Căng thẳng leo thang
Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Australia là một trong những mối quan hệ "quan trọng nhất" trên thế giới nhưng nguy cơ căng thẳng giữa 2 nước đang ngày càng leo thang khi 2 bên liên tục đưa ra những cáo buộc và chỉ trích nhau về dịch Covid-19, Andrew Forrest - Chủ tịch Tập đoàn Fortescue Metals - một trong những nhà cung cấp quặng sắt lớn nhất của Australia cho Trung Quốc cảnh báo.
Căng thẳng leo thang đầu tháng trước khi trang The Sydney Morning Herald khẳng định rằng các công ty Australia được Trung Quốc hậu thuẫn đã mua một lượng lớn khẩu trang y tế và vận chuyển chúng tới Trung Quốc dưới hình thức hỗ trợ nhân đạo, làm cạn kiệt nguồn cung của Australia khi nước này cần mặt hàng này nhất.
Trong khi ông Forrest cho rằng hành động của các công ty Trung Quốc "không có gì sai" và việc này là "hợp pháp" thì mối quan hệ giữa Australia và Trung Quốc không có dấu hiệu hạ nhiệt mà ngày càng leo thang căng thẳng. Chính phủ Australia vào tháng trước đã tăng cường những nỗ lực điều tra nguyên nhân gây nên dịch Covid-19, trong đó có cách xử lý ban đầu của nước này với đại dịch tại Vũ Hán. Australia cũng cùng với Mỹ, Đức và Pháp thúc đẩy cuộc điều tra về nguồn gốc dịch Covid-19 giữa bối cảnh các nước này vẫn đang tiếp tục cuộc chiến của mình nhằm ngăn chặn sự lan rộng của dịch bệnh.
Động thái trên đã khiến Đại sứ Trung Quốc tại Australia Cheng Jingye cảnh báo Trung Quốc sẽ tẩy chay rượu vang và thịt bò Australia nếu Canberra tiếp tục thúc đẩy cuộc điều tra này. Những bình luận đó được các nhân vật cấp cao trong chính phủ Australia coi là một lời đe dọa đáp trả về kinh tế.
Sự leo thang căng thẳng nhanh chóng giữa 2 nước đã cho thấy sự cân bằng không ổn định giữa các hợp đồng kinh tế của Australia với chính sách ngoại giao của nước này với Trung Quốc.
Bất đồng và lợi ích cốt lõi
Giám đốc điều hành Viện Lowy Michael Fullilove nhận định Australia cần luôn nhớ "2 điều trong đầu một lúc" khi xem xét mối quan hệ với Trung Quốc.
"Trung Quốc là đối tác kinh tế quan trọng nhất của chúng ta, một quốc gia mà chúng ta có những lợi ích kinh tế sâu sắc và chúng ta sẽ cần mối quan hệ này thậm chí sau khi chúng ta vượt qua đại dịch Covid-19", ông Fullilove cho biết.
"Tuy nhiên Trung Quốc cũng là một nước lớn - một quốc gia 1,4 tỷ dân, rất khác với Australia".
Nhà phân tích này cũng thừa nhận rằng cách định nghĩa và thúc đẩy các lợi ích của Trung Quốc trong những năm qua đã thay đổi khá mạnh mẽ.
Giám đốc Viện Lowy nhận định: “Chúng ta có những khác biệt trong quan hệ với Trung Quốc. Chúng ta cần tìm cách để hợp tác và làm ăn với họ nhưng vẫn sẽ có một vài điểm va chạm".
Bà Penny Wong - Người phát ngôn đối ngoại của Công đảng đối lập nhận định rằng Trung Quốc đã quyết đoán hơn nhiều trong cách thức thúc đẩy các lợi ích của nước này.
Bà Wong cũng cảnh báo về quan điểm cho rằng sự tách rời khỏi Trung Quốc có thể là một sự lựa chọn.
"Thỉnh thoảng chúng tôi có những cuộc thảo luận chính trị trong nội bộ chính trường Australia về việc chúng tôi dường như có một vài lựa chọn để có thể tách khỏi Trung Quốc". Tuy nhiên, bà Wong khẳng định sự tách rời về "mặt kinh tế hoặc địa chính trị" là không thực tế.
Người phát ngôn Công đảng đối lập Australia cũng nhận định dịch Covid-19 đang thay đổi môi trường quốc tế: "Tôi cho rằng những gì đang xảy ra đang làm leo thang sự cạnh trạnh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc. Điều đó cho thấy chủ nghĩa đa phương đang yếu đi".
Theo bà Wong, điều này sẽ gây khó khăn cho Australia để thúc đẩy các lợi ích của mình.
“Điều đó sẽ đòi hỏi khả năng lãnh đạo, những quy tắc và sự nhất quán. Điều đó cũng đặt ra yêu cầu với Thủ tướng Morrison và Ngoại trưởng Australia cần chủ trì những cuộc thảo luận về việc chúng ta sẽ xoay xở như thế nào trong một trật tự thế giới chia rẽ hiện nay".
Trong khi đó, ông Fullilove cho rằng: "Chúng ta phải là một quốc gia độc lập, độc lập với Mỹ, độc lập với Trung Quốc. Nhưng hiện vẫn còn quá sớm để tách rời khỏi liên minh với Mỹ".
Mặc dù những căng thẳng gần đây với Trung Quốc cho thấy Australia muốn có một tiếng nói độc lập trong quan hệ 2 bên song trên thực tế, căng thẳng ngoại giao giữa 2 nước có thể sẽ được kìm lại bởi trên hợp tác thương mại Australa-Trung Quốc có ý nghĩa vô cùng lớn. Trung Quốc là một đối tác thương mại 2 chiều lớn nhất của Australia về hàng hóa và dịch vụ. Thương mại 2 chiều giữa 2 nước đạt 235 tỷ USD năm 2018 - 2019, mức cao nhất từng thấy.
Giáo sư James Laurenceson, Giám đốc Viện quan hệ Australia - Trung Quốc tại Đại học Công nghệ Sydney nhận định với The Guardian rằng ông tin là những tranh cãi hiện nay giữa 2 bên sẽ "kìm chế trong lĩnh vực ngoại giao" và sẽ không lan sang khía cạnh kinh tế trong quan hệ 2 nước, vốn đem lại lợi ích cho cả 2.
Nghị sĩ đảng Tự do (đảng của Thủ tướng Morrison) Dave Sharma - cựu Đại sứ Australia tại Israel nhận định điều quan trọng trong mối quan hệ giữa Australia và Trung Quốc là sự bổ sung cho nhau.
"Chúng ta không làm ăn với Trung Quốc để giúp đỡ họ và họ cũng không mua hàng từ chúng ta bởi đó là sự hỗ trợ cho chúng ta. Họ mua hàng bởi chất lượng tốt và nguồn cung đáng tin của hàng hóa".
Có thể nhận thấy, bất chấp những căng thẳng ngoại giao và những va chạm không thể tránh khỏi, có một quan điểm xuyên suốt trong chính trường Australia khi xem xét đến mối quan hệ với Trung Quốc, đó là sự không thể tách rời về kinh tế và địa chính trị. Dịch Covid-19 sẽ làm thay đổi những mối quan hệ quốc tế hiện nay nhưng suy cho cùng lợi ích quốc gia cốt lõi sẽ luôn là điều được các nước đặt lên hàng đầu.
Theo Kiều Anh
VOV
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn