Ông Jacques Chirac và vợ - bà Bernadette (người bạn đồng hành từ thời cả hai là sinh viên) nhận nuôi Anh Dao Traxel vào năm 1979. Bà Anh Dao Traxel (năm nay 62 tuổi) nói rằng, Jacques Chirac đã bảo vệ và đem lại cơ hội thứ hai cho bà.
Người đàn ông vĩ đại
Sau khi con rể cựu Tổng thống Jacques Chirac thông báo, ông qua đời sáng 26/9 (giờ địa phương) “trong vòng tay gia đình một cách yên bình” ở tuổi 86, bà Anh Dao Traxel nói với báo Pháp rằng, Chirac là “một người đàn ông vĩ đại của Pháp”, là “một trái tim lớn”.
Dù không được chính thức nhận nuôi bởi gia đình Jacques và Bernadette Chirac, Anh Dao Traxel được họ đón về nhà sau khi gặp gỡ tại sân bay Roissy-Charles-de-Gaulle. Lúc đó, Anh Dao Traxel 21 tuổi, thành viên của một người Việt vượt biên, còn ông Chirac là thị trưởng Paris. Vợ chồng ông quyết định chọn một người làm con nuôi.
Bà Anh Dao Traxel kể rằng, lúc đó, ông Chirac tiến đến và đưa cho bà một chiếc khăn tay để lau nước mắt. “Ông nói: Cô bé, đừng khóc nữa nhé! Từ nay trở đi, con là con gái thứ ba của ta”, bà kể. Đối với bà, ông là “người cha trái tim” trong 40 năm qua.
“Nhờ có ông mà tôi có mặt ở đây. Ông ấy cho tôi mọi thứ trong đời, cho tôi cơ hộ thứ hai”, bà Anh Dao Traxel xúc động nói.
Sau khi đến Pháp năm 1979, Anh Dao Traxel sống trong gia đình ông bà Chirac cùng hai con gái của họ là Laurence và Claude (năm 2016, Laurence qua đời sau thời gian dài mắc chứng chán ăn). Nhưng sau đó, Anh Dao Traxel được yêu cầu sống tự lập. Rồi hai bên liên lạc thưa dần, rồi dừng hẳn vào thời điểm bầu cử tổng thống năm 1995 (bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của ông Chirac), bà nói.
Anh Dao Traxel sinh ra ở Sài Gòn với tên khai sinh là Dương Anh Đào. Năm 2004, Dương Anh Đào kết hôn lần đầu tiên. Dương Anh Đào ly hôn Michael Phạm vào năm 2001 rồi ba năm sau đó, cưới chồng lần hai - một trung úy cảnh sát tên là Emmanuel Traxel và lấy theo họ chồng. Anh Dao Traxel có bốn người con, tên là Bernard-Jacques, Laurence-Claude, Jacques and Cassandre.
Theo báo Anh The Times, Anh Dao Traxel hiện là chủ tịch tổ chức cứu trợ có tên tiếng Pháp “L'Étoile européenne du dévouement civil et militaire” (chuyên hỗ trợ gia đình những người qua đời trong khi làm nhiệm vụ quân sự hoặc dân sự).
Năm 2009, bà được Nhà nước Pháp trao tặng Bắc đẩu bội tinh hạng 5 (cấp bậc hiệp sĩ). Đây là huân chương cao quý nhất của Nhà nước Pháp, được Napoléon Bonaparte lập ra ngày 19/5/1802 để tặng trưởng cho các cá nhân, tổ chức (cả quân sự và dân sự) có đóng góp đặc biệt cho nước Pháp.
Năm 2005, khi ông Chirac đang làm tổng thống nhiệm kỳ hai và bị nhiều người chỉ trích, Anh Dao Traxel nói với báo giới rằng, Tổng thống Chirac sẽ chiến đấu đến cùng, sẽ tiếp tục nỗ lực để làm nhiệm kỳ ba từ năm 2007. “Ông ấy không nói lời cuối cùng. Khi ông ấy ngã, ông luôn đứng dậy”, Anh Dao Traxel nói.
Năm 2006, Anh Dao Traxel xuất bản cuốn “La Fille de Coeur” (Cô gái của trái tim) kể về đời mình. “Tôi nghĩ rằng, câu chuyện của tôi chỉ là chuyện riêng của tôi và gia đình Chirac. Nhưng tôi cảm thấy cần phải kể câu chuyện về hành trình của tôi và thể hiện sự biết ơn của tôi đối với gia đình Chirac. Không có họ, tôi sẽ không có mặt ở đây”, bà nói với báo Pháp Le Parisien.
“Lúc đó tôi không biết một từ tiếng Pháp và khóc ở góc sân bay. Thế rồi một quý ông cao ráo (ông Chirac) bước tới và nói: Đừng khóc nữa, bé yêu. Hãy về nhà với chúng tôi. Sau đó, bà Bernadette Chirac ôm tôi vào lòng và bắt đầu khóc. Tôi hiểu rằng mình đã tìm thấy gia đình nhận nuôi”, bà Anh Dao Traxel kể.
Bà làm việc 18 năm trong tòa thị chính Paris. Bà đặt tên ba người con đầu theo tên gia đình Chirac: Bernard-Jacques, Laurence-Claude và Jacques. Ba người con này gọi ông bà Chirac là “ông ngoại” và “bà ngoại”.
Di sản của ông Chirac
Có lẽ ông Chirac được biết đến nhiều nhất với việc phản đối chiến tranh xâm lược Iraq và kêu gọi trưng cầu ý dân về hiến pháp châu Âu năm 2005, báo Đức DW đưa tin ngày 26/9.
Sau 12 năm làm tổng thống, ông Chirac để lại cho dân Pháp một núi cải cách xã hội đang dang dở, nhưng cũng mở hướng đi cho nước Pháp bằng một số giải pháp như bãi bỏ quy định nhập ngũ bắt buộc, thiết lập quân đội hùng mạnh. Ông cũng đưa ra lệnh cấm đội khăn trùm đầu ở trường học phổ thông, trường đại học.
Những năm cuối đời, ông Chirac hiếm khi xuất hiện trước công chúng. Người đàn ông được cả phe ủng hộ và phản đối gọi là “máy ủi” này bị đột quỵ.
Theo Tùng Gia
Tiền phong
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn