“Sau nhiều cuộc thảo luận nội bộ trong 2 ngày qua, giờ đây tôi thông báo rằng chính quyền đã quyết định hoãn dự luật, tái khởi động kết nối với tất cả các lĩnh vực của xã hội, cần giải thích thêm và lắng nghe các ý kiến khác nhau”, bà Lâm nói trong một cuộc họp báo ngày 15/6.
Cũng theo bà Lâm, không có thời hạn chót nào cho việc dừng thảo luận, đồng nghĩa với việc dự luật sẽ dừng vô thời hạn.
“Chúng tôi không có ý định đưa ra một thời hạn chót cho công việc này và cam kết thông báo và tham khảo các ý kiến của ủy ban Hội đồng lập pháp về an ninh trước khi quyết định bước tiếp theo”, người đứng đầu đặc khu Hong Kong nói.
Thông báo trên diễn ra sau khi người dân Hong Kong xuống đường trong các cuộc biểu tình quy mô lớn nhằm phản đối dự luật dẫn độ mà chính quyền đang thúc đẩy. Các cuộc biểu tình đã biến thành bạo lực, khi cảnh sát phải sử dụng hơi cay, dùi cui, đạn cao su để đẩy lùi đám đông biểu tình giận dữ vây quanh kín các tòa nhà chính quyền ở trung tâm Hong Kong.
Các cuộc biểu tình quy mô lớn đã diễn ra trong 2 ngày 9/6 và 12/6 và một cuộc biểu tình rầm rộ khác đã được lên kế hoạch vào ngày mai, 16/6.
Dự luật dẫn độ nếu được thông qua sẽ cho phép việc dẫn độ các nghi phạm bị truy nã tới Trung Quốc đại lục, Macau và đảo Đài Loan, và 20 quốc gia mà Hong Kong đã ký các hiệp ước dẫn độ. Nếu được phê chuẩn, dự luật sẽ áp dụng đối với toàn bộ 7 triệu dân của Hong Kong, người nước ngoài và các công dân Trung Quốc sinh sống hoặc đi du lịch tại đây.
Ngay từ khi được đưa ra, dự luật đã gây tranh cãi dữ dội tại Hong Kong, với các ý kiến chỉ trích cho rằng nó làm suy yếu tính độc lập của hệ thống tư pháp Hong Kong, vốn tồn tại riêng biệt so với hệ thống tư pháp của Trung Quốc đại lục. Nhiều người bày tỏ lo ngại rằng việc dẫn độ các nghi phạm tới Trung Quốc sẽ khiến họ đối mặt với việc xét xử không công bằng và minh bạch.
Các chuyên gia nói rằng nguyên nhân chính khiến người Hong Kong đổ xuống đường biểu tình là vì họ cảm thấy các quyền tự do của họ bị đe dọa, vốn được cam kết theo nguyên tắc "một quốc gia, hai chế độ" kể từ khi Hong Kong được Anh trao trả cho Trung Quốc vào năm 1997. Nhiều người Hong Kong cho rằng Trung Quốc dường như đang can thiệp sâu vào quyền tự chủ của đặc khu.
“Tôi rất buồn và lấy làm tiếc rằng những thiếu sót trong công việc của chúng tôi và các yếu tố khác đã làm dấy lên những tranh cãi trong xã hội sau giai đoạn tương đối yên bình 2 năm qua”, bà Lâm nói.
Quyết định dừng dự luật được xem là bất ngờ, vì trước đó bà Lâm còn lên tiếng khẳng định dự luật dẫn độ là cần thiết nhằm ngăn chặn các tội phạm dùng Hong Kong làm nơi trú ẩn, và cam kết rằng các quyền con người sẽ được bảo vệ theo tòa án của đặc khu, vốn quyết định về việc dẫn độ dựa trên từng trường hợp.
Theo Reuters, các rạn nứt đã bắt đầu xuất hiện hôm qua trong nhóm ủng hộ dự luật, khi vài chính trị gia thân Bắc Kinh và một cố vấn thân cận của bà Lâm nói rằng các cuộc thảo luận về dự luật nên dừng lại vào thời điểm này.
Báo chí Hong Kong cho biết bà Lâm đã có một cuộc họp khẩn cấp vào tối qua với các cố vấn, trong khi các quan chức Trung Quốc cũng nhóm họp tại thành phố Thâm Quyến gần đó để phác thảo lộ trình vượt qua tình trạng bế tắc, căng thẳng hiện nay.
An Bình
Theo AFP, Reuters
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn