EU, LHQ cam kết hỗ trợ Việt Nam trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu

Thứ sáu - 28/09/2018 14:51
Đại sứ Liên minh châu Âu Bruno Angelet nói rằng chống biến đổi khí hậu là ưu tiên hàng đầu trong quan hệ với Việt Nam, còn Đại diện Liên Hợp Quốc tại Việt Nam Kamal Malhotra cho biết một nhóm công tác chung với sự tham gia của 10 cơ quan của Liên Hợp Quốc đã được thành lập nhằm hỗ trợ cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

EU, LHQ cam kết hỗ trợ Việt Nam trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu

Các khách mời tham gia trao đổi về sự ứng phó của Việt Nam đối với biến đổi khí hậu (Ảnh: An Bình)

Tính chống chịu thấp với những tác động của biến đổi khí hậu

Các cam kết trên được đưa ra trong cuộc thảo luận cấp cao về biến đổi khí hậu diễn ra tại Hà Nội sáng ngày 28/9 trong khuôn khổ Tuần lễ ngoại giao khí hậu EU. Sự kiện là một cuộc trao đổi mở, trong đó các đại diện của các cơ quan ban ngành của Việt Nam trao đổi cùng các đại diện của Liên minh châu Âu (EU), Liên Hợp Quốc (LHQ), các tổ chức quốc tế và khu vực tư nhân nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về sự cấp thiết trong việc cùng hợp tác ứng phó với biến đổi khí hậu.

“Việt Nam đã và đang chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu và có tính chống chịu thấp với những tác động của biến đổi khí hậu, cũng như các hiện tượng thiên tai cực đoan”, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành nói tại cuộc thảo luận.

Đồng quan điểm với Thứ trưởng Thành, ông Bruno Angelet, Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, nhận định biến đổi khí hậu là một mối đe dọa hòa bình nghiêm trọng, trong bối cảnh các nguồn tài nguyên trên toàn cầu ngày càng cạn kiệt và an ninh lương thực bị lâm nguy.

Theo ông Thành, với diễn biến ngày càng phức tạp của biến đổi khí hậu và các yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu đòi hỏi phải được triển khai mạnh mẽ, hiệu quả và có tính bền vững cao hơn.

Là một quốc gia đang phát triển, Việt Nam vẫn có nhu cầu sử dụng nguồn nhiên liệu lớn cho toàn bộ hoạt động của nền kinh tế, đồng nghĩa với việc khí thải nhà kính sẽ tiếp tục gia tăng. Tuy nhiên, để chung tay với cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã cam kết cắt giảm ít nhất 8% lượng khí thải nhà kính, so với kịch bản thông thường vào năm 2030, và có thể lên tới 25% khi có sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế.

“Chính phủ Việt Nam đã sớm nhận thức được biến đổi khí hậu là một nguy cơ đối với sự phát triển bền vững, các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu được ưu tiên và tích hợp vào các hoạt động phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là các vùng và ngành kinh tế dễ bị tổn thương”, Thứ trưởng Lê Công Thành nói.

Cũng tại cuộc thảo luận, ông Thành đã đề xuất một số lĩnh vực hợp tác về biến đổi khí hậu giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu nói riêng và cộng đồng quốc tế nói chung: như chung tay xây dựng các cơ chế đầu tư, huy động nguồn tài chính song phương và đa phương cho các hoạt động ứng phó biến đổi khí hậu, đặc biệt trong việc thực hiện thỏa thuận Paris; hợp tác sâu rộng hơn trong việc nâng lực kỹ thuật chuyển giao công nghệ; tăng cường chia sẻ thông tin giữa các quốc gia liên minh châu Âu và các nước đang phát triển như Việt Nam nhằm đề xuất các giải pháp ứng phó phù hợp…

EU, LHQ cam kết hỗ trợ Việt Nam trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu - Ảnh minh hoạ 2

Anh James Joseph Kendall, người sáng lập nhóm hành động vì Hà Nội sạch "Keep Hanoi Clean", đặt câu hỏi cho các đại biểu tại cuộc thảo luận (Ảnh: An Bình)

Cam kết của EU và LHQ

Ông Kamal Malhora, Điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc và Đại diện thường trú Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, cho rằng để đạt được mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu mà Việt Nam đề ra trong nước và cam kết với cộng đồng quốc tế, câu hỏi mấu chốt cho Việt Nam là làm thế nào để chương trình nghị sự của Liên Hợp Quốc năm 2030, vốn đưa ra các mục tiêu phát triển bền vững cũng như các mục tiêu khí hậu, phù hợp với sự phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam. Các mục tiêu khí hậu và phát triển bền vững chỉ có thể đạt được nếu chúng được tích hợp vào việc hoạch định chiến lược phát triển, mà trường hợp của Việt Nam là thông qua kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm và chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội.

“Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cam kết trợ giúp Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu, gia tăng năng lực để đối phó với các tác động của biến đổi khí hậu và thảm họa thiên nhiên, cũng như quản lý bền vững các nguồn tài nguyên và môi trường”, ông Malhora nói.

Ông Malhora nói thêm, Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cũng thành lập một nhóm công tác chung với sự tham gia của 10 cơ quan của Liên Hợp Quốc với kinh nghiệm và mạng lưới toàn cầu để hỗ trợ các nỗ lực của Việt Nam nhằm giải quyết các tác động của biến đổi khí hậu.

Theo Đại sứ Bruno, “chống biến đổi khí hậu là ưu tiên hàng đầu trong quan hệ của chúng tôi với Việt Nam. EU đặc biệt thúc đẩy quá trình chuyển giao năng lượng của Việt Nam, vì ngành năng lượng là ngành quan trọng của tăng trưởng kinh tế nhưng cũng là nguồn phát thải gây hiệu ứng nhà kính lớn nhất”.

Ông Bruno cho hay, gần 60% hỗ trợ tài chính của EU cho Việt Nam tập trung vào việc cải tổ ngành năng lượng. Ít nhất 10 quốc gia thành viên EU đều quan tâm tới các lĩnh vực khác nhau của biến đổi khí hậu tại Việt Nam. EU cũng đang thực hiện các dự án năng lượng lớn tại Đà Nẵng, Quảng Nam và khu vực Mekong.

Ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, cho biết Việt Nam hiện tham gia rất tích cực vào các hoạt động chống biến đổi khí hậu. Cho tới nay, đã có gần 50/63 tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện Thỏa thuận khí hậu Paris của địa phương mình.

Mỗi người Việt Nam cần có hành động cụ thể

Tham dự hội thảo với tư cách một người quan tâm tới vấn đề biến đổi khí hậu, nghệ sĩ Thủy Tiên, từ Nhà hát múa rối Thăng Long, nêu đề xuất nên có các chương trình giáo dục về môi trường và biến đổi cho trẻ em ngay từ thuở nhỏ để nâng cao ý thức của mọi người về sự biến đổi khí hậu.

Giám đốc Green ID, một tổ chức thúc đẩy sự phát triển xanh tại Việt Nam, Ngụy Thị Khanh cho rằng mỗi cá nhân có thể đóng góp một phần nhỏ bé chung tay trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu bằng những hành động cụ thể, thiết thực ngay tại môi trường sống của mình như không sử dụng túi nilon, phân loại rác thải, tiết kiệm năng lượng…

Liên quan tới bài toán tiết kiệm năng lượng, anh Trần Thành Vũ, làm việc trong lĩnh vực năng lượng công trình, cho rằng chính phủ và các nhà tài trợ nước này cần tính toán kỹ và có sự phối hợp chặt chẽ để nguồn tiền tài trợ được sử dụng hiệu quả. Anh Vũ lấy dụ, các dự án xây dựng nên được quan tâm tới việc tiết kiệm năng lượng ngay từ khâu thiết kế công trình, nếu không các phương án tư vấn tiết kiệm năng lượng sẽ không còn ý nghĩa khi công trình đã được thiết kế xong hoặc bắt đầu thi công.

Tác giả: An Bình

Nguồn tin: http://dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây