Vô gia cư và nghèo đói
Ngồi giữa mớ hỗn độn gồm một vài món đồ ít ỏi trên vỉa hè ở thành phố San Francisco, Kaels Raybon bắt đầu học cách chấp nhận những lựa chọn sai lầm mà anh từng đưa ra.
Raybon từng là một một người nghiện ma túy và bị bắt giam. Sau khi ra tù, vợ và 4 đứa con của Raybon, gồm 2 trai và 2 gái, cũng chối bỏ anh. Các thành viên khác trong gia đình cũng qua đời hết, Raybon không còn nơi nào để sống. Tính đến nay, người đàn ông 41 tuổi này đã có 15 năm sống vất vưởng trên các con phố.
Mỹ được xem là miền đất hứa với những cơ hội bình đẳng dành cho tất cả mọi người. Tuy nhiên, cũng như nhiều quốc gia khác, ở Mỹ vẫn luôn tồn tại một ranh giới mỏng manh giữa cuộc sống của những người vô gia cư trên đường phố và cuộc sống bên dưới một mái nhà. Đối với một người từng bị tù tội như Raybon, cơ hội kiếm được việc làm càng khó khăn hơn.
“Nói về cảm xúc, tôi giống như một người tàn phế. Tôi nhìn thấy những đứa trẻ và những ông bố, và tôi cũng muốn như vậy. Nhưng điều đó không nằm trong tầm tay của tôi”, Raybon nói về những đứa con của mình.
Các con của Raybon từng tới thăm anh, tuy nhiên cảm xúc lúc đó của Raybon rất giằng xé.
“Tôi vừa muốn chúng ở lại, vừa muốn chúng rời đi, bởi vì tôi không có gì để nuôi chúng”, Raybon cho biết.
Raybon là một trong số những bằng chứng cho thấy thực trạng phân hóa giàu nghèo và bất bình đẳng ngày càng diễn biến xấu đi tại Mỹ - nơi hiện có khoảng 500.000 người vô gia cư. Điều này dường như trái ngược hoàn toàn với hình ảnh của một quốc gia được xem là giàu có nhất, quyền lực nhất với công nghệ hiện đại nhất thế giới.
Tuy nhiên, vô gia cư chỉ là phẩn nổi của tảng băng chìm nghèo đói ở Mỹ. Ở bên ngoài các thành phố lớn luôn có những khu vực chìm trong nghèo đói triền miên. Định nghĩa về sự nghèo đói có thể khác nhau ở từng khu vực, tuy nhiên tại Mỹ thước đo chung vẫn căn cứ trên số liệu từ năm 2015, đó là thu nhập hàng năm thấp hơn 12.092 USD.
Hiện có khoảng 41 triệu người Mỹ thuộc diện nghèo, chiếm khoảng 12,7% dân số, trong đó có khoảng 46% thuộc diện “cực nghèo”, tức thu nhập hàng năm ở mức dưới 6.165 USD. Khoảng 1,5 triệu hộ gia đình ở Mỹ, bao gồm 2,8 triệu trẻ em, sống ở mức nghèo với mức sống chưa đầy 2 USD/người/ngày.
“Đây đều là những người không thể tìm được việc làm… họ không đủ tiêu chuẩn để nhận các chương trình phúc lợi khác hoặc họ sống ở vùng sâu vùng xa. Họ không được tiếp cận với mạng lưới an sinh cũng như thị trường việc làm”, Giáo sư Premilla Nadesen tại Đại học Barnard ở New York, viết trên Washington Post hồi tháng 12/2017.
Khoảng cách nới rộng
Phân hóa giàu nghèo tại Mỹ ngày càng có xu hướng nới rộng. Tính trung bình vào năm 1981, top 1% những người Mỹ giàu nhất kiếm tiền nhiều gấp 27 lần so với 50% dân số ở nhóm dưới. Ngày nay, con số này lên tới gấp 81 lần.
Tiến sĩ Philip Alston, giáo sư luật tại Đại học New York và là Báo cáo viên đặc biệt về nhân quyền và nghèo đói của Liên Hợp Quốc, đã công bố báo cáo dài 15 trang về vấn đề đói nghèo. Không muốn giải quyết vấn đề nửa vời, ông Alston đã thực hiện chuyến đi kéo dài 15 ngày tới 6 bang và thành phố của Mỹ để tìm hiểu về thực trạng đói nghèo hồi tháng 12 năm ngoái.
Tiến sĩ Alston nhận ra rằng chính văn hóa và môi trường nhận thức đã khiến thực trạng đói nghèo ở Mỹ ngày càng tệ hơn. Theo ông, tại Mỹ luôn tồn tại một quan niệm rằng nếu người nào đó phải sống trong hoàn cảnh khó khăn thì “đó là lỗi của họ vì cơ hội luôn bình đẳng cho tất cả mọi người”.
Trước thềm Giáng sinh, Tổng thống Donald Trump đã ký ban hành luật cải cách thuế trị giá 1,5 nghìn tỷ USD. Các nhà phân tích cho rằng dự luật này sẽ giúp làm giảm gánh nặng cho tầng lớp trung lưu, nhưng rốt cuộc vẫn mang lại lợi ích cho giới nhà giàu, hay nói cách khác là làm cho người giàu càng giàu thêm.
“Chúng ta vừa thấy 1,5 nghìn tỷ USD rơi vào tay giới siêu giàu tại Mỹ. Số tiền đó có thể được sử dụng để xóa đói giảm nghèo nếu chính phủ quyết tâm. Nhưng thực tế không như vậy”, ông Alston cho biết.
Trong khi đó, Tiến sĩ Nadasen nhận định hệ thống an sinh tại Mỹ ngày càng giảm sút kể từ thập niên 1970.
“Các quy tắc lao động để bảo vệ công nhận bị xóa bỏ, trong khi ngân sách chi cho các chương trình giáo dục và cộng đồng sụt giảm. Người nghèo là những người chịu thiệt thòi nhất. Mạng lưới an sinh không được bảo đảm sẽ dẫn tới sự gia tăng về tỷ lệ nghèo. Mỹ hiện là nước có tỷ lệ trẻ em nghèo cao nhất trong số các nước phát triển, lên tới 25%”, bà Nadesen cho biết.
Thực trạng xã hội
Một người vô gia cư ngủ trên ghế tại New York (Ảnh: Getty)
Trong chuyến đi gần đây, Tiến sĩ Alston đã chứng kiến những ngôi nhà ở các vùng nông thôn tại bang Alabama bị bao vây bởi những vũng nước thải.
“Bộ Y tế không hề biết có bao nhiêu hộ gia đình hiện đang sống trong tình cảnh này, và họ cũng không có bất kỳ kế hoạch nào để tìm hiểu hay vạch ra hướng giải quyết”, ông Alston cho biết.
Theo quan sát của Tiến sĩ Alston, hầu hết cư dân ở những vùng nông thôn này là người da màu. Mặc dù chia rẽ sắc tộc vẫn là một vấn đề phổ biến tại Mỹ, song hoàn toàn sai lầm khi cho rằng các cộng đồng thiểu số người Mỹ gốc Phi hoặc người Mỹ da màu có tỷ lệ nghèo cao hơn. Thực trạng này xảy ra ở tất cả các nhóm sắc tộc, thậm chí số người Mỹ da trắng thuộc diện nghèo còn đông hơn số người Mỹ da màu tới 8 triệu người.
Rudy Damian, 53 tuổi, trở thành một người vô gia cư ở San Francisco sau khi trải qua quãng thời gian nghiện ma túy, bia rượu và vướng vào vòng lao lý. Hiện Damian đã trở lại bình thường và đang làm công việc bảo vệ bán thời gian, tuy nhiên ông vẫn không đủ tiền để thuê một căn nhà. Damian cho biết ông có chị gái và người mẹ 94 tuổi, song cả hai đều tránh gặp ông.
“Họ thất vọng về lối sống của tôi. Tôi chỉ thui thủi một mình. Tôi đã quyết định rời khỏi nhà và sự cô lập đó kéo dài xuyên suốt cuộc đời tôi”, Damian chia sẻ.
Gia đình đổ vỡ và sự thiếu quan tâm của cộng đồng đã khiến người vô gia cư tại Mỹ trở nên cô lập. Trong khi đó, Tiến sĩ Alston cũng đề cập tới cách nhìn nhận của xã hội đối với sự phân chia giàu nghèo tại Mỹ. Những người giàu thường được mô tả bằng những từ như “cần cù, yêu nước, và là động lực thúc đẩy sự thành công của nền kinh tế’, trong khi người nghèo chỉ được coi là “những kẻ lãng phí, thất bại và xấu xa”.
“Chừng nào chúng ta còn giữ tư tưởng rằng chúng ta chỉ sống cho mình, thì rất có thể một ngày nào đó, khi chính anh trai tôi vấp ngã, tôi có thể sẽ nói với anh ấy rằng: “Anh cũng có cơ hội như em. Anh thất bại, và anh phải tự đương đầu với nó”, thay vì nói rằng: “Em không thể để chuyện đó xảy ra. Em sẽ phải làm gì đó”, Tiến sĩ Alston nói.
Tại thành phố Los Angeles, Tiến sĩ Alston tìm hiểu ra rằng mục tiêu của các nhà chức trách địa phương chỉ đơn giản là nâng mức sống của Skid Row, một khu vực rộng chưa đầy 1km2 nhưng có tới hàng trăm người vô gia cư, ngang tầm với một trại tị nạn ở Syria.
“Một trong những quốc gia giàu nhất thế giới, và chúng ta chỉ đang đặt mục tiêu đáp ứng tiêu chuẩn của một trại tị nạn ở Syria cho đám đông dân cư tại một trong những thành phố giàu có nhất nước Mỹ. Thật bất ngờ!”, Tiến sĩ Alston nói thêm.
Tác giả: Thành Đạt
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn