Tổng thống Tayyip Erdogan phát biểu tại một cuộc họp báo tại Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ - Ảnh: Reuters |
Theo hãng tin Reuters, những kỳ vọng trở thành thành viên Liên minh châu Âu (EU) của Thổ Nhĩ Kỳ dường như đang trở nên xa xôi hơn bao giờ hết sau 11 năm đàm phán.
Các nhà lãnh đạo châu Âu tỏ ra hết sức lo ngại và đã chỉ trích gay gắt về thực trạng đáng báo động liên quan tự do dân chủ ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Về phía mình, Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng cảm thấy mệt mỏi hơn trước điều mà họ xem như là cung cách tỏ ra chiếu cố, ban ơn của phương Tây.
Báo Hurriyet của Thổ Nhĩ Kỳ dẫn lời ông Erdogan trả lời báo giới khi trên máy bay trở về nước sau chuyến công du tới Pakistan và Uzbekistan: "Thổ Nhĩ Kỳ phải cảm thấy nhẹ nhõm. Chúng tôi sẽ không phải nói là chúng tôi cần gia nhập EU bằng mọi giá, đó là quan điểm của tôi. Tại sao Thổ Nhĩ Kỳ không là thành viên của Nhóm Thượng Hải 5 chứ? Tôi đã nói điều này với tổng thống Nga Putin, với tổng thống Kazakhstan Nazarbayev, hai quốc gia hiện đang thuộc Nhóm Thượng Hải 5".
Trung Quốc, Nga và 4 quốc gia Trung Á khác là Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan đã thành lập Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) năm 2001 như một khối hợp tác an ninh khu vực nhằm đối phó với các nguy cơ từ chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan và nạn buôn bán ma túy từ Afghanistan.
Nếu Thổ Nhĩ Kỳ trở thành thành viên của SCO, điều này sẽ khiến các đồng minh phương Tây cũng như các quốc gia khác cùng thuộc NATO với họ lo ngại.
Ba nước Kazakhstan, Kyrgyzstan và Uzbekistan cùng thuộc nhóm ngôn ngữ Turkic. Năm 2013 Ankara đã đăng ký là "đối tác đối thoại" của SCO vì cho rằng họ "chia sẻ số phận chung" với các quốc gia thành viên của khối này.
Mông Cổ, Ấn Độ, Iran, Pakistan và Afghanistan là các quan sát viên tại SCO. Giống như Thổ Nhĩ Kỳ, Belarus cũng là một đối tác đối thoại của khối này.
Các đối tác đối thoại có quyền tham dự hội nghị cấp bộ trưởng và một số cuộc họp khác của SCO nhưng không có quyền bỏ phiếu.
Tuần trước ông Erdogan kêu gọi người dân trong nước nên bình tĩnh chờ tới cuối năm nay về mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với châu Âu. Ông Erdogan cũng nói có thể sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân về việc trở thành thành viên EU vào năm 2017.
Trong khi đó EU vẫn đang hành xử rất thận trọng với Thổ Nhĩ Kỳ. Họ cần Ankara tiếp tục giúp đỡ trong việc ngăn cản dòng người nhập cư đổ vào châu Âu, nhất là từ Syria.
Tuy nhiên mặt khác họ cũng lo ngại trước chiến dịch thanh trừng hậu đảo chính của tổng thống Erdogan. Hơn 110.000 người đã bị sa thải hoặc đình chỉ công tác sau vụ việc đó, khoảng 36.000 người bị bắt giữ. Nhiều cơ quan truyền thông bị đóng cửa.
Nguồn tin: http://tuoitre.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn