Sự việc hiếm thấy ở Biển Đông
Lần đầu tiên trong 6 năm, hai tàu sân bay của Hải quân Mỹ cùng hiện diện ở Biển Đông, trong bối cảnh Trung Quốc tìm cách bành trướng yêu sách chủ quyền trên biển. Hai biên đội tàu sân bay của Mỹ đến Biển Đông khi Trung Quốc vừa kết thúc 3 cuộc tập trận ở 3 vùng biển của châu Á.
Tàu sân bay USS Nimitz và USS Ronald Reagan đã tiến hành một số bài diễn tập chiến thuật “nhằm tối đa hóa năng lực phòng không, mở rộng tầm của các cuộc tấn công hàng hải tầm xa”, Hải quân Mỹ cho biết.
Đây là lần đầu tiên hai tàu sân bay của Mỹ cùng hoạt động ở Biển Đông kể từ năm 2014 và là lần thứ hai kể từ năm 2001, Sean Brophy, người phát ngôn tàu sân bay USS Ronald Reagan cho hay. “Những nỗ lực này nhằm củng cố những cam kết của Mỹ về việc bảo vệ quyền tự do hoạt động của các nước ở bất cứ đâu luật pháp quốc tế cho phép”, thông cáo của Hải quân Mỹ nhấn mạnh.
Chuẩn đô đốc George Wikoff, chỉ huy nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan, cũng nhấn mạnh cuộc diễn tập này tuy không nhằm đáp trả cuộc tập trận của Trung Quốc, song việc nước này gia tăng hoạt động quân sự tại Biển Đông là lý do chính đáng để Hải quân Mỹ tăng cường hiện diện trong khu vực.
Trong lúc các nhóm tàu của Mỹ diễn tập ở Biển Đông, tàu chiến Trung Quốc bị cho là đã bám theo để theo dõi. "Họ thấy chúng tôi và chúng tôi thấy họ. Chúng tôi luôn hy vọng những tương tác chuyên nghiệp và an toàn", chuẩn đô đốc James Kirk, chỉ huy nhóm tác chiến tàu sân bay số 11 hải quân Mỹ, cho biết.
Thông điệp từ Mỹ
Bắc Kinh đòi yêu sách chủ quyền phi lý với hầu hết Biển Đông - vùng biển đóng vai trò là tuyến vận tải hàng hải quan trọng. Những năm qua, Trung Quốc đã quân sự hóa các thực thể ở Biển Đông bất chấp phán quyết của tòa án quốc tế và sự lên án của các nước.
Khi quan hệ Mỹ - Trung tiếp tục xấu đi trong năm qua do tác động từ cuộc khủng hoảng Covid-19, Washington đã tăng cường các hoạt động ở Biển Đông với việc thực hiện các đợt tuần tra tự do hàng hải gần các khu vực Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền phi pháp. Tuy nhiên, việc triển khai cùng lúc 2 biên đội tàu sân bay tới Biển Đông cuối tuần qua dường như đã phát đi một thông điệp rõ ràng rằng Washington sẽ không từ bỏ bất cứ tầm ảnh hưởng nào ở khu vực vào tay Bắc Kinh.
“Tàu USS Nimitz và USS Ronald Reagan đã tạo thành một lực lượng tác chiến nhanh chóng và hiệu quả nhất thế giới, củng cố cam kết của Mỹ với các thỏa thuận quốc phòng song phương với các đồng minh và đối tác trong khu vực, thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”, thông cáo của Hải quân Mỹ nhấn mạnh.
Chuyên gia phân tích Carl Schuster, cựu chỉ huy tác chiến thuộc Trung tâm Tình báo liên quân của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương (Mỹ), nhận định, các cuộc tập trận với sự tham gia của hai tàu sân bay cùng lúc ở Biển Đông thể hiện sức mạnh mà ít nhất là trong thời điểm này, chỉ có hải quân Mỹ mới có. “Điều này phát đi tín hiệu cả về mặt quân sự và địa chính trị cho Trung Quốc và khu vực. Cuộc tập trận của Hải quân Mỹ cho thấy ai có tiềm lực lớn hơn”, chuyên gia Schuster nói. Ông cũng nhấn mạnh, sự hiện diện của 2 tàu sân bay ở Biển Đông thậm chí cho thấy một chiến dịch quy mô hơn sự hiện diện của 3 tàu sân bay ở biển Philippines.
Ngoài các tàu sân bay, Mỹ cũng điều máy bay ném bom B-52 từ đất liền của Mỹ đến Biển Đông. Máy bay này đã bay liên tục 28 giờ từ căn cứ ở Louisiana đến Biển Đông để tham gia tập trận. Điều này nhằm thể hiện năng lực của Không quân Mỹ có thể huy động khí tài đến các điểm nóng trên thế giới một cách nhanh chóng.
“Việc triển khai này cho thấy năng lực của chúng tôi có thể tiếp cận bất cứ nơi đâu trên thế giới và thực hiện sứ mệnh”, Christopher Duff, chỉ huy của Phi đội Bom 96 của Mỹ, cho biết.
Minh Phương
Tổng hợp
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn