Thánh địa 3.000 năm xung đột
Kể từ năm 1178 trước Công Nguyên đến nay, thành Jerusalem đã bị bao vây ít nhất 50 lần, bị chiếm đóng 44 lần và hai lần bị phá hủy.
Xét về mặt lịch sử, Jerusalem một trong những mục tiêu nhắm đến đầu tiên khi đế chế Ả Rập trỗi dậy năm 638 sau Công nguyên, bị chiếm đóng vào năm 1099, và bị vị Vua Hồi giáo đầu tiên của Ai Cập và Syria Saladin chiếm lại năm 1187. Từ đó, Jerusalem nằm trong tay người Hồi giáo mãi đến Thế chiến I, khi quân Anh tiến vào thành phố này năm 1917.
Căng thẳng giữa người Ả-rập và Do Thái vốn âm ỉ cả ngàn năm, đã bùng nồ sau Tuyên bố Balfour năm 1917, trong đó chính phủ Anh ủng hộ việc thành lập một "quốc gia quê hương cho người Do Thái" ở Palestine. Bắt nguồn từ đó, nhà nước Israel được thành lập ngày 14/5/1948, khi Liên Hợp Quốc đề nghị rằng lãnh thổ Palestine sẽ được chia thành hai quốc gia Ả-rập và Do Thái, mặc dù khu vực tôn giáo xung quanh Jerusalem vẫn do quốc tế kiểm soát.
Hiện tại, Israel tuyên bố toàn bộ Jerusalem là thủ đô của mình, trong khi người Palestine tuyên bố rằng khu vực phía Đông của thành phố - bị Israel sát nhập sau cuộc “Chiến tranh Sáu ngày” năm 1967 - là thủ đô của nhà nước Palestine độc lập trong tương lai. Thực tế, Israel đang kiểm soát thành phố và đặt trụ sở chính phủ ở đây, nhưng sự sát nhập Đông Jerusalem chưa được cộng đồng quốc tế công nhận.
Bức tường Than khóc, một trong những địa điểm linh thiêng theo tín ngưỡng người Do Thái. (Ảnh: Getty)
Nguồn gốc hàng ngàn năm xung đột ở Jerusalem có thể gói gọn trong một từ: Tôn giáo.
Tranh chấp tập trung chủ yếu vào khu vực thành cổ rộng khoảng 0,9 km2 - nơi có các thánh địa quan trọng bậc nhất của Do Thái giáo, Cơ đốc giáo và Hồi giáo, đặc biệt là đỉnh đồi Núi Đền linh thiêng được người Do Thái và Hồi giáo thờ cúng.
Núi Đền là nơi Vua David xây dựng thủ đô của Vương quốc Israel thống nhất, và được ghi chép là địa điểm đặt Chiếc hòm giao ước, vật phẩm mà theo Kinh thánh Do Thái là do Chúa trời tạo nên.
Jerusalem cũng là địa điểm linh thiêng thứ ba trong đạo Hồi, nơi đấng Tiên tri Muhammad lên thiên đàng. Còn tín đồ Cơ đốc giáo tin rằng, nhà thờ Mộ thánh được xây tại nơi Chúa Jesus bị đóng đinh lên thập tự giá.
Quyết định “thêm dầu vào lửa” của ông Trump
Động thái gây tranh cãi của Tổng thống Trump đã đảo ngược các chính sách đối ngoại kéo dài hàng thập kỷ của Mỹ, khi các đời tổng thống trước đó đều ủng hộ giải pháp 2 hai nhà nước.
Đề xuất của Liên Hợp Quốc tách Palestine thành hai nhà nước ghi rõ Jerusalem sẽ độc lập với cả hai. Tuy nhiên, theo ông Husam Zomlot, trưởng đại diện của tổ chức Giải phóng Palestine tại Washington, quyết định của Tổng thống Trump dường như sẽ đặt “dấu chấm hết” cho giải pháp 2 nhà nước.
Việc Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô Israel đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ các đồng minh của Mỹ, các quốc gia Trung Đông cho đến các nhóm khủng bố. 90% người Ả-rập không ủng hộ Israel, nên không có chính quyền nào, thậm chí là đồng minh thân thiết Ả-rập Xê-út của Mỹ, lại tự gây xung đột nội bộ cho mình bằng cách ủng hộ Washington. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan cũng cáo buộc ông Trump đã ném Trung Đông vào "vòng lửa".
Bạo lực giữa người Palestine và Israel có nguy cơ leo thang sau quyết định của Tổng thống Trump. (Ảnh minh họa: AFP)
Từ trước tới nay, ông Trump vốn có lập trường ủng hộ Israel trong suốt chiến dịch tranh cử, và ông đã hứa sẽ di dời Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv tới Jerusalem.
Các quan chức Mỹ cho biết việc coi Jerusalem như thủ đô của Israel là sự thừa nhận về "lịch sử và hiện tại" chứ không phải tuyên bố chính trị, và việc chuyển sứ quán sẽ diễn ra từ từ chứ không phải ngay lập tức. Điều đó có thể ghi điểm cho ông Trump về việc giữ lời và khiến Israel vui mừng. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã tuyên bố Tổng thống Trump sẽ đi vào lịch sử quốc gia này.
Mối quan hệ đồng minh chiến lược của Mỹ và Israel vẫn rất bền vững trong suốt nhiều năm qua. Hiện tại Mỹ được cho là vẫn là hỗ trợ Israel để duy trì sự cân bằng quyền lực khu vực Trung Đông. Ngoài ra, liên minh với Nhà nước Do Thái cũng mang lại lợi ích kinh tế không nhỏ. Tổng cộng, Israel đã nhận được gần 121 tỷ USD viện trợ kể từ Thế chiến II, nhưng 74% số tiền đó phải được dùng để mua hàng Mỹ.
Với quyết định của ông Trump, viễn cảnh bạo lực gần như chắc chắn xảy ra. Phần lớn bạo lực giữa người Israel và Palestine ở Jerusalem và Bờ Tây trong suốt 20 năm qua là từ căng thẳng ở khu thành cổ. Quyết định của Tổng thống Trump giống như “giọt nước tràn ly” và có thể dẫn tới diễn biến phức tạp khác trong khu vực.
Tác giả: Đỗ Anh
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn