng thống Bill Clinton năm 1998-1999 và Tổng thống Andrew Johnson vào năm 1868. Riêng Tổng thống Richard Nixon từ chức trước khi bị Thượng viện luận tội.

1. Tổng thống Andrew Johnson (nhiệm kỳ 1865-1869)

Ông Andrew Johnson là tổng thống đầu tiên trong lịch sử Mỹ bị luận tội. Ông bị cáo buộc lạm quyền khi sa thải Bộ trưởng Chiến tranh Edwin Stanton. Dù Hạ viện Mỹ bỏ phiếu thành công thông qua tiến trình luận tội, Thượng viện vẫn không bãi nhiệm do nghi ngờ động cơ của vụ việc mang màu sắc chính trị vào năm 1868. Tổng thống Andrew Johnson bảo vệ thành công với cách biệt chỉ một phiếu bầu.

2. Tổng thống Bill Clinton (nhiệm kỳ 1993-2001)

Tiến trình luận tội của Tổng thống Bill Clinton liên quan đến bê bối tình ái với thực tập sinh Nhà Trắng Monica Lewinsky và nỗ lực ngăn chặn vụ bê bối này bị bóc mẽ. Sau khi phanh phui vào năm 1998, vụ bê bối và cách ông Clinton phản ứng trước cuộc điều tra bị Hạ viện Mỹ xếp vào nhóm “tội cấp cao và khinh tội”. Dù vậy, phiên luận tội ở Thượng viện vào năm 1999 kết luận sai phạm của ông Clinton chưa đủ nghiêm trọng để bãi nhiệm. 

Theo Vĩ Cường

Pháp luật TP. HCM

Nguồn tin: http://dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây