Khoảnh khắc mặt đất “hóa lỏng” cuốn phăng nhà cửa Indonesia nhìn từ vệ tinh
Dailymail đưa tin, Cơ quan Giảm thiểu Rủi ro Thiên tai Quốc gia Indonesia ngày 6/10 cho biết số người thiệt mạng do thảm họa kép động đất/sóng thần tại Sulawesi ngày 28/9 đã tăng lên 1.649 người. Hàng nghìn người được cho là vẫn đang mất tích dưới lòng đất sâu.
Một đoạn video ghi lại hình ảnh vệ tinh trong giờ khắc thảm họa tự nhiên diễn ra cho thấy sự tàn phá triệt để, nghiêm trọng và nhanh chóng. Mặt đất “hóa lỏng” cuốn phăng đi toàn bộ mọi chướng ngại vật, dìm xuống bùn lầy. Chỉ trong thời gian ngắn, toàn bộ một ngôi làng ở khu Balaroa và Petobo đã biến thành một bãi đất hoang dù trước đó là khu dân cư với hàng nghìn ngôi nhà.
Các quan chức cho biết khu vực bị tàn phá nghiêm trọng nhất sẽ được coi là mộ tập thể cho các nạn nhân không may mắn. Các nhân viên cứu hộ đã được tiêm phòng đầy đủ để tránh rủi ro bị mắc bệnh truyền nhiễm. Hy vọng tìm thấy những người sống sót gần như không còn.
Khu vực Petobo và Balaroa xuất hiện trong đoạn video đã biến mất hoàn toàn trên bản đồ. Các quân nhân đeo khẩu trang để tránh bị “sốc” vì mùi tử thi phân hủy bốc lên từ những đống gạch vụn đổ nát.
Theo thống kê của Liên Hợp Quốc, còn ít nhất 200.000 người cần được cứu trợ ở thời điểm hiện tại để đảm bảo điều kiện sống cơ bản.
Sáng hôm qua 6/10, các chuyên gia cứu hộ Pháp đã bắt đầu mở rộng tìm kiếm ở khu vực ngoại thành Palu, trong khi lực lượng không quân Nhật Bản điều máy bay vận tải cùng đồ tiếp tế tới Indonesia.
Anh cũng đưa máy bay RAF A400M và các chuyên gia quân sự tới hỗ trợ công cuộc cứu nạn.
Hàng trăm thi thể được cho là vẫn đang phân hủy dưới bùn. Trong tình trạng bệnh viện quá tải và thiếu nhân lực trầm trọng, mối lo dịch bệnh bùng phát là quan ngại hàng đầu của Indonesia lúc này.
Chính quyền cho biết họ sẽ lấy vân tay và chụp hình ảnh các nạn nhân, sau đó mang đi chôn tập thể tức khắc, đảm bảo những người này không chết trong hoàn cảnh không thể xác định được danh tính.
Thảm họa kép cuối tuần trước có thể coi là thảm họa tồi tệ nhất ở Indonesia kể từ năm 2004 khi sóng thần khiến hơn 230.000 người ở 14 quốc gia thiệt mạng, trong đó chủ yếu ở đảo Sumatra, phía tây Indonesia.
Tác giả: Đức Hoàng
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn