Ông Moon Seoung-ok, hiệu trưởng ngôi trường dạy học viên cách bắt quả tang công chức tham nhũng đang giới thiệu chiếc kính có tích hợp camera - Ảnh: Reuters |
Học viên không cần trả học phí, nhưng sẽ phải chi tiền để mua các công cụ để “tác nghiệp” như bút bi, mắt kính tích hợp camera.
Luật “3-5-10”
Luật chống tham nhũng của chính phủ Hàn Quốc đã chính thức có hiệu lực kể từ ngày 28-9 vừa qua.
Theo đó, các đối tượng nằm trong quy định của luật không được tham dự các bữa ăn có trị giá quá 30.000 won hoặc nhận quà có giá trị vượt quá 50.000 won. Đối với việc tặng phong bì chứa tiền mặt trong các đám cưới hoặc đám ma, số tiền không được vượt quá 100.000 won.
Hiện nay, luật này còn được gọi tắt là “luật 3-5-10” [dựa theo mức tiền bị giới hạn - ND].
Ngoài việc phải đóng tiền phạt, người vi phạm có thể đối mặt với nguy cơ bị truy tố hình sự trong một số trường hợp nghiêm trọng như nhận quà trị giá hơn 1 triệu won, hoặc tổng trị giá quà cáp nhận trong một năm vượt quá 3 triệu won.
Theo ước tính, luật chống tham nhũng tác động trực tiếp lên khoảng 4 triệu người gồm công chức, nhân viên tại các cơ quan nhà nước, giáo viên và phóng viên.
Ngoài ra, người dân nào phát hiện công chức vi phạm luật và báo với chính quyền kèm theo bằng chứng đầy đủ có thể nhận tiền thưởng lên đến 200 triệu won (hơn 180.000 USD).
Trường học chống tham nhũng
Sau khi luật chống tham nhũng ra đời, ở Hàn Quốc cũng xuất hiện một ngôi trường kỳ lạ dạy kỹ năng theo dõi và bắt quả tang các vụ nhận phong bì, quà cáp.
Nơi này dạy học viên đủ mọi cách thức để “canh me” và thu thập bằng chứng như dùng camera, rình rập, chụp ảnh, và thậm chí là… lục thùng rác.
Một chiếc chìa khóa xe có tích hợp camera được ông Moon Seoung-ok giới thiệu trong lớp học dạy kỹ năng bắt quả tang công chức tham nhũng tại Seoul - Ảnh: Reuters |
“Bạn vừa có thể làm giàu mà lại vừa trở thành công dân tốt”, thầy hiệu trưởng Moon Seoung-ok nói trong một lớp học dạy các mẹo quay, chụp ảnh lén.
“Các bạn có thể tìm thấy hóa đơn rút tiền từ thẻ tín dụng trong thùng rác ở các nhà hàng”, ông Moon diễn giải.
“Các bạn cần phải tìm cho được chứng cứ”, vị hiệu trưởng nhấn mạnh, đồng thời phát cho học viên các tập sách về luật chống tham nhũng.
Vừa qua, hai học viên của trường này mang theo máy ảnh trà trộn vào một đám cưới ở Gangnam, khu phố xa xỉ, hiện đại bậc nhất Hàn Quốc để “thực hành”.
Thầy Moon yêu cầu học viên tự tìm cách trà trộn vào các đám cưới hoặc đám ma.
“Bạn phải xem xét đối tượng của mình. Hãy xem cáo phó trên báo chí để biết người nào thuộc tầng lớp thượng lưu đang tổ chức tang lễ”, Moon nói trong một cuộc phỏng vấn.
Lớp học gần đây nhất của ông Moon thu hút 10 người đến dự tại một văn phòng gần tòa án ở Seoul.
Dấu hiệu tích cực
Kể từ khi luật chống tham nhũng được áp dụng, số lượng người thuê các sân golf giảm đáng kể.
Trong khi đó, khách đến tham dự đám cưới cũng ít hơn rất nhiều. Tại các bệnh viện, ban quản lý thậm chí còn dán thông báo yêu cầu không tặng quà cho bác sĩ.
Các nhóm thực khách đề nghị tách hóa đơn, điều gần như chưa từng xảy ra ở Hàn Quốc.
Trong một báo cáo công bố hồi tháng 6, Viện Nghiên cứu Kinh tế Hàn Quốc cho biết các công ty tiêu dùng và giải trí có thể lỗ đến 11,5 ngàn tỉ won (10,43 tỉ USD) một khi luật chống tham nhũng được áp dụng.
Ông Moon Seoung-ok dạy học viên kỹ năng kiếm tiền nhờ chụp ảnh lén - Ảnh: Reuters |
Giờ đây, cụm từ “paparazzi” tại Hàn Quốc không chỉ dùng cho các tay máy chuyên đi săn ảnh ngôi sao, mà còn cho cả những cá nhân muốn săn tiền thưởng nhờ báo cáo các vụ vi phạm pháp luật như vượt đèn đỏ, làm rơi tàn thuốc lá trên đường phố.
Otgoutugs Ochir, một bà nội trợ 46 tuổi gốc Mông Cổ nói với Reuters mình hy vọng có thể mua được căn hộ nhờ số tiền kiếm được từ việc báo cáo các vụ vi phạm.
“Nếu số người kiếm tiền bất chính giảm thì con cái tôi sẽ được sống ở môi trường tốt đẹp hơn”, bà Ochir cho biết.
Trong khi đó, đám cưới ở Gangnam mà hai học viên của ông Moon Seoung-ok trà trộn vào không hề trưng bày hoa, một trong các thủ tục gần như không thể thiếu tại tiệc cưới ở Hàn Quốc.
Song Byung-soo, 60, một trong hai học viên, nói rằng đây là dấu hiệu đáng khích lệ cho thấy các công chức bắt đầu dè chừng.
“Mọi thứ đã thay đổi rất nhiều. Tôi đã từng ngần ngại vì việc mình làm sẽ khiến người khác bị tổn thương. Tuy nhiên, sau khi tham gia lớp học, tôi thấy mọi thứ đều ổn cả”, ông Song nói.
“Nếu những người như chúng tôi có thể khiến cho xã hội minh bạch hơn, không còn các trường hợp thiên vị hay tham nhũng thì đó là mục đích tốt”, ông giải thích.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn