Gần đây, việc lấy cắp kỹ thuật đã thành một chiến lược phát triển quân sự, diễn ra ngày càng mạnh mẽ; trong đó có những thủ đoạn lấy cắp khiến tình báo các nước phải ngạc nhiên, kinh hãi…
Ra văn kiện bộc lộ phương án lấy cắp kỹ thuật
Tháng 1/2018, nhiều cơ quan báo chí phát hiện: Trong bộ phim tuyên truyền chính thức của Cty Hàng không Hồng Đô, dưới cánh loại máy bay L-15 của Viện bay thử nghiệm Trung Quốc có treo loại bom thông minh mới do Trung Quốc sản xuất, trên thân ghi TL-20/CK-G. Giới chuyên gia quân sự nước ngoài lập tức chú ý và thấy nó giống y chang loại bom thông minh GBU-53/B thế hệ 2 kích thước nhỏ hơn (SBD-II) mới được đưa vào trang bị cho không quân Mỹ.
Tháng 3/2017, loại chiến đấu cơ J-20 chính thức được đưa vào biên chế không quân Trung Quốc, mấy năm trước giữa Mỹ và Trung Quốc đã nổ ra cuộc tranh cãi xung quanh việc J-20 có làm nhái chiến đấu cơ tàng hình F-35 hay không và đã “khẩu chiến” gay gắt bởi hình dáng chúng rất giống nhau. Năm 2014, Mỹ lần lượt bắt giữ 2 công dân Trung Quốc làm việc tại một nhà máy Mỹ do liên quan đến việc lấy cắp kỹ thuật động cơ và kỹ thuật chế tạo F-35.
Tạp chí “Strategy Page” (Trang chiến lược) của Mỹ sau đó đã đăng bài: “Tình báo – Trung Quốc cần mọi thứ”, trong đó viết: “Trong tình huống Trung Quốc dốc sức để có được mọi thông tin chi tiết về máy bay chiến đấu F-35, bạn có thể hiểu vì sao J-20 lại giống F-35 đến thế!”.
Giới quan sát cũng chú ý thấy, sau khi các máy bay không người lái (UAV) của Mỹ được tung ra chiến trường, tại các cuộc triển lãm hàng không của Trung Quốc lập tức xuất hiện các mô hình UAV với hình dạng giống UAV của Mỹ một cách kinh ngạc. Hành vi lấy cắp kỹ thuật phương Tây để phát triển vũ khí công nghệ cao của mình mấy năm qua đã khiến các nước đề cao cảnh giác.
Trung Quốc có được kỹ thuật phóng máy bay trên tàu sân bay từ Anh
Các lĩnh vực kỹ thuật cao như trí tuệ nhân tạo có tác dụng cực kỳ quan trọng đối với việc phát triển công nghiệp quân sự. Việc nắm giữ các phần mềm thông tin tình báo, trang bị kỹ thuật UAV tự chủ và xe tự hành đều giúp nâng cao sức chiến đấu của người lính. Gần đây, Trung Quốc đã phát động tiến công toàn diện để giành được những kỹ thuật cao đó.
Tháng 7/2017, Quốc Vụ viện Trung Quốc ra “Thông tri về quy hoạch phát triển trí tuệ nhân tạo thế hệ mới”, nêu rõ: Trí tuệ nhân tạo là tiêu điểm mới trong cuộc cạnh tranh quốc tế, là kỹ thuật có tính chiến lược dẫn dắt tương lai; phải coi phát triển trí tuệ nhân tạo lên “tầm cao chiến lược quốc gia”, “bố cục hệ thống”, “chủ động vạch kế hoạch”, tạo ra ưu thế cạnh tranh mới.
Mặt khác, Trung Quốc cũng thừa nhận thực tế trình độ khoa học kỹ thuật của họ còn có một khoảng cách với các quốc gia phát triển, thiếu những thành quả phát minh; trong đó có khoảng cách khá lớn về lý luận cơ sở, tính toán hạt nhân và thiết bị then chốt, chip cao cấp, phần mềm...; giữa cơ quan nghiên cứu khoa học và xí nghiệp chưa hình thành được môi trường và liên kết xâu chuỗi có sức ảnh hưởng quốc tế; thiếu bố cục nghiên cứu có tính hệ thống; nhân tài về trí tuệ nhân tạo còn lâu mới đáp ứng được nhu cầu…
Trước tình hình trên, “Thông tri…” đã tự bộc lộ một số sách lược để đoạt lấy kỹ thuật nhạy cảm từ nước ngoài, có thể tổng hợp gồm 4 loại: 1) Nhà nước khuyến khích các xí nghiệp trí tuệ nhân tạo trong nước ra ngoài thực hiện sáp nhập, đầu tư mua cổ phần, đầu tư khởi nghiệp với các xí nghiệp cùng loại ở nước ngoài hoặc thành lập các trung tâm nghiên cứu phát triển ở hải ngoại; 2) Thu hút các xí nghiệp trí tuệ nhân tạo, cơ quan nghiên cứu của nước ngoài đến Trung Quốc mở trung tâm nghiên cứu khai thác;
3) Mở ra con đường chuyên biệt, thực thi chính sách đặc biệt, đẩy mạnh nhập khẩu nhân tài trí tuệ nhân tạo cao cấp; lợi dụng các kế hoạch nhân tài như “Kế hoạch ngàn người” hiện có, tăng cường công tác nhập khẩu nhân tài ưu tú trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo; 4) Ủng hộ các xí nghiệp về trí tuệ nhân tạo trong nước hợp tác với các nhà trường. viện nghiên cứu, tổ chức hàng đầu về lĩnh vực trí tuệ nhân tạo quốc tế.
Hãng chế tạo máy bay Cirrus Aircraft của Mỹ bị Trung Quốc thu mua
Một số quốc gia phương Tây phát hiện, 4 sách lược trên trong khi vận hành thực tế đã tạo ra con đường để lấy cắp khoa học kỹ thuật cao cho Trung Quốc.
Ủng hộ thu mua các xí nghiệp kỹ thuật công nghệ cao của nước ngoài
Năm 2008, Trung Quốc hưởng “trái ngọt” khi mua một công ty khoa học kỹ thuật cao của Anh vì nó giúp cho Trung Quốc giành được đột phá quan trọng trong công trình đóng tàu sân bay. Kỹ thuật chế tạo máy phóng điện từ (EMALS) nhiều năm qua là tiêu điểm cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc. Mỹ là nước đầu tiên nghiên cứu chế tạo thành công thiết bị này, hiện đã lắp đặt nó trên tàu sân bay hạt nhân lớp Ford.
Theo truyền thông Trung Quốc, họ đã giành được thành tựu có tính chất cột mốc lịch sử trong việc chế tạo tàu sân bay. Năm 2017, loại máy bay cất cánh trên hạm chủ chốt J-15 đã bước vào thử nghiệm phóng máy bay, cho thấy kỹ thuật EMALS đã giành được bước đột phá lớn. Việc chế tạo EMALS cần đến loại linh kiện bán dẫn then chốt - con chip gọi là IGBT.
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) ngày 19/11/2017 tiết lộ: Nguyên nhân quan trọng khiến Trung Quốc giành được đột phá trọng đại về kỹ thuật EMALS là họ đã tự sản xuất được chip IGBT, có được sau khi thu mua Cty bán dẫn Dynex Semiconductor của Anh. Năm 2008, xí nghiệp quốc doanh Điện khí Thời Đại Chu Châu thu mua 75% cổ phần của Dynex Semiconductor.
Một năm sau, IGBT đã bị chính phủ Anh đưa vào danh sách quản chế cấm xuất khẩu, coi đó là nội dung chấp hành Điều lệ 428/200 của Hội đồng châu Âu, các vật phẩm thuộc loại này đều được coi là chiến lược, phải có giấy phép xuất khẩu mới được đưa ra khỏi lãnh thổ Anh. Theo báo chí thì Trung Quốc đã xây dựng một nhà máy sản xuất IGBT quy mô lớn ở Chu Châu. Ông Dennis Blair, Chủ tịch Ủy ban chống xâm hại quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ hôm 9/1/2018 khi điều trần trước Ủy ban đầu tư ra nước ngoài (CFIUS) đã nói:
Mối đe dọa hiện hành là “Trung Quốc đã chuyển từ nhắm vào việc chiếm đoạt kỹ thuật thứ cấp trước đây sang kỹ thuật tiên tiến nhất”, chủ yếu thông qua đầu tư đến Mỹ để lấy cắp kỹ thuật quân sự, hoặc tìm cách đoạt lấy những kỹ thuật quan trọng đó từ các nước đồng minh của Mỹ.
Máy bay không người lái CH-4 bị coi là nhái theo UAV Predator của Mỹ
Bộ trưởng Thương mại Mỹ, ông Wilbur Ross hôm 15/8/2017 viết bài đăng trên “Thời báo Tài chính”, tiết lộ: Trung Quốc tích cực tìm kiếm những công ty có kỹ thuật tiên tiến mà họ đang thiếu, sau đó coi những công ty đó là mục tiêu. Mục đích là đoạt lấy kỹ năng và tri thức của họ. Chiến lược đầu tư mà Trung Quốc sử dụng là: nếu phát hiện thấy công ty Mỹ có kỹ thuật mới, liền tìm cách đầu tư vào với những điều kiện tốt hơn thị trường. Nhân tố đầu tiên của việc đầu tư họ tính đến không phải là thu hồi vốn hay lãi suất mà là chiếm hữu kỹ thuật mới để sử dụng vào mục đích khác.
Trung tâm nghiên cứu Trung Quốc Mercator Institute for China Studies có trụ sở ở Đức công bố một bản báo cáo, viết: “hầu như tất cả các xí nghiệp bán dẫn lớn của Mỹ đều nhận được yêu cầu đầu tư từ các cơ quan, chủ thể đại diện của chính phủ Trung Quốc”.
Có rất nhiều xí nghiệp Trung Quốc có mục đích thu mua xí nghiệp nước ngoài. Sáu năm qua Tập đoàn công nghiệp hàng không Trung Quốc (Trung Hàng) công ty mẹ của Tập đoàn công nghiệp hàng không Thành Đô – nơi chế tạo máy bay chiến đấu J-20, đã ra sức thu mua các xí nghiệp sản xuất linh kiện chế tạo máy bay của Mỹ.
Năm 2011, Trung Hàng thông qua một công ty con thu mua được hãng Cirrus Aircraft, nay họ có cơ hội can dự vào công tác nghiên cứu khai thác của Phòng thí nghiệm nổi tiếng Oak Ridge National Laboratories (ORNL). Một trường hợp khác, Công ty Canyon Bridge Capital Partners ở California hồi tháng 11/2016 tuyên bố bỏ ra 1,3 tỷ USD mua lại xí nghiệp chế tạo bán dẫn Lattice Semiconductor Corp; nhưng nhà đầu tư duy nhất của Canyon Bridge Capital Partners là một công ty quỹ có bối cảnh chính phủ Trung Quốc nên vụ thu mua này đã bị ông Donald Trump bắt dừng.
Sau khi bị thất bại trong phi vụ này, tháng 9/2017, Canyon Bridge Capital Partners quay sang mua Công ty Imagination Technologies chuyên chế tạo chip bán dẫn của Anh vào tháng 11/2017.
Tác giả: Theo Lan Hương
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn