Nghi phạm My Ut Trinh ngày 22-11 đã trình diện trước tòa ở TP Brisbane, bang Queensland - Úc sau hơn 10 ngày bị bắt giữ. Bà ta bị cáo buộc nhét kim khâu vào dâu tây khiến người tiêu dùng lo sợ, nhà sản xuất điêu đứng khắp đất nước chuột túi.
Bà My Ut Trinh
"Trả thù vì bị xử tệ"
Bị cáo buộc 7 tội danh liên quan tới hủy hoại hàng hóa, bà Trinh đối mặt án phạt lên tới 10 năm tù. Giáo sư an ninh lương thực Chris Elliot của Trường ĐH Queen’s Belfast (Anh) gọi đây là một vụ "khủng bố thực phẩm".
Người phụ nữ 50 tuổi vốn là nhân viên giám sát tại một trang trại dâu tây ở Queensland này đã sống ở Úc hơn 20 năm. Các công tố viên cáo buộc bà nhét kim khâu vào dâu tây của trang trại Berry Licious ở Caboolture từ ngày 2 đến 5-9, có thể do mâu thuẫn với ông chủ Kevin Tran. Truyền thông địa phương tiết lộ bà từng nói với đồng nghiệp rằng "muốn hủy hoại" việc làm ăn của ông chủ do bị đối xử tệ bạc.
Những thông tin về trái cây bị nhét kim khâu nổi lên từ tháng 9-2018. Một bé gái 7 tuổi cắn trúng quả dâu nhét kim nhưng may mắn không bị thương. Trong khi đó, anh Hoani Hearne - 21 tuổi, ở TP Brisbane, bang Queensland - kém may mắn hơn, phải nhập viện sau khi nuốt nửa chiếc kim giấu trong trái dâu tây.
"Tôi bị sốc" - Hearne nói với trang 9 News. Bạn bè của Hearne cho biết trái dâu tây găm kim bên trong được mua tại siêu thị Woolworths, một trong những thương hiệu bán lẻ lớn nhất nước Úc. Đến nay, dâu tây có kim khâu được phản ánh ở ít nhất 6 bang nước này.
Vụ việc trên gây ra cơn hoảng loạn lan rộng cả nước Úc và sau đó, hơn 230 trường hợp phản ánh tìm thấy kim khâu trong dâu tây, bao gồm một số trường hợp được cho là bắt chước! Kim khâu còn được tìm thấy ở chuối, táo…
Giới chức trách địa phương bắt đầu khuyến cáo người dân nên cắt dâu tây trước khi ăn. Nhiều siêu thị ở Úc ngừng bán loại trái cây này trong khi một số video lan truyền trên mạng cho thấy nông dân ngậm ngùi đổ bỏ hàng tấn dâu ế. Cảnh sát cho biết 68 thương hiệu dâu tây của nền công nghiệp trị giá nửa tỉ USD của Úc bị ảnh hưởng, trong đó có 49 thương hiệu ở Queensland.
Kim khâu được tìm thấy trong dâu tây ở Úc. Ảnh: AAP-ABC
Cuộc điều tra quy mô lớn
Người trồng dâu tây khắp nước Úc như ngồi trên lửa khi cuộc khủng hoảng xảy ra đúng thời điểm thu hoạch cao điểm. Dâu tây rớt giá hơn phân nửa.
Cơn ác mộng còn vượt ra khỏi biên giới Úc khi một khách hàng ở TP Auckland - New Zealand mua trúng hộp dâu tây xuất xứ từ nước láng giềng có kim khâu bên trong. Ngay lập tức, 2 nhà phân phối thực phẩm lớn nhất nước này, Countdown và Foodstuffs, tuyên bố ngừng nhập khẩu dâu tây Úc vì lo ngại.
Cảnh sát ở toàn bộ 6 bang của Úc phát hiện kim khâu nhét trong dâu tây đã chung tay giúp sức cuộc điều tra, do giới chức trách Queensland dẫn đầu. Bang miền Đông Bắc nước Úc này - nơi khởi phát cuộc khủng hoảng và chịu ảnh hưởng nặng nề nhất - đã huy động hơn 100 cảnh sát, trong đó có 60 thám tử, tham gia cuộc điều tra quy mô lớn.
"Đây có lẽ là một trong những cuộc điều tra gay go và gian nan nhất mà tôi từng tham gia" - ông Jon Wacker, một thám tử của Đội Điều tra ma túy và tội ác nguy hiểm của Úc, cho hay.
Manh mối dẫn các nhà điều tra tới bà My Ut Trinh được cho là ADN của nữ nghi phạm - phát hiện từ kim khâu nhét trong dâu tây tại bang Victoria. Tuy vậy, ông Nick Dore, luật sư của bà Trinh, cho rằng ADN không đủ để chứng minh bà ta đã nhét kim vào dâu tây. Theo ông, bằng chứng chống lại bà Trinh chỉ là những lời "đồn đoán, bóng gió". Những đồng nghiệp được bà Trinh "trút bầu ấm ức" nêu trên cũng không tin rằng bà ta nói nghiêm túc.
Nhằm tiếp sức cuộc điều tra, giới chức trách ở các bang không ngừng đưa ra những phần thưởng hậu hĩnh. Bang Tây Úc treo phần thưởng 100.000 AUD (gần 1,7 tỉ đồng) cho ai cung cấp thông tin để bắt được hung thủ. Các bang Queensland, New South Wales… cũng công bố mức thưởng tương tự.
Trong khi đó, gọi hành động phá hoại nhằm vào ngành sản xuất dâu tây là "khủng bố", Thủ tướng Scott Morrison hối thúc quốc hội Úc nhanh chóng cho phép nâng mức phạt tối đa với những hành vi phá hoại thực phẩm có chủ đích từ 10 lên 15 năm tù - tương đương tội ấu dâm hay khủng bố tài chính.
Không còn đổ bỏ dâu tây
Nông dân Úc, nhất là ở bang Queensland, từng phải đổ bỏ dâu tây vì dư thừa. Trước tình cảnh này, Toan Nguyen và Gina Dang - cặp vợ chồng gốc Việt ở Bundaberg, cách Brisbane khoảng 4 giờ chạy xe - đã đầu tư vào giải pháp sấy lạnh dâu tây với công nghệ thực phẩm vũ trụ, giúp hàng trăm tấn dâu không còn phải chịu số phận trong thùng rác.
Tạo ra một sản phẩm giá trị gia tăng, tận dụng những trái dâu dư thừa cũng như giúp ích cho nền công nghiệp, đó là trải lòng của Gina Dang về giải pháp dâu sấy lạnh mà vợ chồng cô theo đuổi hơn 10 năm qua. Mỗi năm, Công ty SSS Strawberries của cặp vợ chồng này chuyển 40 tấn dâu từ nông trại lớn của gia đình tại Bundaberg tới kho sấy lạnh ở Sunshine Coast. SSS Strawberries còn đầu tư vào Freeze Dry Industries, một công ty sấy lạnh dâu tây ở Yandina và không ngừng mở rộng quy mô sản xuất.
Không đành lòng đổ bỏ sản phẩm do mình đổ mồ hôi tạo ra, một số nông dân trồng dâu tây khác ở Úc cũng đang tìm tới giải pháp này. Tuy nhiên, cũng như gia đình Toan Nguyen - Gina Dang, phần lớn dâu sấy lạnh của họ mới chỉ phục vụ từ thiện, trong khi mục tiêu tìm thị trường xuất khẩu cũng đang được tính tới.
Kỳ tới: "Quái vật" hạ độc kẹo Nhật
Tác giả: Theo Đỗ Quyên
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn