Kính râm và máy bay chiến đấu quân sự dường như không có điểm gì chung, nhưng chúng không thể trở thành các sản phẩm hoàn thiện nếu thiếu các bu lông, ốc vít.
Thường được gọi chung là ốc vít, các phụ kiện cơ bản này không được chú ý lắm nhưng lại không thể thiếu trong các hoạt động công nghiệp, từ đóng bàn, ghế cho tới chế tạo tàu vũ trụ hay xây cầu vượt biển. Tại Trung Quốc, chúng được ví như cơm, vốn không thể thiếu trong mỗi bữa ăn hàng ngày.
Theo SCMP, nếu so sánh ốc vít với cơm thì quận Vĩnh Niên thuộc thành phố Hàm Đan ở tỉnh Hà Bắc, miền trung Trung Quốc, được ví như “vựa lúa”. Nằm cách thủ đô Bắc Kinh khoảng 450km về phía nam, quận Vĩnh Niên sản xuất và bán hơn một nửa số ốc ít được sử dụng trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng tại Trung Quốc mỗi năm.
Nhu cầu ốc vít tại Vĩnh Niên phần nào phản ánh “sức khỏe” của các ngành công nghiệp đầu ra, cũng như những biến động về nền kinh tế tại Trung Quốc và nhiều quốc gia trên khắp thế giới.
Kinh tế đi xuống, đơn hàng giảm
“Nhìn chung, số lượng đơn đặt hàng của chúng tôi trong năm nay đã giảm so với năm ngoái”, Zhao Yubo, Chủ tịch Hiệp hội sản xuất ốc vít tỉnh Hà Bắc và cũng là tổng giám đốc nhà máy Feida tại Vĩnh Niên, cho hay.
Ông Zhao nói thêm, mặc dù nhu cầu ốc vít từ các công ty xây dựng vẫn ổn định nhưng các hãng chế tạo máy đã giảm các đơn đặt hàng.
Ngành công nghiệp chế tạo tại Trung Quốc đã găp khó khăn hầu như cả năm nay, khi tốc độ sản xuất công nghệp trong tháng 10 đã giảm xuống mức thấp thứ 2 trong hơn 17 năm qua. Mặc dù chỉ số chế tạo đã tăng trở lại vào tháng 11, lần đầu tiên trong 6 tháng qua, nhưng vẫn còn quá sớm để nói rằng liệu lĩnh vực này đã thoát đáy hay chưa, do lợi nhuận của các hãng chế tạo tại Trung Quốc đã giảm 4,9% trong thời gian từ tháng 1-10 so với cùng kỳ năm ngoái, theo số liệu của Cục thống kê quốc gia Trung Quốc.
Các công ty tại Vĩnh Niên đã báo cáo các con số lợi nhuận khác nhau, trong bối cảnh sự phát triển kinh tế trong nước chậm lại và những khó khăn trên thế giới.
Giữa lúc chiến tranh thương mại với Mỹ kéo dài, chính phủ Trung Quốc đã đầu tư nhiều hơn cho các dự án cơ sở hạ tầng để thúc đẩy tăng trưởng.
Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tiếp diễn 18 tháng qua đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu của Trung quốc. Trong khi chính phủ Trung Quốc đưa ra các biện pháp kích thích mạnh mẽ nhằm thúc đẩy mức tăng trưởng đang thấp kỷ lục, nước này cũng khuyến khích các khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng bằng cách nới nỏng các quy định về tài chính đối với các quỹ chính quyền địa phương và hạ bớt các yêu cầu về vốn đối với các dự án.
Mặc dù vậy, các ông chủ tại Vĩnh Niên đều nói rằng chiến tranh thương mại không tác động lớn và trực tiếp đối với các công ty của họ, và rằng các sức ép mà khoảng 1.600 công ty sản xuất ốc vít tại Vĩnh Niên đang đối mặt chủ yếu xuất phát từ trong nước.
Cạnh tranh gay gắt
Trên con đường trở thành những người đứng đầu trong ngành sản xuất ốc vít tại Trung Quốc, các công ty tại Vĩnh Niên cũng đang phải cạnh tranh với các đối thủ ở miền nam nước này do các công ty này ở gần các nhà máy thép lớn, vốn cung cấp nguồn nguyên liệu thô.
Quận Vĩnh Niên có khoảng 340.000 người làm việc trong ngành sản xuất ốc vít, chiếm khoảng 1/3 dân số. Trong số 1.600 công ty sản xuất ốc vít, có khoảng 200 công ty có doanh thu trên 100 triệu nhân dân tệ (14 triệu USD).
Nhưng sự tập trung của quá nhiều công ty đã dẫn tới một cuộc cạnh tranh ngày càng gay gắt, khiến một số công ty phải tìm cách đầu tư sang các sản phẩm mới.
“Vĩnh Niên là nơi có nhiều người rất khéo. Mỗi khi có một sản phẩm mang lại lợi nhuận thì tất cả mọi người đều sản xuất. Nếu chúng tôi đầu tư vào một sản phẩm mới có lợi nhuận thì chỉ trong chưa đầy 2 tháng các công ty khác cũng nhảy vào”, Zhao Heng, tổng giám đốc công ty ốc vít Hengcheng, một trong những công ty địa phương lớn nhất, cho biết.
Một công ty lớn khác là Yanzhao cho hay giá cũng xuống rất thấp do cuộc cạnh tranh giữa các công ty rất quyết liệt.
“Thị trường trong nước về cơ bản đã bão hòa”, Chen Yongke, tổng giám đốc của công ty Yanzhao, nói. “Không có sự gia tăng lớn về các đơn đặt hàng trong nước, trong khi viễn cảnh công nghiệp không có gì sáng sủa”.
Tồi tệ hơn là xuất khẩu cũng giảm. Việc làm ăn với các công ty Hàn Quốc, vốn là nằm trong số những khách hàng truyền thống của Vĩnh Niên, cũng suy giảm.
Điều đó khiến các công ty phải tăng gấp đôi nỗ lực nhằm tìm kiếm các thị trường mới ở nước ngoài, trong đó trọng tâm hiện thời là Đông Nam Á.
Người quận Vĩnh Niên đã di cư tới các thành phố khắp Trung Quốc để mở rộng kinh doanh. Mặc dù công ty Hengcheng đã bị giảm xuất khẩu nhưng vẫn tăng gấp đôi đội ngũ tiếp thị lên gần 20 người trong năm nay để tìm kiếm các thị trường mới và cũng có kế hoạch cử các đại diện tới Mexico và Brazil vào năm 2020.
Yêu cầu ngày càng khắt khe về môi trường
Một trong những trở ngại khác mà các công ty sản xuất phụ kiện tại Vĩnh Niên phải đối mặt là các quy định chặt chẽ hơn về môi trường, khiến nhiều công ty phải giảm năng lực sản xuất và do đó có nguy cơ mất khách.
“Trước đây, tất cả 100 máy của chúng tôi có thể hoạt động 24/24, nhưng giờ đây, chúng tôi chỉ có thể bật 50 máy và cho chúng hoạt động luân phiên trong 12 giờ”, ông Zhao nói, phàn nàn về các cảnh báo chất lượng không khí.
Quy định chặt chẽ hơn về môi trường đã khiến nhiều công ty tại Vĩnh Niên gặp khó khăn. Quận công nghiệp nằm tại tỉnh Hà Bắc, vốn là địa phương liên tiếp đứng đầu bảng xếp hạng ô nhiễm không khí tại Trung Quốc.
Trước một khu vực thương mại có khoảng 7.624 cửa hàng ở phía bắc quận Vĩnh Niên, các xe tải được nhìn thấy liên tiếp tưới nước để dập bụi gần các thiết bị giám sát không khí.
Luật môi trường cũng làm tiêu tan giấc mơ của Vĩnh Niên nhằm thiết lập một trung tâm sản xuất bao gồm tất cả các phần của chuỗi công nghiệp đinh ốc.
Một hãng chế tạo đinh ốc động cơ có trụ sở tại Thượng Hải, chuyên cung cấp sản phẩm cho các hãng chế tạo ô tô của Mỹ như Ford và General đã hủy các kế hoạch xây dựng một nhà máy tại Vĩnh Niên do lo ngại về các chính sách đất đai và môi trường địa phương.
An Bình
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn