Bạo lực bùng nổ ở 2 nước láng giềng này có một điểm chung: Hung thủ là chiến binh của các tổ chức khủng bố địa phương thân IS.
Nhà báo Richard Paddock nhận xét trên nhật báo Mỹ The New York Times: Dù thời điểm có vẻ trùng hợp ngẫu nhiên, các chuyên gia về chủ nghĩa khủng bố có lý khi từ nhiều tháng trước từng cảnh báo rằng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã tạo cơ sở mới để các tổ chức Hồi giáo cực đoan trong vùng Đông Nam Á hợp đồng tác chiến, đẩy mạnh hoạt động khủng bố. Mỗi lần như vậy, IS đều lên tiếng nhận trách nhiệm.
Đánh xa không được thì đánh gần
Bà Sidney Jones, Giám đốc IPAC - một tổ chức nghiên cứu và phân tích khủng hoảng ở Đông Nam Á có trụ sở chính tại Jakarta, nhận định IS đang thua ở Syria và Iraq nên tìm cách gỡ gạc tại Đông Nam Á, nhất là Philippines - nơi có nhiều tổ chức Hồi giáo cực đoan tuyên bố trung thành với Abu Bakr al-Baghdadi, thủ lĩnh tối cao của IS.
Các tay súng thân IS ở Đông Nam Á đã nhận được chỉ thị gia nhập thánh chiến tại Philippines hoặc tổ chức trận đánh ngay nơi mình cư trú nếu không đến được Syria.
Theo bà Jones, khoảng 500 người Indonesia đã tìm cách đến Syria để gia nhập đội ngũ IS nhưng hầu hết đều bị ngăn chặn và trục xuất về nước. Chỉ một số ít đến nơi, trở thành điều phối viên các hoạt động khủng bố ở Philippines và Indonesia từ Syria. Trong hàng ngũ IS ở Trung Đông, có 3 nhóm Indonesia ganh đua nhau trong việc tìm tài trợ thực hiện các hoạt động khủng bố tại Đông Nam Á.
Ông Taufik Andrie, chuyên gia về khủng bố tại Viện Quốc tế xây dựng hòa bình (IIPB), cũng có cùng nhận định như bà Sidney. Trả lời phỏng vấn nhật báo The Jakarta Post, ông nhấn mạnh: "Cách đây 3 năm, IS từng ban hành Fatwa (sắc lệnh Hồi giáo phái Shiite). Theo đó, nếu chiến binh thánh chiến không đến Syria được thì tốt nhất nên tiến hành "Amaliyah" (tấn công) tại địa phương mình ở. Đó mới là điều đáng lo ngại nhất".
Ông Andrie cho rằng điều đó cũng lý giải tại sao các tổ chức Hồi giáo cực đoan thân IS hoạt động mạnh lên trong năm nay. Hai vụ đánh bom tự sát đêm 24-5 ở Jakarta nằm trong bối cảnh vừa kể và cho thấy sẽ còn nhiều vụ tấn công khác ở Philippines, Indonesia, Malaysia hoặc Singapore.
Từ Fatwa đến hành động
Ngày 31-5, cảnh sát Indonesia cho biết đã bắt thêm 2 nghi phạm dính líu đến vụ đánh bom liều chết kép đêm 24-5 tại trạm đầu mối xe buýt Kampung Melayu, phía Đông Jakarta, giết chết 3 cảnh sát, làm bị thương 11 thường dân và cảnh sát. Hai tên khủng bố đều chết không toàn thây.
Hai nghi phạm bị bắt ở 2 nơi khác nhau tại Cipayung, phía Đông Jakarta sáng 30-5. Theo cảnh sát, cả hai đều liên quan đến Ahmad Sukri, một trong 2 tên đánh bom liều chết đêm 24-5.
Như vậy, tính đến ngày 4-6, Indonesia đã bắt được cả thảy 8 nghi phạm liên quan ít nhiều đến 2 vụ tấn công bằng bom tự chế nhắm vào cảnh sát. Vụ này được cho là nghiêm trọng nhất kể từ vụ xả súng và đánh bom liều chết tại một khu phố thương mại sầm uất ngay trung tâm Jakarta hồi tháng 1-2016.
Tướng Tito Karnavian, Giám đốc Sở Cảnh sát Jakarta, khẳng định 2 tên đánh bom liều chết đêm 24-5 (Ahmad Sukri, 32 tuổi và Ichwan Nurul Salam, 31 tuổi, đến từ Tây Java) là thành viên của Jemaah Anshorut Daulah (JAD) - một nhóm Hồi giáo cực đoan Indonesia chừng 20 người thành lập năm 2015, từng tuyên thệ trung thành với ông trùm IS al-Baghdadi.
Đầu năm nay, Mỹ đã xếp JAD vào danh sách các tổ chức khủng bố với "thành tích" tổ chức hàng loạt vụ tấn công ở Indonesia năm 2016.
Mối đe dọa ngày càng lớn
Bà Jones cảnh báo Indonesia - đất nước có số dân theo đạo Hồi lớn nhất thế giới - có thể sẽ hứng chịu nhiều đợt tấn công mới mang đậm dấu ấn IS. Theo bà, một trong những lý do khiến các tổ chức thân IS manh động hẳn là tại Hội nghị Thượng đỉnh các nước Ả Rập và Hồi giáo ở Riyadh có sự hiện diện của Tổng thống Donald Trump kết thúc hôm 20-5, Tổng thống Indonesia Joko Widodo cam kết sẽ đẩy mạnh chiến dịch chống khủng bố.
"Chúng ta có thể chứng kiến những vụ tấn công mới vì các tổ chức khủng bố thân IS muốn chứng tỏ họ có tài lực, nhân lực và quyết tâm hành động" - bà Sidney dự báo. Theo bà, dù cảnh sát Indonesia đã phát hiện và bắt giữ nhiều phần tử thân IS nhưng các tổ chức khủng bố trong nước vẫn tích cực chuẩn bị những cuộc tấn công mới, đặc biệt nhắm vào lực lượng cảnh sát.
Nghị sĩ Indonesia Tubagus Hasanuddin còn lo ngại những vụ tấn công ở nước này có thể liên quan đến trận chiến ác liệt đang diễn ra tại TP Marawi của Philippines. Mối lo ngại đó hoàn toàn có cơ sở bởi ngày 2-6, Cơ quan Cảnh sát quốc gia Indonesia (INP) cho biết đã xác định sơ bộ 38 người Indonesia, trong đó có 1 phụ nữ, tình nghi tham gia cuộc chiến ở Marawi.
Setyo Wasisto, người phát ngôn của INP, tuyên bố 4 trong số 38 người kể trên đã bị giết trong cuộc chiến, 12 người bị bắt và trục xuất về Indonesia. Số còn lại hình như vẫn còn chiến đấu bên cạnh nhóm phiến quân Maute (MG). Wasisto cho biết Densus 88 (đơn vị đặc nhiệm chống khủng bố của Indonesia) đang điều tra xem các phần tử vừa kể có hoạt động trên đất Indonesia hay không.
Marawi hút chiến binh Indonesia
Cuối tháng 5-2017, Cảnh sát Quốc gia Philippines (PIP) đã phát lệnh truy nã 4 người Indonesia tham gia MG đánh chiếm TP Marawi trong 2 tuần qua. Đó là Anggara Suprayogi, Yayat Hidayat Tarli, Yoki Pratama Windyarto và Al Ikhwan Yushel. Theo INP, họ mới xâm nhập Philippines gần đây. Windyarto đến Philippines hôm 3-3, Yushel 28-3 còn Suprayogi và Tarli đến cùng ngày 15-4.
Những chiến binh ngoại quốc này đều mang huy hiệu MG khi chiến đấu ở Marawi. Đến nay, quân đội Philippines mới phát hiện một người Indonesia mặc sắc phục MG chết ở Marawi. Trong khi đó, INP cho biết đang theo dõi 3 người Indonesia khác tình nghi tham gia trận chiến ở Marawi.
(Kỳ tới: Nữ cảm tử quân IS đầu tiên của Indonesia)
Tác giả: Theo Nguyễn Cao
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn