Giới tình báo phỏng đoán thủ phạm đầu độc cựu điệp viên Nga tại Anh

Thứ sáu - 16/03/2018 14:26
Một số cựu đặc vụ nhận định hung thủ đứng sau vụ đầu độc cựu đại tá tình báo Nga tại Anh có thể không phải đối tượng chuyên nghiệp dựa trên những thông tin liên quan tới vụ việc gây chấn động này.

Giới tình báo phỏng đoán thủ phạm đầu độc cựu điệp viên Nga tại Anh
Cựu đại tá tình báo Nga Sergei Skripal và con gái Yulia (Ảnh: The Australian)

Cựu đại tá tình báo Nga Sergei Skripal và con gái Yulia ngày 4/3 bị phát hiện bất tỉnh trên băng ghế ngoài trung tâm thương mại ở thành phố Salisbury, Anh. Cảnh sát Anh nghi ngờ họ bị đầu độc bằng chất độc thần kinh. Thủ tướng Anh Theresa May cáo buộc Moscow đứng sau vụ việc này và xác định loại chất độc được sử dụng là Novichok.

Bình luận về vụ việc trên, Trung tướng William Rooda, người từng có thời gian công tác trong ngành tình báo, nhận định ông Skripal có thể đang có tư thù cá nhân với nhiều người. Lý do giải thích cho điều này là vì cựu đại tá tình báo Nga từng tiết lộ danh tính của hàng chục điệp viên Nga cho cơ quan tình báo MI6 của Anh. Theo ông Rooda, vẫn còn nhiều câu hỏi được đặt ra liên quan tới thời gian cũng như địa điểm và loại vũ khí được sử dụng để hạ độc ông Skripal và con gái ông.

Trung tướng Rooda cho rằng vụ tấn công nhằm vào ông Skripal “rõ ràng” do những đối tượng không chuyên thực hiện, hoặc nếu do những đối tượng chuyên nghiệp thực hiện thì mục đích của những người này cũng không phải để giết ông Skripal, mà là để gây ra một vụ bê bối quốc tế. Cũng theo ông Rooda, một điệp viên tình báo quân sự không bao giờ sử dụng chất độc đặc biệt để âm thầm trừ khử các đối thủ của mình.

Từng hoạt động trong lĩnh vực tình báo, Trung tướng Rooda nhận định cựu điệp viên Skripal đã tuồn tất cả các thông tin mật mà ông này có được cho tình báo Anh, do vậy bản thân ông hiện nay không còn là mối đe dọa đối với Nga nữa. Theo đó, tướng Rooda loại trừ khả năng Nga hoặc lực lượng do Nga bảo trợ đứng sau vụ tấn công nhằm vào ông Skripal. Ông Rooda cho rằng vụ việc này rõ ràng nhằm mục đích “kích động chính trị”.

Trong khi đó, Đại tá Mikhail Lyubimov, một đặc vụ tình báo Nga nghỉ hưu, cũng phản bác cáo buộc cho rằng Nga có liên quan tới vụ đầu độc ông Skripal. Theo ông Lyubimov, thông tin nói đặc vụ Nga sử dụng chất độc thần kinh Novichok để hạ độc ông Skripal là vô căn cứ.

“Tôi là một đại tá thuộc bộ phận tình báo nước ngoài của Ủy ban An ninh Quốc gia Liên Xô (KGB) và tôi nhớ rằng chúng tôi chưa từng hạ sát bất kỳ ai. Đó là lệnh cấm trực tiếp, và chúng tôi không hề có một đơn vị nào như vậy (để thực hiện các nhiệm vụ giết người). Đó là điều vô lý do người Anh nghĩ ra. Tôi thấy ngạc nhiên là sao vẫn có những người tin vào mấy chuyện này”, Đại tá Mikhail Lyubimov nói.

Mặc dù Anh, Mỹ, Pháp và Đức đồng loạt ra thông cáo chung chỉ trích Nga, cáo buộc Moscow đứng sau vụ tấn công nhằm vào cựu đại tá tình báo Skripal, song chính phủ Nga cho đến nay vẫn bác bỏ những cáo buộc này. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khẳng định Moscow sẵn sàng hợp tác với Anh để điều tra vụ việc, nhưng với điều kiện Anh phải cho phép Nga tiếp cận với các tài liệu cũng như mẫu chất hóa học nghi vấn. Trong khi đó, chính phủ Thủ tướng Theresa May vẫn không đáp lại đề nghị của Nga.

Ông Sergei Skripal, 66 tuổi, từng là phục vụ trong Cơ quan tình báo quân đội Nga (GRU), bị bắt vào năm 2004 và kết án 13 năm tù vì tội hoạt động gián điệp cho Anh. Ông Skripal sau đó được phóng thích và được phép tị nạn ở Anh sau cuộc trao đổi gián điệp lớn nhất trong lịch sử giữa Nga và Mỹ vào năm 2010.

Tác giả: Thành Đạt

Nguồn tin: http://dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây