Tàu Castoro 10 đặt ống bọc bê tông cho đường ống dẫn khí Nord Stream-2 xuống đáy biển Baltic gần Lubmin, Đức hôm 16/8/2018. Ảnh: Getty Images/Sean Gallup
Tờ Dow Jones News dẫn lời lãnh đạo công ty năng lượng Đức Uniper, một trong những đối tác châu Âu trong dự án "Dòng chảy phương Bắc-2" (Nord Stream-2) đã tuyên bố một thông tin bất ngờ.
Theo đó, Ủy viên Hội đồng quản trị Công ty Uniper Christopher Delbrück cho rằng, Công ty này có thể tự loại khỏi dự án một khi Mỹ tuyên bố sẽ trừng phạt những ai tham gia làm ăn với các công ty Nga.
"Dĩ nhiên, Uniper không thể mạo hiểm nếu thực sự tiếp cận với các biện pháp trừng phạt. Trong trường hợp này, chúng tôi sẽ bị loại khỏi việc thanh toán bằng đồng USD, ảnh hưởng đến doanh thu, chúng tôi sẽ không còn khả năng sử dụng đồng dollar Mỹ trong các giao dịch thương mại" - ông Delbrück cho biết.
Việc giảm khả năng thanh toán bằng đồng dollar được cho là "điều Uniper không thể để xảy ra".
"Chúng tôi hy vọng các bên sẽ hành động hợp lý trong toàn bộ tình huống này" - ông Delbrück nhấn mạnh.
Berlin sẽ không tham gia bất kỳ một cuộc thảo luận nào nhằm ngăn chặn việc thực hiện dự án Nord Stream-2 của Nga.
Trước các lo ngại về trừng phạt Mỹ, gã khổng lồ năng lượng Đức - Wintershall tham gia trong dự án này tiếp tục nhấn mạnh vai trò của dự án khí đốt quan trọng này.
RT dẫn lời CEO của Wintershall - Mario Mehren khẳng định, Nord Stream-2 là cần thiết đối với nhu cầu của châu Âu.
Khí tự nhiên của Nga chạy qua tuyến ống Nord Stream-2 là rất quan trọng đối với châu Âu trong bối cảnh nhu cầu ngày càng tăng và sản lượng khai thác giảm liên tục trong khu vực.
"Nhu cầu trong EU đang tăng lên, nhưng sản xuất trong nước đang giảm - trong đó có nghĩa là nhu cầu nhập khẩu ngày càng tăng.
“Vào năm 2030, EU có thể sẽ phải nhập khoảng 400 tỷ mét khối khí thiên nhiên. Để đáp ứng nhu cầu nhập khẩu ngày càng tăng, chúng tôi cần các đối tác đáng tin cậy, đặc biệt là trong khoảng cách đường ống. Ví dụ, Nord Stream-2 sẽ cung cấp thêm 55 tỷ mét khối khí thiên nhiên khi nó được hoàn thành. Đây là khí thiên nhiên mà Châu Âu cần" - thông báo của công ty dẫn lời CEO Mehren nói.
Ông Mehren lưu ý rằng, Nga là một đối tác lớn trong các dự án năng lượng châu Âu với lợi thế địa lý và do đó, nâng cao tầm quan trọng của họ trong các dự án năng lượng châu Âu trong tương lai" - ông Mehren nhận định.
Vị CEO của Wintershall cho rằng, quan hệ đối tác giữa Đức và Nga càng đáng tin cậy bao nhiêu thì càng tốt cho châu Âu, đặc biệt là trong vấn đề năng lượng.
"Mối quan hệ đặc biệt tốt giữa hai bên là rất cần thiết để đạt được các mục tiêu về khí hậu. Châu Âu phải dùng "con bài át chủ bài "của mình".
Việc Mỹ áp đặt trừng phạt lên nhiều quốc gia trong đó có Iran đã khiến gia tăng mối lo ngại của hàng loạt công ty châu Âu sẽ phải rút khỏi các hợp đồng dang dở hoặc trì hoãn chúng để tránh bị trừng phạt.
Dự án Nord Stream-2 nếu tiếp tục là lựa chọn của Mỹ sẽ khiến các công ty châu Âu rối loạn. Đây là thời điểm mà họ cần những lời tuyên bố khẳng định chắc chắn của Chính phủ các nước châu Âu về chính sách và quan hệ với quốc gia đối tác.
Thủ tướng Đức Angela Merkel đã nhiều lần tuyên bố về việc sẽ bất chấp các đòn trừng phạt của Mỹ để duy trì một dự án khí đốt khổng lồ chạy dưới biển Baltic. Điều cần làm hiện nay là phía Nga phải đảm bảo lượng khí đốt cấp cho quốc gia quá cảnh - Ukraine để ổn định tình hình.
Hôm 29/8, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas tiếp tục khẳng định, Berlin sẽ không tham gia bất kỳ một cuộc thảo luận nào nhằm ngăn chặn việc thực hiện dự án Nord Stream-2.
Ngoại trưởng Đức đã lên tiếng chỉ trích các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Iran, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ vì gây ảnh hưởng đến các doanh nghiệp Đức. Ông nhấn mạnh các lệnh cấm vận của Washington áp đặt đối với Moscow sẽ tác động tiêu cực đến quan hệ thương mại giữa Nga và Liên minh châu Âu.
"Điều này hoàn toàn không thể chấp nhận được khi Mỹ muốn sử dụng các biện pháp trừng phạt để gây ảnh hưởng đến chính sách năng lượng của châu Âu", ông Maas phát biểu trong hội nghị các đại sứ ở Bộ Ngoại giao tại Berlin.
Ngoại trưởng Đức cũng khẳng định Đức cũng như các nước châu Âu khác sẽ dựa vào yếu tố giá thành thấp để lựa chọn nhà cung cấp khí đốt.
Theo ông Maas, nếu Mỹ muốn xuất khẩu nhiều LNG hơn sang châu Âu, các nước EU sẵn sàng xem xét mở rộng cửa hơn cho các công ty cung cấp khí đốt cho khu vực này. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Đức nhấn mạnh rằng "quyết định mua phải dựa trên giá, chứ không phải được thực thi thông qua lệnh cấm vận".
Tuy nhiên, rõ ràng là lời cam kết của giới chức Đức dường như chưa đủ sức tạo niềm tin cho các doanh nhân kinh doanh năng lượng.
Tuyên bố có phần chưa chắc chắn của hai công ty năng lượng Đức tham gia dự án đã cho thấy phần nào những lo ngại về hoạt động kinh doanh của họ một khi lệnh trừng phạt được ban bố.
Trường hợp xấu hơn là Tập đoàn năng lượng khổng lồ của Pháp Total đã buộc phải rút khỏi một dự án trị giá 2 tỉ USD tại Iran vì lo ngại các biện pháp trừng phạt.
Do vậy, đối với các doanh nhân Đức, một sự cam kết là chưa đủ. Giới đầu tư năng lượng ở Đức đang cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn ở Chính phủ Đức, có thể là những hỗ trợ về tài chính nếu muốn họ tiếp tục duy trì dự án chiến lược này.
Tác giả: Theo Sơn Dương
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn