Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Ảnh: Getty)
Họ có thể có một điểm chung: tham vọng phục hồi vị thế của đất nước mình. Nhưng nguyên thủ Mỹ - Trung lại khác biệt ở hầu hết các khía cạnh khác, từ phong cách chính trị tới kinh nghiệm ngoại giao, làm gia tăng sự bấp bênh đối với mối quan hệ song phương được xem là quan trọng nhất thế giới, hãng tin Reuters nhận định.
Năm tháng kể từ cuộc bầu cử tổng thống với quan điểm thẳng thắn chống Trung Quốc, ông Trump dường như đã thiết lập đường hướng đối đầu hơn là hòa giải với ông Tập, gây ra những ngờ vực về việc liệu 2 nền kinh lớn nhất thế giới có thể tìm được tiếng nói chung.
Nguyên thủ Mỹ - Trung sẽ có các cuộc gặp diễn ra trong 2 ngày 6-7/4 tại khu nghỉ dưỡng của ông Mar-a-Lago của ông Trump tại Florida. Đứng đầu chương trình nghị sự sẽ là liệu nhà lãnh đạo Mỹ có giữ lời hứa về việc sử dụng quan hệ thương mại Mỹ - Trung để gây sức ép buộc Bắc Kinh hành động nhiều hơn đối với Triều Tiên hay không.
Phong cách đối lập
Ông Trump, một tỷ phú bất động sản 70 tuổi và không có kinh nghiệm ngoại giao trước khi vào Nhà Trắng, đã viết trên mạng xã hội rằng ông sẽ là một cuộc gặp “rất khó khăn” với nhà lãnh đạo kém ông 7 tuổi.
Cuộc gặp nêu bật những khác biệt giữa hai người: Ông Trump bạo miệng, không kiên nhẫn, thường có những phát biểu gây tranh cãi trên mạng xã hội; trong khi ông Tập điềm tĩnh và thận trọng, không sử dụng mạng xã hội.
Khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa của hai nhà lãnh đạo cũng có thể làm tăng thêm mẫu thuẫn giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, vốn ngày càng cạnh tranh trên trường quốc tế.
“Ông Trump và ông Tập không phải là những người bạn tự nhiên”, Reuters dẫn lời một cựu quan chức cấp cao của Mỹ chuyên về châu Á cho biết. “Câu hỏi là khi khẩu hiệu “Khiến nước Mỹ vĩ đại trở lại” của ông va phải “”Giấc mơ Trung Quốc”, điều gì sẽ xảy ra?”.
Hiện chưa rõ ông Trump sẽ đi xa như thế nào trong việc biến các lời nói mạnh mẽ thành chính sách để gây áp lực lên Trung Quốc, bởi một cuộc chiến thương mại sẽ không có lợi cho cả hai nước.
Nhưng các trợ lý cho rằng ông Trump sẽ không “tung đòn”, đặc biệt về thương mại, vấn đề mà ông có quan điểm cứng rắn trong nhiều năm qua. Điều này làm gia tăng ngờ vực về việc liệu hai nhà lãnh đạo có thể tìm điểm chung về Triều Tiên và các tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông hay không.
Ông Trump mới tại vị hơn 10 tuần, còn ông Tập đã tại vị từ năm 2013. Ông Tập đã tìm cách thúc đẩy hình ảnh trên trường quốc tế như một người ủng hộ mạnh mẽ toàn cầu hóa, trong khi ông Trump gây lo ngại về chủ nghĩa bảo hộ Mỹ.
Tránh bị mất mặt
Điều khiến Trung Quốc lo ngại hơn các mâu thuẫn về chính sách giữa hai nước là nguy cơ ông Trump, một vị tổng thống khó đoán, có thể làm xấu mặt ông Tập, sau khi một số lãnh đạo thế giới trải qua những khoảnh khắc kỳ quặc với tân Tổng thống Mỹ.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã có cái bắt tay không thoải mái và kéo dài với ông Trump tại Nhà Trắng hồi tháng 2, và ông Trump dường như đã phớt lờ đề nghị bắt tay của Thủ tướng Đức Angela Merkel trong cuộc gặp hồi tháng trước.
“Đảm bảo rằng Chủ tịch Tập Cận Bình không bị mất mặt là ưu tiên hàng đầu với Trung Quốc”, một quan chức Trung Quốc tiết lộ.
Các cuộc gặp giữa tổng thống Mỹ và lãnh đạo Trung Quốc thường được lên kế hoạch kỹ càng hơn so với các lãnh đạo nước ngoài khác. Một số quan chức Trung Quốc đòi hỏi phải đảm bảo rằng họ được đối xử đúng mực theo cách mà họ tin là có lợi cho một cường quốc thế giới.
Nhiệm vụ chính của Trung Quốc
Trong khi đó, các chuyên gia phân tích cho rằng trong những nhiệm vụ chính của Trung Quốc trong cuộc gặp đầu tiên giữa ông Tập và Trump là tìm hiểu xem ai đáng tin cậy trong nhóm của ông Trump và ai là “tai mắt” của Tổng thống Mỹ.
Theo Thời báo Hoa nam Buổi sáng, kể từ khi ông Trump đắc cử tổng thống, Trung Quốc đã phải học cách thích nghi với các cách thức liên lạc mới trong việc kết nối với nhà lãnh đạo Mỹ khó đoán, chủ yếu thông qua con rể kiêm trợ lý thân cận Jared Kushner, người mà giới chức Bắc Kinh xem là người “thực tế”, theo các chuyên gia chính sách ngoại giao của Trung Quốc.
“Liên lạc giữa Trung Quốc và Kushner cho tới nay diễn ra khá suôn sẻ”, Wu Xinbo, giám đốc Trung tâm nghiên cứu Mỹ tại Đại học Fudan, cho hay. “Kushner đã trở thành một thành viên chủ chốt của chính quyền Trump. Quan điểm của Kushner với Trung Quốc thực tế hơn”.
Cuộc gặp tuần này giữa ông Trump và ông Tập sẽ là một cơ hội quan trọng để Bắc Kinh quan sát và thu thập các đầu mối về người là nhân vật liên lạc quan trọng nhất trong chính quyền Trump. “Trung Quốc sẽ để ý xem bên nào có ảnh hưởng hơn với ông Trump và ông chủ Nhà Trắng xem quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc ra sao”, ông Wu nhận định.
Cho tới nay ông Trump vẫn chưa bổ nhiệm nhóm chính sách châu Á và Trung Quốc, nhưng Kushner đã tham gia mạnh mẽ vào các liên lạc giữa Washington và Bắc Kinh, cũng như trong việc thiết lập cuộc gặp giữa ông Trump và ông Tập tại Mar-a-Lago.
Kushner duy trì liên lạc thường xuyên với Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải và đã chuyển các đề nghị từ ông Khải tới Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, người về lý thuyết là nhân vật quyền lực nhất về chính sách ngoại giao của Mỹ nhưng được tin là “đứng ngoài lề”, New York Times đưa tin.
Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn lo ngại về Kushner vì mối quan hệ của anh này với Nga đã bị soi xét tại Mỹ. Kushner đã được đề nghị trình diện trước Ủy ban Tình báo Thượng viện để bị thẩm vấn đề mối quan hệ giữa các cố vấn của ông Trump và các quan chức Nga. Trong khi đó, Ivanka, con gái của ông Trump và vợ của Kushner, cũng bị chỉ trích vì đảm nhiệm một vị trí ở Nhà Trắng.
Các quan chức như ông Tillerson hay Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin lại không thuộc nhóm thân cận của ông Trump, và sự chia rẽ trong nhóm của ông Trump về Bắc Kinh đã cản trở Washington đưa ra một chính sách nhất quan với Trung Quốc.
“Thật khó khi ông Trump lắng nghe một cố vấn lúc này và sau đó lại quay sang người kia lúc khác”, Shi Yinhong, một chuyên gia về các vấn đề Trung Quốc tại Đại học Renmin, Trung Quốc, nhận định.
Một số cố vấn của ông Trump, trong đó có chiến lược gia trưởng Steve Bannon, Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross hay Peter Navarro, người đứng đầu ủy ban mới thành lập mang tên Hội đồng Thương mại Quốc gia của ông Trump, được biết tới là có cách tiếp cận cứng rắn hơn với Trung Quốc, đặc biệt về các vấn đề thương mại.
Liu Weidong, một chuyên gia về các vấn đề Mỹ tại Viện khoa học xã hội Trung Quốc, cho rằng cuộc gặp tới sẽ là cơ hội tốt để Trung Quốc tìm hiểu xem ông Trump thực sự nghĩ gì về Trung Quốc.
Tác giả: An Bình
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn