Đối với Tổng thống Mỹ Donald Trump, những chỉ số của nền kinh tế đóng vai trò then chốt nhất cho việc giữ ghế trong kỳ bầu cử vào năm 2020.
Tuy nhiên, cả mô hình “Nowcast” của ngân hàng Cục Dự trữ Liên bang New York và mô hình “GDPNow” của ngân hàng Cục Dự trữ Liên bang Atlanta đều dự đoán rằng tăng trưởng kinh tế của Mỹ sẽ chậm lại đến mức gần bằng không trong suốt quý IV năm 2019. Cả hai mô hình đều sử dụng các con số thống kê gần nhất lấy từ các cơ quan chính phủ để dự đoán tăng trưởng GDP nói chung.
Cục Dự trữ Liên bang New York dự báo con số này là 0,4% còn Cục Dự trữ Liên bang Atlanta đưa ra một con số còn thấp hơn, ở mức 0,3%. Việc cả hai ngân hàng đưa ra con số gần giống nhau như vậy là rất hiếm và mức giảm tốc từ 1,9% trong quý III xuống còn 0,3%-0,4% là rất đáng báo động.
18 tháng trước, chính quyền tổng thống Trump đã dùng dự báo của Cục Dự trữ Liên bang Atlanta như là bằng chứng cho sự thành công về mặt kinh tế dưới thời ông Trump. Bộ trưởng Tài chính Steve Mnuchin nói với CNBC vào tháng 6 năm 2018, lúc đó FED Atlanta dự đoán kinh tế Mỹ tăng trưởng 4,7%. “Tôi không biết liệu nó có cao như vậy không nhưng chúng ta có một nền kinh tế mạnh nhờ vào chính sách thuế và sự dỡ bỏ nhiều quy định của tổng thống.”
Hiện tại, chính quyền đã không còn nói gì về dự báo hiện tại của FED Atlanta về mức tăng trưởng GDP chỉ dừng ở mức 0,3%.
Tăng trưởng GDP giảm xuống do các doanh nghiệp hủy bỏ kế hoạch đầu tư vốn để đối phó với tình trạng không chắc chắn trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Đây là hậu quả của cuộc chiến thuế quan Mỹ Trung và đe dọa cấm xuất khẩu công nghệ cho các công ty Trung Quốc của ông Trump. Trong bối cảnh đó, chi tiêu tiêu dùng của người dân Mỹ đã giúp duy trì tăng trưởng kinh tế. Do chỉ đóng góp 12% vào tổng GDP, sự sụt giảm sản xuất không đủ để đẩy toàn bộ nền kinh tế vào suy thoái.
Tuy nhiên giờ đây dự báo mới của FED chỉ ra rằng người tiêu dùng Mỹ sắp cạn tiền. Nếu chính quyền ông Trump hiện thực hóa mối đe dọa áp thêm 25% thuế đối với 160 tỉ USD hàng nhập khẩu của Trung Quốc, bao gồm hầu hết các thiết bị điện tử tiêu dùng, nền kinh tế Mỹ có thể sẽ rơi vào ngưỡng suy thoái trong năm 2020.
Với thâm hụt ngân sách 1.000 tỉ USD, nền kinh tế Mỹ đã kích đủ cầu để giữ mức tăng trưởng GDP gần 2% trong hai quý vừa qua. Nhưng tiêu dùng có dấu hiệu sụt giảm. Doanh số bán lẻ chỉ tăng ở mức dưới 1% (sau khi đã trừ lạm phát) - không đủ để thúc đẩy nền kinh tế.
Doanh số bán ô tô đã bị âm trong hầu hết năm 2019. Tiêu thụ sản phẩm cao cấp cũng sụt giảm.
Một phần lý do cho sự tăng trưởng yếu trong doanh số bán lẻ đó là vì người tiêu dùng đang tiết kiệm một tỉ lệ lớn hơn trong thu nhập của họ. Tỷ lệ tiết kiệm cá nhân đã tăng từ 6% - thời điểm ông Trump lên làm tổng thống, lên khoảng 8,5%.
Việc người tiêu dùng Mỹ tăng tỉ lệ tiết kiệm cũng phù hợp với xu hướng ảm đạm trong thị trường lao động. Tỉ lệ người Mỹ tin rằng việc làm sẽ nhiều hơn trong sáu tháng kể từ mức đỉnh điểm năm 2017 là 24% đã giảm còn 16% ở thời điểm hiện tại, gần với những năm tăng trưởng chậm chạp của chính quyền cựu tổng thống Obama. Ngoài ra, thay vì chấp nhận rủi ro nhảy việc có mức lương cao hơn, nhiều người Mỹ chọn giữ công việc hiện tại của họ.
Trong khi đó, đầu tư nội địa đã giảm mạnh xuống mức âm trong quý III.
Theo Nguyệt Ánh
Pháp luật TP.HCM
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn