Hội nghị An ninh Munich: Đấu khẩu và rạn nứt

Thứ hai - 18/02/2019 02:37
Hội nghị An ninh Munich (từ ngày 15 đến 17-2) tại Đức đã chứng kiến những cuộc đấu khẩu nảy lửa giữa Mỹ với Trung Quốc, thậm chí với cả đồng minh truyền thống >>

Vấn đề Huawei và biển Đông là tâm điểm đối chọi trong các bài phát biểu của Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence và Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì hôm 16-2. Trong bài phát biểu kéo dài gần 30 phút tại hội nghị an ninh quốc tế thường niên này, ông Pence kêu gọi các lãnh đạo chính trị tham dự "tẩy chay" tập đoàn viễn thông lớn nhất Trung Quốc.

Ông Pence nhấn mạnh Mỹ đã nêu rất rõ ràng với các đối tác an ninh về mối đe dọa từ Huawei và các công ty viễn thông khác của Trung Quốc. "Luật pháp Trung Quốc yêu cầu họ phải cung cấp cho bộ máy bảo mật đồ sộ của Bắc Kinh quyền truy cập vào bất kỳ dữ liệu nào nối với mạng lưới hoặc thiết bị của họ" - Phó Tổng thống Mỹ nói.

Phát biểu ngay sau ông Pence, ông Dương khẳng định Trung Quốc không theo đuổi "bá quyền công nghệ". "Chúng ta cần đi theo cách tiếp cận mới về hợp tác cùng có lợi, từ bỏ những định kiến ý thức hệ và tâm lý lỗi thời về trò chơi sát phạt, thắng ăn cả" - ông Dương nhấn mạnh.

Tại phiên hỏi đáp sau đó, ông Dương nói thêm Huawei đang hợp tác chặt chẽ với các nước châu Âu trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. "Luật của Trung Quốc không đòi hỏi các công ty cài đặt cửa hậu và thu thập thông tin tình báo" - ông Dương nói.

Hội nghị An ninh Munich: Đấu khẩu và rạn nứt

Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence bắt tay Thủ tướng Đức Angela Merkel tại Hội nghị An ninh Munich Ảnh: REUTERS

Màn "đấu khẩu" nói trên diễn ra chỉ một ngày sau khi các quan chức cấp cao của hai bên kết thúc vòng đàm phán thương mại mới nhất tại Bắc Kinh. Hai bên dự kiến gặp lại trong vòng đàm phán tiếp theo ở Washington trong tuần này.

Bên cạnh đó, ông Dương cho biết Bắc Kinh muốn tăng cường hợp tác với Washington nhưng ông cũng bày tỏ thái độ phản đối chủ nghĩa bảo hộ của Mỹ và sự không hài lòng đối với hoạt động tự do hàng hải của Mỹ ở biển Đông. Về phần mình, Phó Tổng thống Pence đề cao chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ với sự ủng hộ của Úc và Nhật Bản.

Cũng tại hội nghị, Mỹ và các nước châu Âu đã bày tỏ quan điểm khác biệt rõ rệt về các vấn đề từ an ninh Trung Đông tới thương mại, khoét sâu rạn nứt xuyên Đại Tây Dương trong kỷ nguyên của Tổng thống Donald Trump. Theo bình luận của The New York Times, 2 bài phát biểu của ông Pence và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã nhắc nhở về sự xa cách giữa châu Âu và Mỹ về hàng loạt vấn đề toàn cầu.

Phát biểu của nữ lãnh đạo Đức với không ít lời chỉ trích nhằm vào chính sách đối ngoại của Mỹ đã nhận được những tràng pháo tay dài. Bà Merkel cự tuyệt lời kêu gọi của Phó Tổng thống Pence về việc rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran. Bà nhấn mạnh rằng thỏa thuận này có thể giúp các nước gây sức ép lên Iran đối với các vấn đề mà cả Mỹ cũng lo ngại: hoạt động phát triển tên lửa đạn đạo của Tehran và cả vai trò của Iran trong các cuộc chiến ở Syria và Yemen. Bà Merkel cũng chỉ trích quyết định rút quân khỏi Syria của Mỹ, cho rằng động thái đó sẽ có thể củng cố quyền lực của Nga và Iran tại quốc gia Trung Đông này.

Trong khi đó, ông Pence bảo vệ vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ, khẳng định rằng các nước thành viên NATO đã tăng chi tiêu quốc phòng nhờ sự hối thúc của Tổng thống Trump. "Đó là những gì chúng ta gọi là lãnh đạo của thế giới tự do" - ông nhấn mạnh. Có điều, trái với bà Merkel, bài phát biểu của Phó Tổng thống Mỹ chỉ nhận được những tiếng vỗ tay lác đác. 

Rào cản pháp lý

Tại Hội nghị An ninh Munich, hôm 16-2, Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì còn dùng bài phát biểu của mình để cố gắng nêu bật Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Bắc Kinh đang mang lại thịnh vượng chung cho thế giới. Tuy nhiên, hiện trạng thực tế của sáng kiến đầy tham vọng này lại không được sáng sủa như vậy.

 

Trang The South China Morning Post (Hồng Kông) ngày 17-2 cho biết DP World, tập đoàn khai thác cảng biển toàn cầu của Dubai, đã đệ đơn kiện công ty China Merchants Port Holdings (CM Port) - thuộc Tập đoàn China Merchants (Trung Quốc) có trụ sở tại Hồng Kông - về cáo buộc vi phạm thỏa thuận khai thác cảng độc quyền của DP World với Djibouti. Theo đơn kiện nộp lên tòa hồi tháng 8-2018, CM Port bị cho là thúc đẩy chính quyền Djibouti thu hồi quyền độc quyền của DP World trong việc điều hành các cảng tại quốc gia Đông Phi này. Nếu bị đưa ra xét xử, đây sẽ là trường hợp đầu tiên liên quan đến BRI bị đưa ra phán xét tại tòa án ở Hồng Kông.

 

Trong đơn kiện, DP World cho rằng CM Port buộc chính phủ Djibouti vi phạm thỏa thuận nhượng quyền khai thác 30 năm cho công ty Dubai này độc quyền phát triển cảng cùng với một khu thương mại tự do. Trước khi kiện CM Port ra tòa án Hồng Kông, DP World và Djibouti đã dính vào cuộc chiến pháp lý gần một thập kỷ qua liên quan đến thỏa thuận phát triển cảng ở Djibouti mà hai bên ký kết năm 2000. Công ty Dubai này thắng kiện hồi tháng 9 năm ngoái sau khi đưa vụ tranh chấp ra Tòa Trọng tài quốc tế ở thủ đô London - Anh. Tuy nhiên, chính quyền Djibouti đã phớt lờ phán quyết.

 

Bà Gu Weixia, phó giáo sư luật tại ĐH Hồng Kông, cho biết: "Bản chất của vụ tranh chấp cùng với việc CM Port - tập đoàn hàng đầu thuộc sở hữu của nhà nước Trung Quốc - đang mở rộng hoạt động kinh doanh cảng trên khắp thế giới khiến vụ kiện thu hút sự chú ý. Vụ này có thể ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động đầu tư (đặc biệt về mặt pháp lý) của các công ty Trung Quốc tham gia BRI trong tương lai".

 

Trong khi đó, luật sư Fang Jianwei tại Trung Quốc cho rằng vụ kiện nhấn mạnh sự phức tạp của những thách thức pháp lý lên các công ty Trung Quốc đầu tư ở nước ngoài, đặc biệt là những công ty tham gia dự án BRI.

Xuân Mai

 

Theo Thu Hằng

Người lao động

Nguồn tin: http://dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây