Theo AP, các dấu tích trên đều nằm ở tỉnh Gangwon - nơi có 3 thành phố đăng cai tổ chức Thế vận hội mùa Đông Pyeongchang 2018. Khi Thế vận hội diễn ra tại đây, nhiều cổ động viên và khách du lịch đã tới tham quan những nơi mang dấu ấn của Triều Tiên để hiểu thêm về đất nước này cũng như lịch sử 7 thập niên chia cắt của hai quốc gia láng giềng. Gangwon cũng là tỉnh duy nhất của Hàn Quốc nằm dọc theo đường biên giới liên Triều - nơi được vũ trang chặt chẽ nhất thế giới hiện nay.
Biệt thự đá
Chỉ cách Khu Phi Quân sự liên Triều (DMZ) vài km, biệt thự đá gần bãi biển Hwajinpo tuyệt đẹp của Hàn Quốc từng là nơi nghỉ dưỡng của cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Nhật Thành - ông nội đương kim lãnh đạo Kim Jong-un.
Từng được gọi là Lâu đài Hwajinpo, biệt thự Kim Nhật Thành thuộc lãnh thổ Triều Tiên từ trước khi xảy ra cuộc chiến tranh liên Triều vào năm 1950. Sau khi chiến tranh kết thúc và đường biên giới được vẽ lại, ngôi biệt thự này thuộc lãnh thổ Hàn Quốc.
Một bức ảnh đen trắng được treo bên trong biệt thự Kim Nhật Thành cho thấy cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il, cha của ông Kim Jong-un, từng ngồi trên những bậc thềm bằng đá khi còn nhỏ. Một bức ảnh khác chụp cậu bé Kim Jong-il đứng cạnh em gái Kim Kyong-hui, một người bạn Liên Xô và hai người bạn Triều Tiên chưa rõ danh tính.
Hàn Quốc ban đầu cho phép các tướng lĩnh quân đội sử dụng biệt thự Kim Nhật Thành làm khu nghỉ dưỡng, sau đó biến nơi này thành địa điểm du lịch vào năm 1999. Biệt thự này thường thu hút khoảng 5.000 khách tham quan mỗi ngày vào mùa hè và 500 khách mỗi ngày vào mùa đông. Tuy nhiên, vào thời điểm diễn ra Thế vận hội mùa Đông năm nay, số khách ghé thăm biệt thự Kim Nhật Thành tăng vọt thêm vài trăm người mỗi ngày.
“Khi nhìn vào ngôi biệt thự, tôi đã nghĩ về mong ước thống nhất Hàn - Triều và cảm thấy xúc động vì điều đó. Tôi hy vọng nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ từ bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân của ông ấy sau Thế vận hội Pyeongchang”, ông Keum Hyo-kil, 77 tuổi, cho biết trong lúc cùng gia đình tới thăm biệt thự Kim Nhật Thành sau khi theo dõi trận thi đấu trượt băng Olympic vài ngày trước đó.
Nhiều khách tham quan nói rằng Hàn Quốc nên bảo tồn ngôi biệt thự này như một di tích lịch sử cho các thế hệ trẻ. Trước đó, từng có một nhóm các nhà hoạt động chống Triều Tiên dọa cho nổ tung biệt thự Kim Nhật Thành. Một số người khác cũng tìm cách phá hỏng bức ảnh chụp cố lãnh đạo Kim Jong-il được treo trên tường gần bậc thềm, nhưng bức ảnh được nhìn thấy gần đây hoàn toàn lành lặn và không có vết xước.
Vào năm 2000, khi Bộ trưởng Văn hóa Hàn Quốc Park Jie-won tới thăm Triều Tiên, ông đã tặng cho cố lãnh đạo Kim Jong-il một album gồm những bức ảnh chụp biệt thự Kim Nhật Thành. Theo lời kể của ông Park, hiện là một chính trị gia đối lập, ban đầu ông Kim vờ như không nhận ra hình ảnh của ông tại ngôi biệt thự này, nhưng sau đó, nhà lãnh đạo Triều Tiên đã hồi tưởng lại quãng thời gian thơ ấu tại đây.
Tàu ngầm
Hàn Quốc hiện vẫn trưng bày một tàu ngầm của Triều Tiên ở Công viên Thống nhất ven biển tại thành phố Gangneung - nơi diễn ra một số môn thi đấu của Thế vận hội mùa Đông.
Vào năm 1996, tàu ngầm dài 35m này từng bị mắc cạn khi đang thực hiện hoạt động gián điệp trong khu vực. Sau khi xác định mức độ hư hại của con tàu nặng đến mức không thể sửa chữa, 26 thành viên thủy thủ đoàn đã bỏ xác con tàu ở lại, sau đó vượt qua những dãy núi gồ ghề với dày đặc cây rừng để tìm đường về Triều Tiên.
Tuy nhiên, một tài xế taxi đã phát hiện ra con tàu mắc cạn của Triều Tiên và báo cho các nhà chức trách Hàn Quốc. Sau đó, một cuộc săn lùng kéo dài 49 ngày đã diễn ra, bao gồm những cuộc đấu súng với các binh sĩ Triều Tiên đang tìm cách tháo chạy về nước. Cuối cùng, 24 binh sĩ Triều Tiên đã bị bắn chết hoặc được tìm thấy đã chết, một người bị bắt giữ còn người thứ 26 vẫn mất tích. Cuộc săn lùng cũng khiến 17 binh sĩ Hàn Quốc thiệt mạng.
Ngày nay, khách tham quan được yêu cầu đội mũ bảo hiểm màu vàng trước khi bước vào con tàu chật chội với trần thấp của Triều Tiên.
“Nó quá chật chội ở bên trong tàu ngầm. Tôi không biết bằng cách nào họ có thể ở được trong này”, Hong Sun-kee, khách tham quan 47 tuổi, cho biết.
Tại Công viên Thống nhất, Hàn Quốc cũng trưng bày một tàu bằng gỗ từng được 11 người Triều Tiên sử dụng để đào tẩu sang Hàn Quốc bằng đường biển năm 2009. Ngoài ra, một tàu chiến nặng 3.471 tấn của Hàn Quốc cũng được trưng bày tại công viên này.
Đài quan sát
Nằm ở phía nam DMZ, Đài quan sát Thống nhất là một trong những điểm cực bắc của Hàn Quốc - nơi người dân có thể tới và phóng tầm mắt sang Triều Tiên. Ngoài đường cao tốc ven biển dẫn tới đài quan sát này, khách tham quan cũng có thể thấy một hàng rào dây thép gai được dựng lên để ngăn chặn các đặc vụ Triều Tiên xâm nhập.
Từ Đài quan sát Thống nhất, khách tham quan có thể nhìn thấy một phần Núi Kim cương của Triều Tiên - nơi hai nước từng xây dựng một dự án du lịch chung trong thời kỳ hòa hoãn. Tuy nhiên dự án này bị đình chỉ sau khi một binh sĩ Triều Tiên bắn chết một khách tham quan Hàn Quốc tới thăm khu du lịch vào năm 2008.
Nhiều khách du lịch khi tới đài quan sát đã buộc những dây ruy băng lên các thanh lan can với thông điệp kêu gọi hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, cầu chúc cho Thế vận hội thành công cũng như mong muốn sức khỏe cho cả gia đình.
“Thật buồn khi chúng tôi không thể tới Triều Tiên dù Triều Tiên nằm ở ngay đây. Tôi ước mối quan hệ Hàn Triều sẽ tốt đẹp hơn một chút sau những dịp Thế vận hội như thế này. Tôi thực sự muốn đến thăm Núi Kim cương. Đó là một nơi rất đẹp”, Ha Go-eun, sinh viên 18 tuổi, chia sẻ khi đi cùng các bạn tới dự Thế vận hội ở Gangwon.
Cách đó không xa, một vũ công đang biểu diễn tiết mục tượng trưng cho một con chim bị mắc kẹt bên trong những chiếc ruy băng nhiều màu và một chiếc lưới giả định.
“Tôi muốn thể hiện hình ảnh một con chim muốn bay tới bất kỳ đâu nó muốn mà không có bất kỳ giới hạn nào”, vũ công Doyu, 48 tuổi, nói về bài biểu diễn của mình.
Tác giả: Thành Đạt
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn