Theo CNN, tại Hàn Quốc, các băng nhóm thanh niên không đáng lo ngại bằng những băng nhóm “tóc bạc”. Các thống kê cho thấy, chỉ trong 5 năm qua, tỉ lệ người già trên 65 tuổi phạm tội tăng 45%. Số vụ mắc tội nghiêm trọng như giết người, hãm hiếp, trộm cướp tăng 70%, từ 1.000 vụ năm 2013 tới 1.800 vụ năm 2017.
Hồi tháng 11, một người đàn ông ngoài 70 tuổi bị bắt với cáo buộc hành hung người giao hàng vì chuyển đồ chậm trễ. Khi cảnh sát tới hiện trường, ông cụ mới phát hiện ra rằng mình đã nhận gói đồ này 2 ngày trước đó.
Vào tháng 8, một ông cụ khác bị cáo buộc giết chết 2 công chức và bị thương hàng xóm chỉ vì tranh chấp liên quan tới nguồn nước. Một cụ bà 69 tuổi hồi tháng 4 cũng bị cáo buộc đã bỏ thuốc độc vào món cá phục vụ trong một sự kiện của làng.
Theo tiêu chí của Liên Hợp Quốc, với con số 14% dân số trên 65 tuổi, Hàn Quốc được xếp vào nhóm “xã hội già”. Tuy nhiên, dù tuổi thọ trung bình tăng cao, nhưng nhiều cụ ông, cụ bà gặp khó khăn về mặt tài chính trong cuộc sống hàng ngày. Khoảng 60% người cao tuổi Hàn Quốc không đủ tiêu chuẩn để nhận lương hưu, chương trình được triển khai từ năm 1988 và áp dụng bắt buộc từ những năm 1990. Cho tới năm 2017, một nửa người già Hàn Quốc sống ở mức nghèo.
“Do không có công ăn việc làm đóng góp cho xã hội, nhiều người già cảm thấy họ bị tách biệt, dẫn tới cảm xúc tức giận với người khác, trầm cảm và thái độ chống đối với mọi người xung quanh”, giáo sư Cho Youn-oh, nhà tội phạm học tại đại học Dongguk (Seoul) lý giải.
“Sự cách ly và cảm giác không còn gì để mất khiến họ mất kiểm soát và hành xử thiếu suy nghĩ. Những người có nhiều mối quan hệ với xã hội thông qua gia đình và việc làm thường sẽ tự kiểm soát bản thân tốt hơn và điều này có thể ngăn họ không phạm tội”, ông Cho nói.
Tù nhân lớn tuổi
Với tình trạng tội phạm lớn tuổi tăng nhanh, các nhà tù ở Hàn Quốc cũng phải tìm cách để đối phó. Những người tù lớn tuổi có thể vào nhà giam với hàng loạt các vấn đề về sức khỏe như bệnh đãng trí, ung thư và thận.
“Khi bị nhốt cùng những người trẻ tuổi, tù nhân lớn tuổi không chỉ có sức khỏe yếu hơn mà khả năng xảy ra xung đột với những tù nhân này cũng cao hơn do cách biệt về thế hệ và khác biệt văn hóa”, phó giám đốc Lee Yun Hwi của cơ sở cải tạo Nambu (Seoul) lý giải.
Trong các phòng giam tù nhân lớn tuổi, thường có sự xuất hiện của xe lăn, cân sức khỏe và thiết bị đo huyết áp. Một buổi sáng thứ 3 ở nhà tù Nambu thường bắt đầu từ 9h sáng khi nhạc rộn rã vang lên từ hệ thống loa. Khoảng 30 tù nhân mặc đồng phục màu xanh và giàu trắng di chuyển ra khu vực tập trung để học môn thể dục nhịp điệu.
Trên nền nhạc ca khúc “Tuổi của tôi có vấn đề gì”, người hướng dẫn nhanh chóng chỉ cho các tù nhân di chuyển, đá chân… Họ khá chậm chạp và “lờ đờ” tuy nhiên với những người dành hầu hết thời gian trong ngày trong phòng giam, đây là một bài tập quan trọng.
“Bài tập tốt cho việc ngăn chặn bệnh đãng trí và hàn gắn tâm hồn chúng tôi”, một tù nhân 71 tuổi có họ Park nói.
Ông Park, người đã ngồi tù ở Nambu 2 năm qua, tin rằng sự tăng nhanh của tội phạm lớn tuổi là kết quả của việc thiếu công ăn việc làm và hệ thống hỗ trợ cho người lớn tuổi. “Tỉ lệ tội phạm tăng khi người ta không có tiền”, ông Park lý giải.
Ông Noh, 70 tuổi, một tù nhân khác, ước rằng giá như xã hội Hàn Quốc có nhiều chế độ chăm sóc người cao tuổi hơn.
Nỗi sợ ra tù
Theo CNN, nhiều tù nhân lớn tuổi nói rằng điều họ sợ sau khi cải tạo xong chính là được ra tù. Vấn đề tái hòa nhập xã hội vẫn đang là điều khiến cả những tù nhân và giới chức Hàn Quốc “đau đầu”. Khoảng 30% người lớn tuổi tái phạm sau khi ra tù, cao hơn mức trung bình 20%.
Nhà tội phạm học Cho nói rằng xã hội cần thấu hiểu về những gì mà người già đang phải đối mặt để đưa ra những chính sách, biện pháp hỗ trợ họ tốt hơn. Dự kiến, tới năm 2025, Hàn Quốc có thể trở thành “xã hội siêu già” như Nhật Bản.
Hiện thời, với một số người già Hàn Quốc, một trong những nơi an toàn nhất lại chính là nhà tù. Nhiều người được phóng thích không có nhà để về, không có nơi để ngủ và không có thực phẩm để ăn qua ngày.
Ông Noh nói rằng ông là một trong những người may mắn vì vẫn có vợ con đang chờ bên ngoài và có thể hỗ trợ khi ông được thả ra. “Nhiều tù nhân ở tù từ 10-15 năm vì sợ rằng khi được thả, họ sẽ không biết đi đâu về đâu”, ông Noh nói.
Tác giả: Đức Hoàng
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn