(Ảnh minh họa: News.com.au)
Là thành viên trong một xã hội có trách nhiệm cao, những người lao động Nhật Bản thường tự ý thức được họ là một phần của một mục tiêu lớn và họ luôn phải có nghĩa vụ hoàn thành mọi công việc được giao để mang lại thành công cho toàn bộ công ty. Lòng tự tôn, sự coi trọng những giá trị tinh thần lớn tới mức đôi khi họ bị “mắc kẹt” trong những công việc không đủ tốt, không phù hợp với khả năng hoặc tính cách.
“Sau tất cả, nếu các đồng nghiệp của tôi đều làm việc chăm chỉ mỗi ngày, việc tôi cảm thấy không thỏa mãn với công việc không phải là rất thiếu tôn trọng hay sao? Và nếu tôi nghỉ việc, họ sẽ phải vất vả làm thêm việc của tôi cho tới khi công ty tìm và đào tạo được một người để thay thế”. Japan Today cho rằng đây là một trong nhiều lý do khiến người Nhật Bản cảm thấy việc mở lời với cấp trên hoặc phòng nhân sự để xin thôi việc là điều vô cùng tồi tệ. Họ sợ bị phán xét là những người ích kỷ, chỉ biết nghĩ tới bản thân mình trong trường hợp này.
“Tôi từng làm trong 3 công ty trước khi mở Exit. Khi bạn nghỉ việc, sẽ tốn rất nhiều công sức, vì vậy Exit là công ty có thể giúp các bạn bớt đi những dằn vặt trong việc xin nghỉ làm”, anh Toshiyuki Arano, người sáng lập Exit nói với Japan Today.
Exit là một trong ngày càng nhiều công ty cung cấp dịch vụ xin từ chức mọc lên tại Nhật Bản. Trong hợp đồng, Exit sẽ chịu trách nhiệm liên hệ với công ty của khách hàng và thông báo kế hoạch nghỉ việc.
“Xin chào. Tôi gọi từ Sentience (công ty mẹ của Exit). Tôi có thể nói chuyện với đại diện của phòng nhân sự chứ?”, Japan Today trích một phần “kịch bản” xin nghỉ việc của Exit.
Sau màn dạo đầu lịch sự và đã kết nối với người chịu trách nhiệm, người gọi điện sẽ thông báo: “Tôi gọi cho ông/bà hôm nay vì nhân viên tên là [tên], người sẽ xin nghỉ việc ngày hôm nay”.
Bắt đầu từ giây phút đó, Exit đã trở thành trung gian, xử lý mọi bước liên hệ giữa khách hàng và công ty mà khách hàng muốn xin nghỉ. Họ sẽ chuyển đơn xin thôi việc từ khách hàng qua phía công ty, nhận lại các thủ tục bàn giao cần thiết và cố gắng kết thúc mọi việc trong êm đẹp.
“Khi chúng tôi khởi nghiệp, chúng tôi nghĩ rằng mình sẽ làm những công việc đơn giản. Nhưng khi các khách hàng gọi điện, nói những câu như: “Làm ơn hãy cứu tôi” hoặc “Tôi muốn chết đi” thì chúng tôi nhận ra mức độ của việc này nghiêm trọng hơn hẳn những gì chúng tôi tưởng tượng ban đầu”, ông Yuichiro Okazaki, một người sáng lập khác của Exit nói.
Lời kể của Okazakhi phản ánh mức độ dằn vặt tâm lý vô cùng mạnh mẽ mà người Nhật Bản phải chịu đựng khi muốn xin nghỉ việc. Đối với họ, áp lực nặng nền tới mức họ không dám bước chân vào trụ sở công ty vì vậy Exit không chỉ đơn giản là một công ty thực hiện các việc giấy tờ trung gian, mà họ còn giúp giải phóng gánh nặng tâm lý và cảm xúc.
Exit mở dịch vụ xin nghỉ việc hộ từ năm ngoái, và hiện thời họ có 300 khách hàng mỗi tháng. Mức phí cơ bản cho một nhân viên toàn thời gian muốn nghỉ làm là 50.000 JPY (khoảng 450 USD), trong khi với nhân viên bán thời gian là 350 USD. Và vì những người này có thể sẽ không nghỉ chỉ 1 lần trong đời, Exit thậm chí còn cung cấp dịch vụ khách hàng thân thiết, được giảm thêm gần 90 USD cho lần xin nghỉ việc tiếp theo.
Tác giả: Đức Hoàng
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn